Kế toán môi trường và yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp
Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường cùng việc nâng cao chất lượng môi trường sống đang trở thành mối quan tâm của không chỉ ở từng cá nhân mà toàn xã hội, dẫn đến những đòi hỏi tất yếu cần phải có thông tin kế toán môi trường trong các doanh nghiệp.
Trong những năm trở lại đây, kế toán môi trường được nhìn nhận như là một công cụ hữu ích trong việc cung cấp các thông tin về môi trường ngoài các thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, làm cơ sở cho các nghĩa vụ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cũng như mức độ thỏa mãn các tiêu chuẩn hoặc luật lệ môi trường...
Vai trò của kế toán môi trường đối với các doanh nghiệp
KTMT là một lĩnh vực mới đang phát triển nhằm mục đích tìm kiếm và cung cấp các thông tin quan trọng và cần thiết về các chi phí và doanh thu có liên quan đến môi trường, hướng dẫn các DN, các chủ dự án trong việc ra các quyết định kinh tế, khuyến khích họ nỗ lực trong việc sử dụng tài nguyên, kể cả tài nguyên thiên nhiên do con người tạo ra một cách có hiệu quả và hạn chế tối đa sự hủy hoại môi trường, hạn chế rác thải và sự ô nhiễm, thay đổi các hành vi đối xử với môi trường sống.
Sự thay đổi trong nhận thức về trách nhiệm xã hội của DN trước các vấn đề môi trường đã đặt kế toán DN truyền thống trước thách thức là làm sao và bằng cách nào có thể kế toán các yếu tố môi trường? không chỉ thông qua vai trò có tính truyền thống là ghi chép và báo cáo các thông tin tài chính mà còn thể hiện được vai trò của kế toán như là công cụ trợ giúp hữu hiệu cho các nhà quản trị trong quản lý các vấn đề môi trường trong phạm vi từng đơn vị kinh tế. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của KTMT như là một tất yếu nhằm đáp ứng các đòi hỏi về thông tin môi trường trong hoạt động của DN ở cả lý luận và thực tế.
Bảo vệ môi trường và KTMT là vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, đồng thời cũng hết sức khó khăn và nhiều thách thức. KTMT sẽ là một công cụ cần thiết không chỉ giúp DN đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. KTMT đang là một phương pháp mới mẻ ở Việt Nam, do vậy, việc hiểu rõ bản chất, lợi ích và vai trò của KTMT trọng sự phát triển bền vững của xã hội nói chung và DN nói riêng là hết sức cần thiết. Vai trò của kế toán môi trường được đánh giá ở những khía cạnh như sau:
Thứ nhất, tiết kiệm chi phí cho DN. Một trong số những chức năng của KTMT là nhận diện, quản trị, nghiên cứu và cắt giảm chi phí liên quan đến môi trường trong DN. Ví dụ, KTMT thực hiện nghiên cứu, tìm ra các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí; nghiên cứu hệ thống xử lý rác thải, tìm kiếm nguồn tái chế, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động chung toàn DN. Trên thực tế, DN khi chấp nhận bỏ chi phí nghiên cứu kết hợp sản xuất với phát triển bền vững với môi trường thì có thể tạo ra những giá trị lớn hơn trong tương lai.
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Việc áp dụng KTMT sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của DN với các bên liên quan, tránh được những chi phí như tiền phạt, chi phí rủi ro khắc phục...
Mặt khác, nếu thực hiện tốt KTMT sẽ hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng lợi thế cạnh tranh do giảm được giá thành sản xuất.
Từ việc thực hiện tốt KTMT giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến làm giảm giá thành. Điều này sẽ giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý.
Thứ ba, nâng cao vị thế của DN, củng cố và làm hài lòng các mối quan hệ. DN có thái độ và hành vi tốt với môi trường sẽ là một thuận lợi rất lớn trong quá trình phát triển, nâng vị thế của DN đối với thị trường trong nước và toàn cầu, giúp DN hoà nhập vào thị trường quốc tế một cách dễ dàng hơn.
Việc áp dụng tốt KTMT vào DN sẽ làm hài lòng và củng cố lòng tin với các bên có liên quan vì Các cơ quan nhà nước, các tổ chức môi trường luôn quan tâm đến phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. DN sẽ được nhiều ưu đãi từ những cơ quan nhà nước cũng như tổ chức môi trường khi thực hiện tốt công việc này.
Phát triển kế toán môi trường tại Việt Nam thời gian tới
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, việc áp dụng KTMT vào kế toán Việt Nam là rất cần thiết, có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững đối với các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nhằm từng bước đưa KTMT ngày càng phổ biến trong hoạt động của DN, trong thời gian tới cần chú ý một số nội dung sau:
Một là, Việt Nam chưa có được các công cụ hữu hiệu trong quản lý môi trường. Các văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn về môi trường trong hoạt động của DN còn thiếu và chưa đồng bộ... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường quốc gia (tài nguyên nước, khoáng sản, rừng; các công nghệ xử lý chất thải; các bộ tiêu chuẩn môi trường trong từng ngành, lĩnh vực...) làm cơ sở cho quá trình hạch toán... Do đó trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước cần:
Hai là, cần xây dựng các văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến môi trường và quản lý môi trường chặt chẽ và rõ ràng hơn nhằm tạo nền tảng cơ sở và hành lang pháp lý cho việc phát triển hạch toán quản lý môi trường một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một hệ thống chỉ tiêu trong báo cáo môi trường được xây dựng trên cơ sở khoa học, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, tính đến điều kiện đặc thù của các DN trong nước sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý môi trường, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DN thực hiện tốt hoạt động BVMT.
Ba là, cần phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp để ban hành những chuẩn mực về KTMT, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài DN, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường. Các chuẩn mực này cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển ứng dụng hiệu quả KTMT như Hoa Kỳ, Nhật Bản... nhằm tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
Bốn là, thay đổi nhận thức và trách nhiệm xã hội của mình đối với vấn đề môi trường. Các nhà quản trị DN cần thường xuyên quan tâm cập nhật và thực hiện KTMT trong các DN, nhất là đối với các DN sản xuất.
Năm là, chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực cho bộ máy kế toán, trong đó có KTMT. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, KTMT thường được áp dụng tại các DN có quy mô lớn có nguồn tài chính dồi dào và chính sách hoạt động nghiêm ngặt. Do vậy, đối với các DN Việt Nam, trong giai đoạn đầu, nên được thử nghiệm công tác KTMT tại một dây chuyền hoặc một bộ phận trước khi tiến hành áp dụng đại trà cho toàn bộ DN cho phù hợp với điều kiện hoạt động của DN mình
Sáu là, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm.