Nâng cao hiệu quả ứng dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2019

Kế toán quản trị mới xuất hiện ở Việt Nam trong vòng 15 năm trở lại đây, song đã thu hút sự quan tâm khá lớn của các nhà quản trị bởi tính linh hoạt, hữu ích và kịp thời của thông tin kế toán phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, trong bối cảnh môi trường kinh doanh, đầu tư ngày càng phức tạp, vai trò của kế toán nói chung càng được nâng cao. Nguồn: internet
Ở Việt Nam, trong bối cảnh môi trường kinh doanh, đầu tư ngày càng phức tạp, vai trò của kế toán nói chung càng được nâng cao. Nguồn: internet

Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu vận dụng và xây dựng cho mình một bộ máy kế toán quản trị riêng biệt, tuy nhiên, vì kiến thức về kế toán quản trị còn mới, nên việc áp dụng vào thực tế còn hạn chế. Việc tìm giải pháp để giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả ứng dụng kế toán quản trị vào trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Kế toán quản trị là lĩnh vực chuyên môn của kế toán, nhằm nắm bắt các vấn đề thực trạng, đặc biệt là thực trạng tài chính của doanh nghiệp, qua đó giúp nhà quản lý doanh nghiệp ra các quyết định điều hành một cách tối ưu.

Theo Ronald W.Hilton, Đại học Cornell (Mỹ), kế toán quản trị là một bộ phận của hệ thống thông tin quản trị trong một tổ chức mà nhà quản trị dựa vào đó để hoạch định và kiểm soát hoạt động của tổ chức. Các tác giả của Đại học South Florida là Jack L.Smith, Robert M. Keith và William L.Stephens cho rằng, kế toán quản trị là một hệ thống kế toán cung cấp cho các nhà quản trị những thông tin định lượng mà họ cần để hoạch định và kiểm soát. Tóm lại, mặc dù ra đời sau so với kế toán tài chính nhưng kế toán quản trị ngày càng chứng tỏ sự cần thiết và vai trò đặc biệt quan trọng. Thông tin của kế toán quản trị không chỉ quan trọng trong vận hành doanh nghiệp, mà còn phục vụ công tác kiểm soát và đánh giá doanh nghiệp. Vì vậy, kế toán quản trị doanh nghiệp có các nhiệm vụ sau:

Một là, tính toán và đưa ra mô hình tối ưu về nhu cầu vốn cho một hoạt động hay một quyết định hay một mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, khi thực hiện một mục tiêu, các bộ phận phải tiến hành các hoạt động và để thực hiện các hoạt động phải huy động các nguồn lực đầu vào, nghĩa là doanh nghiệp phải đầu tư về các loại vốn như: Vốn ngắn hạn, dài hạn.

Do vậy, nhiệm vụ của kế toán quản trị trong khâu này bao gồm: (i) Nắm được tổ chức quản lý và quy trình của hoạt động; (ii) Nhận diện các loại chi phí liên quan đến hoạt động hay quyết định, mục tiêu đó; (iii) Tìm ra cách ứng xử đối với từng loại chi phí đã nhận diện; (iv) Xây dựng các chi phí tiêu chuẩn, giá thành định mức, nhằm kiểm soát các chi phí sẽ phát sinh liên quan đến hoạt động hay quyết định đó, nhằm đảm bảo tính kinh tế cũng như hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực; (v) Tính toán các chi phí và đưa ra dự toán (kế hoạch về vốn) tối ưu cho hoạt động hay quyết định đó; (vi) Phải tư vấn các phương án để nhà quản trị lựa chọn mua sắm được các nguồn lực tốt nhất, đảm bảo tính kinh tế trong quá trình huy động các nguồn lực.

Hai là, đo lường và tính toán chi phí cho một hoạt động, sản phẩm hoặc một quyết định một mục tiêu cụ thể. Kế toán quản trị có nhiệm vụ: Tính toán, đo lường, phân bổ chi phí và tính giá thành cho sản phẩm, hoạt động.

Trong khâu này, kế toán quản trị còn có nhiệm vụ so sánh giữa kết quả thực hiện về chi phí, giá thành với dự toán (kế hoạch) đã xây dựng và với các chi phí tiêu chuẩn, giá thành định mức và đưa ra các kiến nghị điều chỉnh kịp thời, nhằm kiểm soát các chi phí và giá thành sao cho đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của việc sử dụng các nguồn lực cho từng hoạt động.

Ba là, phân tích chi phí, giá thành của các hoạt động để tư vấn cho nhà quản trị tìm ra các giải pháp tác động nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra của nhà quản trị như: Thông qua tối ưu hóa mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận, đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực của việc sử dụng các nguồn lực, để hoạch định và kiểm soát chi phí, để quản lý toàn diện các hoạt động, để giảm các tổn thất và nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và cao hơn nữa là tạo ra những giá trị mới sáng tạo cho doanh nghiệp…

Nâng cao hiệu quả ứng dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1

Bốn là, đánh giá hiệu năng quản lý thông qua hệ thống kế toán trách nhiệm: Hệ thống kế toán trách nhiệm được thiết lập để có thể ghi nhận, đo lường kết quả hoạt động của từng bộ phận trong tổ chức. Trên cơ sở đó, các báo cáo được lập ra nhằm phục vụ nhà quản lý kiểm soát được hoạt động và chi phí.

Thực trạng ứng dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam

Ở Việt Nam, trong bối cảnh môi trường kinh doanh, đầu tư ngày càng phức tạp, vai trò của kế toán nói chung càng được nâng cao. Không chỉ dừng lại ở kế toán tài chính là đơn vị cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài, kế toán quản trị với chức năng cung cấp thông tin cho lãnh đạo để tham khảo trước khi đưa ra các quyết định để điều hành, quản lý doanh nghiệp cũng được chú trọng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, cụ thể:

- Đa số các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm thỏa đáng đến một văn bản có ý nghĩa đầu tiên hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng kế toán quản trị. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến kế toán tài chính mà còn hạn chế trong việc nắm bắt tầm quan trọng của kế toán quản trị mang lại trong điều hành doanh nghiệp.

- Mặc dù, văn bản hướng dẫn về áp dụng kế toán quản trị vào doanh nghiệp đã được ban hành và kiện toàn nhưng còn mang tính chất hướng dẫn, nên phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa không áp dụng kế toán quản trị, thậm chí những doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng vẫn chưa áp dụng.

- Các doanh nghiệp mới áp dụng sơ khai, đơn giản chỉ là sự kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị, kế toán quản trị chỉ là chi tiết hóa số liệu của kế toán tài chính. Các doanh nghiệp chưa khai thác triệt để công cụ kế toán quản trị vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà quản trị doanh nghiệp còn lúng túng khi nghiên cứu nội dung kế toán quản trị để áp dụng thực tế vào doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi các nhà quản trị doanh nghiệp phải có đủ chuyên môn và kinh nghiệm chuyên tư vấn xây dựng hệ thống kế toán quản trị.

Để đáp ứng được yêu cầu trên, bắt buộc các nhà quản trị doanh nghiệp phải bỏ ra khoản chi phí để đào tạo nhân viên kế toán quản trị và các chi phí khác phục vụ cho việc áp dụng kế toán quản trị vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà quản trị doanh nghiệp luôn cân nhắc giữa chi phí đầu tư và hiệu quả mang lại của công tác kế toán quản trị. Đó chính là một trong những trở ngại lớn mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa muốn áp dụng kế toán quản trị vào doanh nghiệp.

- Về mô hình tổ chức bộ máy kế toán. Hiện nay các doanh nghiệp chỉ tổ chức bộ máy kế toán tài chính, còn bộ máy kế toán quản trị chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Nhân viên kế toán chủ yếu chỉ có kinh nghiệm về kế toán tài chính, còn kiến thức về kế toán quản trị chưa được đào tạo bài bản nên khó thực hiện các công việc của kế toán quản trị.

- Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới phân loại chi phí chủ yếu theo nội dung kinh tế hay theo mục đích của chi phí phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính, chứ không phân loại chi phí phục vụ cho kế toán quản trị. Từ đó, việc ra quyết định gặp nhiều khó khăn.

- Việc lập báo cáo kế toán quản trị tuy đã được các doanh nghiệp quan tâm nhưng khá sơ sài. Các doanh nghiệp lập báo cáo hầu hết là các báo cáo phục vụ cho kế toán tài chính cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài, chưa chú trọng đến việc lập báo cáo kế toán quản trị phục vụ cho nhà quản trị doanh nghiệp. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp chỉ mới sử dụng các chứng từ mang tính bắt buộc, chưa thiết kế hay xây dựng các biểu mẫu chứng từ, tài khoản theo dõi chi tiết chưa phù hợp với việc phân tích và phục vụ cho việc phân tích chênh lệch chi phí định mức và thực tế.

- Việc phân tích chi phí, khối lượng và lợi nhuận trong doanh nghiệp chủ yếu phục vụ cho quản lý chi phí, lợi nhuận theo cơ chế tài chính chứ không đánh giá mối quan hệ giữa các nhân tố giá bán, khối lượng (mức độ hoạt động), chi phí (biến phí, định phí) và lợi nhuận thông qua các chỉ tiêu như: số dư đảm phí, tỷ lệ số dư đảm phí, tỷ lệ biến phí, đòn bẩy kinh doanh, điểm hòa vốn nhằm phục vụ cho việc đưa ra các quyết định về sản xuất kinh doanh, lựa chọn các phương án kinh doanh tối ưu, định giá bán trong trường hợp đặc biệt, xây dựng định mức chi phí...

- Công tác lập dự toán tại các doanh nghiệp đều do bộ phận kế toán tài chính lập và chỉ lập một số dự toán cơ bản phục vụ cho việc lập dự toán tài chính, còn các dự toán tác nghiệp và dự toán báo cáo tài chính... chưa được đề cập đến. Bên cạnh đó, việc phân loại chi phí theo yếu tố chi phí, theo khoản mục chi phí không phân loại chi phí theo cách ứng xử, dẫn đến việc lập dự toán sản xuất kinh doanh không khả thi…

- Nhân viên kế toán làm việc theo thói quen tự phát, phát sinh đến đâu xử lý đến đó và đôi khi hệ lụy đã xảy ra rồi mà không kịp để trở tay gây thất thoát lớn cho doanh nghiệp. Trách nhiệm nhân viên không rõ ràng dẫn đến các sai sót trong theo dõi và quản lý kế toán gây nhiều thất thoát tiềm ẩn. Không có quy trình chuẩn để theo dõi nên mỗi kế toán theo dõi một kiểu và cần cái gì mới theo dõi, vì vậy có thể hoạt động vài năm nhưng chưa chắc đã có số liệu để phân tích hiệu quả và so sánh tình hình phát triển trong từng năm để có chiến lược lâu dài…

Giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam

Để kế toán quản trị được vận dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Ở cấp quản lý vĩ mô, đòi hỏi phải có sự can thiệp vĩ mô của Nhà nước và các cơ quan quản lý tào tạo chuyên ngành, nhằm quy định và hướng dẫn mô hình vận dụng kế toán quản trị, để doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng và hiệu quả mang lại khi vận dụng kế toán quản trị.

Đối với các doanh nghiệp, các nhà quản lý, cần phải nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng các thông tin của kế toán, xây dựng được hế thống thông tin thông suốt trong nội bộ doanh nghiệp. Đồng thời, phải đẩy mạnh cải tiến, sắp xếp lại bộ máy kế toán cho phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường; tuân thủ và đảm bảo chế độ kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế; lưu giữ tất cả các số liệu, sổ sách chứng từ cần thiết nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra; tăng cường học tập kinh nghiệm áp dụng kế toán quản trị của những tập đoàn kinh tế trên thế giới về mô hình báo cáo, hệ thống chỉ tiêu, từ đó áp dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Hệ thống kế toán quản trị không có một quy chuẩn pháp lý chung nào về hình thức lẫn nội dung báo cáo, do đó, doanh nghiệp phải tự xây dựng một hệ thống chỉ tiêu kế toán quản trị cụ thể theo mục tiêu quản trị đặt ra. Các chỉ tiêu này phải đảm bảo so sánh được giữa các thời kỳ để đưa ra được các đánh giá chính xác về thực tế tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình sản xuất thống nhất, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Điều này không những giúp doanh nghiệp chuẩn hoá hoạt động mà còn là cơ sở để cung cấp nguồn số liệu chính xác cho kế toán quản trị trong quá trình lập báo cáo. Chính sự thống nhất về bản chất số liệu sẽ giúp việc so sánh các chỉ tiêu hiệu quả hơn.    

Tài liệu tham khảo:

1. Đoàn Xuân Tiên (2009), Giáo trình Kế toán quản trị doanh nghiệp, NXB Tài chính;

2. Ngô Thế Chi, Trương Thị Thủy (2013), Giáo trình Kế toán tài chính, NXB Tài chính;

3. Nguyễn Ngọc Quang (2010), Giáo trình Kế toán quản trị doanh nghiệp,
NXB Đại học Kinh tế quốc dân;

4. Ngụy Thu Huyền (2013), Xây dựng mô hình kế toán quản trị trong các công ty cổ phần chuyển phát nhanh thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam,
Luận án Tiến sĩ khoa học, Học viện Tài chính, Hà Nội;

5. Phạm Văn Dược - Huỳnh Lợi (2009), Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị, NXB Tài chính.