Sẽ giám sát chặt chẽ quyền truy cập dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước

Theo Hạnh Nguyễn/TTXVN

Việc bổ sung quyền truy cập cho Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin song sẽ được quy định chặt chẽ trong Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước.

Sẽ giám sát chặt chẽ quyền truy cập dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước.
Sẽ giám sát chặt chẽ quyền truy cập dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Kiểm toán Nhà nước (Dự án Luật) đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tới đây.
 
Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số nội dung thiết thực, liên quan trực tiếp đến cộng đồng đã được bổ sung làm rõ.
 
Quyền truy cập dữ liệu điện tử
 
Dự án Luật lần này, một trong những điểm mới được cộng đồng quan tâm đó là việc bổ sung cho KTNN quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia.
 
Về điều này, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ việc bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
Mặt khác, việc cho phép truy cập dữ liệu điện tử cũng nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu thời gian làm việc tại đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao chất liệu, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và các đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau; trong đó có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật hoặc bí mật riêng tư, bí mật Nhà nước..., do đó cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.
 
Vì vậy, Dự thảo luật mới nhất sau khi tiếp thu đã quy định rõ chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán. Mặt khác, chỉ trưởng đoàn kiểm toán mới được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán.
 
Ngoài ra, tại một số phiên làm việc của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, một số đại biểu cho rằng để tạo thuận lợi cho KTNN thực hiện nội dung này, Dự thảo xem xét việc quy định các đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công có trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin có thể trích xuất để phục vụ cho hoạt động của các cơ quan kiểm toán, thanh tra. Vì điều này không chỉ phục vụ tốt cho hoạt động kiểm toán, mà việc thu thập được dữ liệu phân tích, đánh giá ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm toán cũng sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.
 
Xác định đối tượng cụ thể
 
Bên cạnh đó, Cơ quan soạn thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước là Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng nhìn nhận việc làm rõ khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” sẽ tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của KTNN. Tuy nhiên, cũng cần quy định chặt chẽ nhằm tránh cách hiểu và vận dụng khác nhau, qua đó tránh được việc mở rộng đối tượng kiểm toán, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
Vì vậy, Dự thảo Luật bổ sung phần giải thích thuật ngữ làm rõ khái niệm để thấy đối tượng xác định trong quá trình kiểm toán có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
 
Ngoài ra, Báo cáo nhấn mạnh Dự thảo cần bổ sung quy định KTNN chỉ được kiểm tra, đối chiếu để làm rõ các vấn đề liên quan trực tiếp đến nội dung đang được kiểm toán. Mặt khác, để đảm bảo khách quan, công bằng và quyền lợi cho các đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất bổ sung quyền được nhận thông báo, kết luận, kiến nghị của KTNN và quyền được khiếu nại kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
 
Trao đổi sâu hơn về nội dung dự kiến quy định việc xác định đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán cần “được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán của cấp có thẩm quyền” như đề xuất của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, đại diện KTNN cho rằng điều này có thể gây ách tắc trong hoạt động kiểm toán vì trên thực tế thời gian kiểm toán rất ngắn.
 
“Nếu quy định cần phải bổ sung vào kế hoạch kiểm toán nghĩa là phải thực hiện theo quy trình lập kế hoạch kiểm toán và sẽ kéo dài thời gian,” vị đại diện này cho hay.
 
Đồng tình với quan điểm của KTNN, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải cân nhắc, giải trình rõ tại sao cần bổ sung quy định “bổ sung vào kế hoạch kiểm toán của cấp có thẩm quyền,” vì việc bổ sung vào kế hoạch kiểm toán phải có quy trình và mất nhiều thời gian. Một số ý kiến khác cũng chỉ ra nếu chỉ kiểm tra, đối chiếu một đơn vị liên quan đến đơn vị được kiểm toán mà phải bổ sung kế hoạch như một cuộc kiểm toán sẽ khiến các thủ tục hành chính càng thêm rườm rà.
 
Tuy nhiên, giải thích vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh việc xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán “được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán của cấp có thẩm quyền” là nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, vận dụng khác nhau. Đây là việc cần thiết song các bên có liên quan cần thảo luận để chỉnh lý đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện của KTNN.

Quyền khiếu nại và khởi kiện trong hoạt động kiểm toán
 
Tại Báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình việc Luật Kiểm toán Nhà nước đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị KTNN.
 
Vì vậy, Báo cáo đề xuất Dự thảo Luật quy định rõ đơn vị được kiểm toán, tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán.
 
Cụ thể, để thực hiện được việc khởi kiện, Báo cáo đề xuất được sửa đổi 2 điều khoản và một số nội dung mang tính kỹ thuật của Luật Tố tụng hành chính.
 
Báo cáo nêu rõ các sửa đổi này chỉ là bổ sung thêm tố tụng trong hoạt động kiểm toán và không ảnh hưởng hay thay đổi hoạt động tố tụng hành chính hiện hành đang triển khai thực hiện.