Khai thác tiềm năng để phát triển nông sản cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Hương Mai/laodong.vn

Tại buổi làm việc với phái đoàn Hà Lan về Trung tâm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dựa trên thông tin từ quy hoạch, đầu tư vào ĐBSCL, các chuyên gia Hà Lan, Việt Nam đã đánh giá những vị trí tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông sản cho vùng ĐBSCL.

ĐBSCL là một trong những vùng xuất khẩu lúa gạo hàng đầu trên toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
ĐBSCL là một trong những vùng xuất khẩu lúa gạo hàng đầu trên toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều tiềm năng thuận lợi

Theo ông Trần Phú Lộc Thành - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, TP. Cần Thơ là trung tâm ĐBSCL, là đô thị loại 1 thuộc Trung ương cùng 4 đô thị thuộc Trung ương khác. Đây là địa phương có chức năng quan trọng về kinh tế, văn hoá và xã hội.

Về vị trí, TP. Cần Thơ là cửa ngõ của cả vùng, kết nối với các tiểu vùng sông Mekong, nằm trên trục 2 hành lang kinh tế chính của vùng ĐBSCL, là đầu mối giao thông quan trọng đường bộ, đường thuỷ, hàng không. Sắp tới, Chính phủ chuẩn bị đầu tư đường sắt cao tốc từ TP.Hồ Chí Minh về Cần Thơ. Có thể thấy, TP.Cần Thơ là địa phương nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kết nối giao thương quốc tế.

Ông Trần Phú Lộc Thành cho biết thêm, vùng ĐBSCL được Thủ tướng thành lập 8 trung tâm đầu mối về nông sản. Trong đó Cần Thơ là trung tâm đầu mối tổng hợp về thương mại, logistic, nghiên cứu phát triển đào tạo, chuyển giao công nghệ công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra còn 7 trung tâm đặt ở các vùng có lợi thế về sản phẩm nông nghiệp như An Giang, Đồng Tháp có lợi thế về thuỷ sản, trái cây, lúa gạo. Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng có lợi thế về hải sản. Tiền Giang, Bến Tre lợi thế về trái cây, hoa màu.

Trên tinh thần đó, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL được thành lập tại Cần Thơ để khai thác, phát huy các tiềm năng lợi thế, kinh tế tăng trưởng, tăng chất lượng, khẳng định vai trò trung tâm của TP.Cần Thơ ở ĐBSCL. Mục đích của trung tâm hướng đến nền kinh tế nông nghiệp phát triển hiện đại, nhằm nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp cả vùng. 

Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL, thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò dẫn dắt, kết nối các trung tâm đầu mối khác của vùng. Tầm nhìn đến năm 2050, Trung tâm trở thành hạt nhân của đô thị sân bay với công nghệ thông minh...

Phát triển ĐBSCL một cách an toàn

Đại diện phái đoàn Hà Lan bày tỏ quan điểm, ĐBSCL luôn có ý nghĩa quan trọng trong chương trình hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam. Một số chuyến thăm cấp cao đã được thực hiện để thảo luận với các cơ quan đổi mới của Hà Lan về nội dung và cách thức Hà Lan có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL để thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu lương thực đang thay đổi.

Theo phía Hà Lan, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo và thủy sản hàng đầu trên toàn cầu và do đó cũng cung cấp lương thực cho thế giới. Ở Việt Nam, ĐBSCL là vùng sản xuất chính.

Đất đai và tài nguyên nước ngày càng chịu sức ép lớn do một số nguyên nhân: Do vị trí địa lý, ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động xấu của biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Những thay đổi trong quản lý nước ở thượng nguồn sông Mekong dẫn đến lũ lụt ít hơn và vì thế ít phù sa hơn. Cùng với sự gia tăng dân số kết hợp với đô thị hóa, những thay đổi này đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến điều kiện sản xuất nông sản thực phẩm.

Dựa trên kinh nghiệm của Hà Lan, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch cho ĐBSCL (Việt Nam, tháng 2 năm 2022) để phát triển ĐBSCL một cách an toàn, thịnh vượng, bền vững cả về kinh tế và môi trường và thích ứng với khí hậu.