Kho bạc Nhà nước phát triển hạ tầng thanh toán, giảm thu, chi tiền mặt

Hà Thị Hương Lan

Nhằm hiện thực hoá các mục tiêu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch thu, chi bằng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), KBNN đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khi giao dịch với KBNN.

Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực tế cho thấy, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống KBNN, công tác phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Số thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua KBNN luôn chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng thu, chi NSNN qua KBNN và có xu hướng giảm dần qua các năm. Đến hết năm 2021, tỷ lệ thu, chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu, chi NSNN qua KBNN lần lượt là 0,33% và 0,57%. Đồng nghĩa với đó là việc tăng dần tỷ trọng thu, chi NSNN qua KBNN bằng các hình thức TTKDTM.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN vẫn còn một số hạn chế như: Các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt tại KBNN vẫn chưa giảm được triệt để. Trong nhiều trường hợp, mặc dù có thể thực hiện nộp ngân sách bằng các hình thức TTKDTM hoặc nộp tiền mặt tại NHTM nhưng người nộp ngân sách vẫn lựa chọn đến KBNN để nộp tiền mặt.

Về chi NSNN, một số quy định về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chưa được tuân thủ triệt để, vẫn còn trường hợp chi bằng tiền mặt tại KBNN với các khoản chi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; Việc chi thanh toán cho cá nhân qua tài khoản, cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN chưa được thực hiện rộng khắp tại tất cả các địa bàn trên toàn quốc; Hiệu quả một số dịch vụ TTKDTM qua hệ thống KBNN chưa cao như thu NSNN qua POS và chi NSNN bằng thẻ tín dụng.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế trên, ngày 29/4/2022, Tổng Giám đốc KBNN đã ký ban hành Quyết định số 1953/QĐ-KBNN phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN đến năm 2025 với những giải pháp thiết thực nhằm hướng tới mục tiêu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và tiếp tục giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, việc nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán của KBNN theo hướng hiện đại, an toàn, hoạt động hiệu quả và có khả năng liên thông giữa các chương trình, ứng dụng là một giải pháp cũng được KBNN quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới, cụ thể là: Nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể truy cập vào cổng trao đổi dữ liệu của KBNN lấy thông tin bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng của các đơn vị sử dụng NSNN; Tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng của KBNN với các cơ quan thuế, hải quan, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia và hệ thống thanh toán của các NHTM; Hoàn thiện cơ sở pháp lý và kết nối giữa hạ tầng của KBNN với hạ tầng thanh toán điện tử của các các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử để phục vụ yêu cầu phối hợp thu NSNN; Tăng cường triển khai chi NSNN bằng phương thức TTKDTM.

Ngoài ra, KBNN triển khai mở rộng phạm vi kết nối liên thông giữa các hệ thống dịch vụ công  trực tuyến, Hệ thống kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN, Hệ thống quản lý thông tin ngân sách và Kho bạc, Hệ thống thanh toán của KBNN với hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng, đảm bảo các hệ thống vận hành thông suốt, tiến đến thanh toán online theo lộ trình thanh toán online của hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với thành tựu, kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới thì việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN sẽ trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu cần đạt được để KBNN trở thành Kho bạc 3 không “Không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp và không chứng từ giấy.

Đồng thời, KBNN hoàn thiện các hệ thống thanh toán phù hợp với lộ trình xây dựng mô hình thanh toán tập trung của KBNN theo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, nâng cấp chương trình thanh toán song phương điện tử bổ sung nghiệp vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng theo mô hình tập trung. Tiếp tục vận hành có hiệu quả hệ thống an toàn công nghệ thông tin KBNN theo chuẩn thông lệ quốc tế và chính sách an toàn bảo mật thông tin; hoàn thiện các hệ thống và giải pháp an toàn bảo mật, dự phòng rủi ro; hệ thống giám sát vận hành và giám sát an toàn bảo mật thông tin; từ đó, hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn thông tin, giúp cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin ngành tài chính nói chung và KBNN nói riêng hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả, thông suốt trong mọi tình huống.

Đặc biệt, KBNN thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng các hình thức TTKDTM khi giao dịch với KBNN; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng các hình thức TTKDTM khi thực hiện thu, chi NSNN qua hệ thống KBNN. Các hình thức tuyên truyền, vận động cần được đa dạng hóa để dễ dàng tiếp cận tới mọi đối tượng khách hàng có giao dịch thanh toán với KBNN như thông qua việc công khai, hướng dẫn các quy định, quy trình, thủ tục thanh toán tại trụ sở làm việc, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức Hội nghị khách hàng; mở Website giới thiệu các thông tin hoạt động và hướng dẫn về các hình thức TTKDTM, thiết lập địa chỉ Email, phòng tiếp dân, “đường dây nóng” để khách hàng phản ánh những băn khoăn, vướng mắc, đóng góp ý kiến...