Ngân hàng chính sách xã hội Quảng Nam 20 năm vì công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững

Khởi sắc toàn diện

Theo Thái Bình/daibieunhandan.vn

Từ một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, Quảng Nam đã nhanh chóng vươn lên, giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo và xác lập vị thế mới trong hành trình 25 năm xây dựng và phát triển. Năm 2021, tổng thu ngân sách tăng gấp 49 lần so với năm 1997; bình quân tăng trưởng nguồn thu giai đoạn 1997 - 2021 là 21,5%/năm. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, Quảng Nam đã có sự điều tiết một phần nguồn thu về ngân sách Trung ương… Những kết quả này - theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, có phần đóng góp lớn của các chương trình tín dụng chính sách.

Trên dưới đồng lòng

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  Lê Văn Thanh - người từng có thời gian công tác tại Quảng Nam nhận định, cái được lớn nhất sau gần 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ là đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đối tượng thụ hưởng. Người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, từ mặc cảm tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn, tính toán làm ăn đạt hiệu quả. Quan trọng hơn, NHCSXH tỉnh thông qua các hoạt động của mình đã trở thành cầu nối giữa Dân - Chính - Đảng và ngược lại.

Với mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp sáng tạo, NHCSXH Quảng Nam đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn tỉnh tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Chi nhánh đã xây dựng được mạng lưới rộng khắp và hệ thống Điểm giao dịch đã xuống tận xã, thị trấn; mạng lưới Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thành lập tại các thôn, tổ dân phố. Với phương châm phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã - một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, một đặc thù riêng có của NHCSXH nhằm hỗ trợ, phục vụ tốt nhất cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Từ đó, đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận tiện, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả xã hội trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, qua đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chủ động quan tâm ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH trên địa bàn và xem đây là công cụ quan trọng, hữu hiệu để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Vốn tín dụng, công cụ giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền và các đối tượng yếu thế. Ảnh: Đức Kiên
Vốn tín dụng, công cụ giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền và các đối tượng yếu thế. Ảnh: Đức Kiên

Góp sức nâng vị thế quê hương

Sự chung sức đồng lòng của người dân, cấp ủy chính quyền và NHCSXH Quảng Nam đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực; có quy mô kinh tế đạt gần 103.000 tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 68,9% vào năm 2005 lên gần 86%, năm 2021. Đời sống người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện.

Chưa nói đến các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo…, nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên đã mang đến tương lai rộng mở cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ đây đã có hàng nghìn công dân trưởng thành từ nguồn vốn nhân văn quay về phụng sự quê hương. Chính họ là một phần không thể thiếu trong công cuộc đưa quê nhà thoát khỏi đói nghèo, từng bước tô đậm tên tuổi Quảng Nam trên bản đồ vùng và quốc gia.

Hộ vay Dương Thị Phượng ở thôn Xuân Điền, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh là một ví dụ. Ngoài việc được NHCSXH huyện Phú Ninh tạo điều kiện cho vay thoát nghèo, 5 người con của bà Phượng còn được tiếp cận chương trình vay học sinh, sinh viên. Đến nay, sau gần 12 năm gắn bó với NHCSXH huyện, cuộc sống gia đình bà Phượng đã sang trang mới, 5 người con đều đã tốt nghiệp các trường đại học, trở thành giáo viên, chuyên viên kinh tế trong các công ty lớn tại Quảng Nam. 

“Từ trong sâu thẳm đáy lòng mình, cả gia đình tôi luôn biết ơn sâu sắc về sự hỗ trợ này. Các chương trình tín dụng chính sách là một điểm tựa vững chắc về tài chính đối với những hộ gia đình khó khăn như chúng tôi” - bà Phượng xúc động nói.

Nguồn vốn tín dụng chính sách còn mang đến cho các em học sinh nghèo những “máy tính bảo bối” trong mùa dịch. Nhờ đó, giúp các bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn nói chung và bà mẹ nghèo đơn thân Nguyễn Thị Ngọc Châu ở thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh có thể yên tâm lao động, sản xuất mà không phải lo các con “ngừng đến trường và ngừng học” trong bối cảnh COVID-19.

Không chỉ hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua đói nghèo; tích lũy tri thức, hướng đến tương lai rộng mở, nguồn vốn tín dụng chính sách Quảng Nam còn tạo điều kiện cho các viên chức, công chức khó khăn có điều kiện để “an cư lập nghiệp”. Bằng chương trình cho vay nhà ở xã hội, NHCSXH Quảng Nam đã giúp 1,2 nghìn lượt khách hàng vay vốn với số tiền 449 tỷ đồng có nơi ở ổn định. Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cũng đã giúp hơn 19.000 lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay 192 tỷ đồng.

“Các chương trình tín dụng chính sách về nhà ở, nước sạch, học sinh - sinh viên, việc làm… thực sự là điều kiện, nền tảng quan trọng giúp chúng tôi thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khẳng định.