Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, giám sát tối cao


“Phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”; “Không ngừng nâng cao chất lượng và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…” - là chỉ đạo và quyết tâm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021  với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" diễn ra tại Hà Nội, ngày 5/12/2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" diễn ra tại Hà Nội, ngày 5/12/2021.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, với tư cách là 1 trong số 499 đại biểu đã được cử tri tin tưởng bầu vào Quốc hội khóa XV, đại diện cho gần 70 triệu cử tri và gần 100 triệu đồng bào cả nước là niềm tự hào và vinh dự, nhưng cũng là trọng trách nặng nề. Bởi làm gì để xứng đáng với sự tin tưởng lựa chọn của cử tri, nhất là trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) quan trọng của đất nước, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đến 2025 và đến 2030 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng) và tầm nhìn đến 2045 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước) với mục tiêu phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của Nhân dân; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, hiến kế giúp Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động…

“Đổi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là yêu cầu tiên quyết, việc đổi mới này cần được triển khai đồng bộ trên nhiều mặt”, nhấn mạnh điều này Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới, phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Bản thân Quốc hội phải luôn tự đổi mới và tự hoàn thiện. Lịch sử 75 năm qua Quốc hội luôn đồng hành cùng dân tộc trong bất cứ hoàn cảnh nào, hoàn thành những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao. Trong những nhiệm kỳ gần đây Quốc hội đã đạt được những kết quả toàn diện, to lớn trên lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Những thành tựu, nền móng mà Quốc hội khóa XV được tiếp thu là quá lớn. Đây là yếu tố thuận lợi nhưng cũng tạo ra áp lực để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phấn đấu duy trì các thành quả đạt được là rất khó và tiến thêm được bước phát triển mới là thách thức, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa.

Theo đó, Quốc hội khóa XV tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; rà soát lại hệ thống pháp luật, ban hành luật… Chủ động nắm bắt được tình hình kinh tế, xã hội từ sớm, từ xa, sát thực tiễn; Đồng thời, Chủ tich Quốc hội cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các Tổ trưởng đảng, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phải nâng cao chất lượng công tác lập pháp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu đơn vị. Mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, đáp ứng yêu cầu kiến tạo đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Do vậy, cần khắc phục tình trạng luật khung, luật ống; Khắc phục xu hướng quy định cứng trong luật những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống chưa đủ rõ. Tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013, thể chế hóa kịp thời các chủ trương trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Tiếp tục rà soát phát hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm vụ lập pháp bao quát toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, ưu tiên cho lĩnh vực trọng điểm, then chốt, tạo sự bứt phá phát triển. Thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, vai trò của thể chế lại phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật.

Vì vậy, cùng với yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đại hội XIII của Đảng xác định: Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.

Nhấn mạnh tính chủ động trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: “Ưu tiên xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển trong các lĩnh vực, kịp thời ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 như: Pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, tài chính ngân sách, thuế; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với đẩy mạnh phân quyền, phân cấp hợp lý, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không còn quy định về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ 5 năm mà chỉ có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, song để tăng tính chủ động, dẫn dắt tổng thể trong hoạt động lập pháp, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Đề án định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trên cơ sở đó sẽ xem xét kế hoạch hàng năm, cùng với đó là các sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Đối với công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Cần đổi mới giám sát tối cao của Quốc hội như một khâu then chốt, trọng tâm, chọn được những vấn đề đúng và trúng, những vấn đề quan trọng của đất nước, gắn liền với quốc kế dân sinh, giám sát có trọng tâm trọng điểm, truy đến cùng sự việc, xác định trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, nêu được kiến nghị xác đáng. Đồng thời phải coi trọng giám sát việc thực hiện các kiến nghị của giám sát (hậu giám sát).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý các cơ quan của Quốc hội cần chú ý giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực thi pháp luật vì tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn, tăng cường chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng cường các hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Có cơ chế để đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia các hoạt động giám sát này.

Cùng với đó, Quốc hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự cấp cao của Nhà nước, các chính sách lớn về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, đối ngoại…

(*) Lược ghi Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Lễ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội và Bài phát biểu tại Phiên họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV - Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2 Tháng 1/2022.