Không thể thiếu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Trần Huyền

Trong xu hướng tiếp tục cơ giới hóa, số lượng xe máy chiếm tỷ lệ rất lớn như và tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông còn cao như Việt Nam hiện nay, việc trang bị bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện là điều không thể thiếu.

Việc trang bị bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện là điều không thể thiếu. Ảnh: internet
Việc trang bị bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện là điều không thể thiếu. Ảnh: internet

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nói chung và bảo hiểm xe mô tô, xe máy nói riêng là loại hình bảo hiểm phổ biến và tồn tại lâu đời tại hầu hết các nước trên thế giới. Đây là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đã được triển khai hầu hết tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Có thể kể đến như ở Nhật Bản, người dân tham gia giao thông không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (CALI) thì sẽ bị phạt. Tại Thái Lan, người dân phải mua bảo hiểm ở mức tối thiểu nếu muốn lái xe ô tô hoặc xe máy một cách hợp pháp, bảo hiểm này được gọi chung Trách nhiệm pháp lý bắt buộc của bên thứ ba (CTPL).

Hay tại Australia, bảo hiểm phổ biến nhất gọi là CTP (bảo hiểm bên thứ ba bắt buộc). Quyền lợi của CTP là đưa ra sự bảo vệ nếu chủ xe, hoặc bất kỳ người nào lái xe mô tô của họ có lỗi trong một vụ tai nạn hoặc đại diện cho họ khi có các yêu cầu bồi thường của những người bị thương trong một vụ tai nạn...

Tại Việt Nam, ngày 16/9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Ngày 20/12/2013, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 214/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Sau hơn 10 năm thực hiện, ngày 15/01/2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đồng thời ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.

Sau gần 15 năm thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, các văn bản nêu trên đã tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, thống nhất về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, tạo điều kiện cho các chủ xe tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam; các doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ để triển khai thực hiện. Hệ thống cơ chế chính sách này cũng giúp các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương có căn cứ trong tổ chức, chỉ đạo, giám sát thực hiện loại hình bảo hiểm này.

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, trong đó có xe máy là loại bảo hiểm được Nhà nước quy định phải có khi tham gia giao thông. Căn cứ vào Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, bao gồm: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Khi có tai nạn xảy ra, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự sẽ bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới. Người bị tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả quyền lợi bồi thường cho những thiệt hại về người và tài sản do lỗi của chủ phương tiện gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm sẽ không phải tự mình đền bù thiệt hại.

Do đó, loại hình bảo hiểm này đã góp phần động viên, hỗ trợ kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn giao thông, khắc phục hậu quả nhanh chóng, giúp cho chủ xe, người điều khiển xe và nạn nhân ổn định cuộc sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội.

Như vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nói chung và chủ xe mô tô, xe máy nói riêng là chính sách nhân đạo, góp phần ổn định an sinh xã hội. Đây là thực tế đã được nhiều nước trên thế giới chứng minh, đồng thời thể hiện được tầm quan trọng, cần thiết với bối cảnh Việt Nam trong nhiều năm qua.

Hiện nay, vẫn còn một số ý kiến trái chiều về việc nên hay không có nên bắt buộc với loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên, các chuyên gia và đa số nhận định đều cho rằng, trong xu hướng tiếp tục cơ giới hóa của thế giới và trong bối cảnh đất nước với số lượng xe máy chiếm tỷ lệ rất lớn, tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông còn cao như Việt Nam, thì việc cần trang bị bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện là điều không thể thiếu.