Khu vực hợp tác xã phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh

Theo Hân Nguyễn/dangcongsan.vn

Những tháng đầu 2022, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

 Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần vào sự phục hồi và tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.
 Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần vào sự phục hồi và tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.

Theo khảo sát của các Liên minh HTX cấp tỉnh, 81% tổng số HTX nông nghiệp, thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước; hơn 100.000 lao động trong khu vực HTX được hỗ trợ 72 tỷ đồng tiền thuê nhà; 78,2% tổng số HTX và người lao động trong HTX được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; 11,4% tổng số HTX được giảm thuế giá trị gia tăng; 71,6% tổng số HTX, trong đó 100% HTX vận tải được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Các HTX vay vốn tại ngân hàng thương mại được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; một số HTX nông nghiệp, vận tải, du lịch vay vốn tại ngân hàng thương mại được giảm lãi suất 2%; 220 HTX, liên hiệp HTX (LHHTX) vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, thành phố để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong khó khăn, 400.000 lao động trong các HTX, LHHTX (có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm) bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng trị giá 204 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khu vực KTTT, HTX phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Minh chứng là số lượng HTX, LHHTX, THT thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn.

Các HTX nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất, liên kết chuỗi giá trị để tăng sản lượng, năng suất, giảm chi phí đầu vào, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm OCOP, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; HTX vận tải và cung ứng dịch vụ phục hồi khá nhanh do nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng; Quỹ tín dụng nhân dân phát triển thành viên mới, tăng dư nợ và hiệu quả cho vay; HTX và LHHTX thương mại tăng doanh thu hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021; HTX, LHHTX, tổ hợp tác (THT) tăng số lượng và giá trị các dịch vụ cung ứng cho thành viên, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; doanh thu của HTX tăng bình quân 5,6% so với cùng kỳ năm 2021; phần lớn HTX, LHHTX có lãi tuy không cao do chi phí đầu vào tăng; nhiều HTX nông nghiệp đạt doanh thu 350 - 400 triệu đồng/ha; thu nhập của HTX phi nông nghiệp tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, HTX, LHHTX, THT tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến, ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu (Facebook, Zalo, Fanpage, Group, Shopee, Sendo, Tiki, Ladaza, Voso, Postmart,...); liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa các HTX, THT, giữa doanh nghiệp với HTX, THT tiếp tục phát triển; xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như công nghệ sản xuất lúa gạo "không dấu chân", liên kết giữa Tập đoàn Lộc trời - An Giang với HTX, liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiệu thụ chanh leo giữa HTX, THT với Công ty Đồng Giao - Ninh Bình, HTX rau quả CocoFood - Hải Dương, HTX Quang Tiến - Bắc Ninh...

Mặc dầu vậy, kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, khu vực KTTT, HTX vẫn còn tồn tại, khó khăn do chi phí sản xuất tăng, giá nông sản trong nước và xuất khẩu tăng nhưng mức độ hưởng lợi còn thấp và chưa hợp lý so với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ trong chuỗi giá trị; một số HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thu hẹp sản xuất do nhu cầu của thị trường thay đổi sau dịch COVID-19 và thay đổi đơn hàng xuất khẩu; các HTX xây dựng gặp khó khăn về vốn, thiết bị lạc hậu; HTX du lịch cộng đồng phục hồi chậm do hạn chế về vốn, cơ sở vật chất xuống cấp, lượng khách nước ngoài hạn chế; HTX môi trường gặp khó khăn trong cạnh tranh đấu thầu các hợp đồng thu gom rác thải, cơ sở chôn lấp.

Tỷ lệ HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, do nhiều tỉnh bội chi ngân sách, không còn quỹ đất, hạn chế nguồn lực để hỗ trợ, điều kiện và thủ tục hành chính hỗ trợ khá chặt chẽ, chưa phổ biến rộng và thường xuyên đến HTX, THT; một số chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn và chưa quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, nhất là và HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thu gom rác thải môi trường, thương mại và tiêu dùng. Nguồn lực hỗ trợ cho HTX phân tán nhiều đầu mối, làm giảm hiệu quả, không công bằng trong hưởng thụ chính sách giữa các HTX, LHHTX, THT.