Kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp để phòng ngừa rủi ro vĩ mô

T. Phùng

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát lại vấn đề liên quan tới phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để phòng ngừa rủi ro vĩ mô, giúp thị trường vốn phát triển ổn định, bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, tính đến cuối tháng 11/2021, trên TPDN, các DN phát hành 495.029 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 467.583 tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỷ đồng, tăng 23,6% cùng kỳ năm 2020. Tính đến cuối tháng 11/2021, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ tương đương 20,4% GDP năm 2020, tăng 27,5% so với cuối năm 2020.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất, chiếm 34,5% tổng khối lượng phát hành, các DN bất động sản phát hành chiếm 27,8%. Nhà đầu tư chính mua TPDN phát hành trong 11 tháng đầu năm 2021 là các công ty chứng khoán (chiếm 37,4% tổng khối lượng phát hành), tỷ trọng mua TPDN của các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chiếm 5,5%, giảm mạnh so với năm 2020 (bình quân 12,7%).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, sức nóng của thị trường TPDN năm qua không chỉ nằm ở khối lượng phát hành, mà còn ở các động thái cảnh báo rủi ro, tăng chất lượng phát hành đến từ các cơ quan quản lý nhà nước. Có thể thấy, chưa năm nào như năm nay, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại liên tục phát đi các thông tin cảnh báo rủi ro tiềm ẩn của TPDN tới nhà đầu tư nhiều như thế.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng đã có nhiều động thái quyết liệt thông qua các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm giúp thị trường TPDN phát triển ổn định, bền vững. Trong đó, ngày 03/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có Văn bản số 13838/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam về việc đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho DN và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng đã có vừa ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành TPDN. Tại Công điện này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các DN bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN bất động sản, các DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm… Đồng thời, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường TPDN và phát hành TPDN để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường TPDN, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Trên thực tế, thời gian qua, các đoàn kiểm tra tại các tổ chức phát hành và công ty chứng khoán cũng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp các đơn vị chức năng ra quân. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 DN phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 DN phát hành là Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup và Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group cùng Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS).

Tình trạng phát hành TPDN thời gian qua có thể gây ra nhiều rủi ro cho thị trường tài chính và nhà đầu tư tiếp tục nhận được sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc phát hành TPDN thời gian qua chứa đựng nhiều rủi ro. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại vấn đề liên quan tới phát hành TPDN, thị trường bất động sản, chứng khoán... để khẩn trương điều chỉnh, phòng ngừa rủi ro vĩ mô. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm soát phát hành TPDN; uốn nắn ngay, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN. Bên cạnh đó, để thúc đẩy thị trường TPDN phát triển bền vững, ổn định và minh bạch, tới đây sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thị trường và tăng cường minh bạch, hiệu quả hoạt động thị trường, triển khai thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trường thứ cấp TPDN phát hành ra công chúng để thúc đẩy các DN phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán...

Về dài hạn, tiếp tục khuyến khích các DN đa dạng hóa các loại hình trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng; xây dựng quy chuẩn phát hành trái phiếu xanh để vừa tạo kênh huy động vốn cho các DN vừa thu hút thêm các nhà đầu tư; Phát triển các sản phẩm trái phiếu DN dự án PPP, trái phiếu dự án để thúc đẩy thị trường vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng...