Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện Dự án sân bay Long Thành đến hết 2024

Lê Anh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quang cảnh phiên họp sáng 9/11.
Quang cảnh phiên họp sáng 9/11.

Thu hồi đất đạt 97,6% và bàn giao 100% mặt bằng giai đoạn 1

Nêu ý kiến thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tiến độ Dự án sân bay Long Thành đang chậm và gặp nhiều khó khăn. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021 là nội dung được quy định trong Nghị quyết số 53/2017/QH14.

Tuy nhiên, theo đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp này là hết năm 2024, tức là dự kiến sẽ chậm tới 3 năm. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề việc điều chỉnh thời gian của dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự kiến là sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Giải trình về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đến nay dự án đã thu hồi đất đạt 97,6% và bàn giao 100% mặt bằng giai đoạn 1 cho các chủ đầu tư triển khai. Phần còn lại dự án thuộc giai đoạn 2 nên việc chậm thu hồi mặt bằng không ảnh hưởng đến việc thi công dự án.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn 1, gói thầu xây dựng nhà ga hành khách mới khởi công từ tháng 8/2023 và sẽ hoàn thành vào tháng 11/2026, chậm hơn so với yêu cầu của Quốc hội là hoàn thành vào năm 2025. Chủ đầu tư đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành sớm vào 2025.

Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, có 6 nguyên nhân khách quan. Theo Báo cáo của tỉnh Đồng Nai, trong 2 năm 2020-2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khu vực huyện Long Thành nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung nhiều giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội nên việc phối hợp với người dân trong công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, bị kéo dài.

Trong khi đó, dự án có quy mô, khối lượng công việc thực hiện rất lớn, có tính phức tạp cao do liên quan đến người dân, chế độ, chính sách xã hội… đòi hỏi phải cẩn trọng, tỷ mỷ và có thời gian; cần có sự phối hợp của nhiều ngành để xử lý.

Dự án có khối lượng công việc thu hồi đất trên địa bàn rất rộng, liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể 1 xã nhưng chỉ tập trung trên địa bàn của 1 huyện, trong khi bộ máy hành chính cấp huyện có số lượng cán bộ hạn chế. Nguồn gốc đất đai có nhiều phức tạp, nhiều hộ dân bị vướng mắc về giấy tờ đất cần phải kéo dài thời gian xác minh... 

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, về nguyên nhân dẫn đến điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, trong Tờ trình của Chính phủ có nêu khá nhiều nguyên nhân song hầu như đều là những nguyên nhân khách quan, không có nguyên nhân chủ quan.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như đã nêu, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…

Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024

Cơ bản đồng thuận về việc kéo dài thời gian thực hiện dự án cũng như gia hạn giải ngân nguồn vốn cho dự án, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị bổ sung số vốn còn thiếu của dự án vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Trường Giang, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đề nghị bổ sung bố trí vào dự toán ngân sách năm 2024 để đảm bảo đủ vốn cho dự án này đồng thời tăng bội chi tương ứng để đảm bảo giải quyết đúng quy định, tạo thuận lợi cho dự án hoàn thành.

Ngược lại, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn về tính pháp lý của đề nghị này. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Việc kéo dài ngân sách vốn đã giao từ năm 2021 sang năm 2024 có phù hợp với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước hay không, Chính phủ cần làm rõ trước Quốc hội?”

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến thảo luận tại Hội trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến thảo luận tại Hội trường.

Phía Ủy ban Kinh tế nhất trí với kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai giải ngân cho dự án.

Liên quan đến giải pháp triển khai, xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.