Kinh tế Nga chính thức rơi vào khủng hoảng?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hãng thông tấn Nga Interfax mới đây đã đăng nhận định trên của cựu Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó thủ tướng Nga Alexei Kudrin, người có công đưa nền kinh tế Nga tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau khi Nga rơi vào cảnh vỡ nợ và đồng ruble bị mất giá hồi năm 1998.

Giá dầu không phải là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Nga sa sút. Nguồn: internet
Giá dầu không phải là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Nga sa sút. Nguồn: internet

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở hãng Interfax, Chủ tịch Ủy ban Sáng kiến công dân Kudrin đã chỉ ra rằng, giá dầu không phải là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Nga sa sút và đồng ruble mất giá thảm hại hồi cuối năm qua. Ông khẳng định ngay cả khi giá dầu tăng thì nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục suy thoái và chỉ có thể ổn định trở lại khi quan hệ với phương Tây được khôi phục. Ông Kudrin khẳng định: “Nga chính thức rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm ngay cả khi giá dầu tăng lên 80USD/thùng”. Vị chuyên gia này dự báo “nếu giá dầu quay trở lại mức 80USD, GDP của Nga trong năm 2015 vẫn giảm 2% hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa. Tương tự nếu giá dầu tăng đến 60USD/thùng, GDP sẽ giảm tối thiểu 4%”.

Sản lượng khai thác và chiết suất dầu trong những năm tới chắc chắn sẽ giảm do thiếu công nghệ khai thác của phương Tây, nhất là tại những mỏ dầu khó khai thác và ở thềm lục địa Siberia, do thiếu vốn đầu tư cũng như công nghệ. Sản xuất năng lượng chiếm tới 30% tổng GDP và 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Nga. Nếu ngành năng lượng đem lại 93% tổng thu nhập ngân sách của Nga năm 2000 thì giờ đây con số này chỉ là 50%. Chỉ cần so sánh hai con số trên, có thể thấy rõ tác hại của các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.

Ông Kudrin cũng nhấn mạnh, năm 2014 vừa qua là lần đầu tiên kể từ năm 2000 đến nay, dưới thời của các Tổng thống Vladimir Putin và Dmitri Medvedev, thu nhập thực tế của người dân giảm 2,8% và có thể giảm tiếp từ 4-5% vào năm tiếp theo. Và cảnh báo lạm phát trong năm 2015 có thể tăng đến 2 con số, trong khoảng từ 12-15%. Ông nói: “Chúng ta đang tiến gần đến lạm phát hai con số. Sau đó, lạm phát có thể được kiềm chế và giá cả trên thị trường sẽ dần ổn định trở lại”.

Ông Kudrin cũng cho rằng tỷ giá đồng nội tệ Nga sẽ ổn định trong quý I.2015, trước hết nhờ nhu cầu nhập khẩu tạm giảm đi và do đó nhu cầu đối với đồng ngoại tệ không cao như những tháng cuối năm qua. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để đồng ruble ổn định là giá dầu phải ổn định. Kinh tế suy giảm có thể dẫn tới mất khả năng thanh toán hoặc không tuân thủ việc thanh toán, dẫn đến một loạt các vụ vỡ nợ mà chủ yếu của các doanh nghiệp vừa và lớn. Ông bày tỏ hy vọng sự vỡ nợ không xảy đến với các ngân hàng bởi nếu điều đó xảy ra thì tác hại và những hệ lụy của nó liên quan không chỉ tới hệ thống ngân hàng mà sẽ là toàn bộ nền kinh tế cũng như tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Thậm chí, khi kết thúc bài phát biểu của mình, ông Kudrin còn khẳng định: “Chúng ta hiện đã thấy rõ tất cả các dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế. Bởi vậy, tôi có thể tự tin nói rằng năm 2016, GDP của Nga cũng sẽ tiếp tục giảm. Nga sẽ phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng. Nga sẽ bị hạ bậc tín nhiệm trong các bảng xếp hạng quốc tế. Điều đó là khó tránh khỏi”.

Cuối cùng, cựu Bộ trưởng Kinh tế kết luận, các biện pháp chống khủng hoảng trong nền kinh tế sẽ không phát huy tác dụng nếu Nga không thực sự giảng hòa với phương Tây. Những mầm mống xung đột được tích lũy mỗi ngày và đến một lúc sẽ bùng lên dữ dội, làm tiêu tan mọi nỗ lực khôi phục nền kinh tế Nga. Thậm chí, các đồng minh của Nga, trước hết là các nước trong khối BRICS cũng phải tự bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, các lợi ích kinh tế của họ và họ sẽ hành xử theo quy luật thị trường.