Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 11-16/6/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Tăng trưởng:

- Toàn cầu: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 có thể giảm xuống còn 3,2% so với mức dự báo 3,3% hồi tháng 02/2018, do: (i) Rủi ro về chính sách thương mại; (ii) Triển vọng tăng trưởng tại các thị trường mới nổi giảm khi đồng USD tăng giá; (iii) Kinh tế Brazil, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn.

- Hoa Kỳ: Tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 3% trong năm 2018, tăng 2,4% so với năm 2017, nhờ chính sách giảm thuế và kích thích tiêu dùng.

- Khu vực đồng EUR: Tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, đạt khoảng 2% trong năm 2018, giảm so với mức 2,5% của năm 2017. Trong khi đó, kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm 2018, giảm so với mức 1,8% năm 2017.

- Ấn Độ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 6,3% của năm 2017 lên 6,8% trong năm 2018. Tuy nhiên, giá dầu tăng và đồng USD mạnh hơn sẽ gây áp lực đối với lạm phát của Ấn Độ và làm cho nước này phải tiếp tục chính sách thắt chặt tài chính.

(Theo tổ chức Conference Board ngày 11/6)

- Hàn Quốc: Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,8% và tạo ra khoảng 198 nghìn việc làm mới trong năm 2018, thấp hơn so với dự báo trước đó, do tình trạng đầu tư, số lượng việc làm mới giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Tuy nhiên, tình hình tích cực trên bán đảo Triều Tiên và những kỳ vọng vào sự hợp tác kinh tế liên Triều có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. (Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Hyundai - HRI ngày 10/6)

- Đức: Tăng trưởng kinh tế của Đức giảm xuống 1,9% trong năm 2018 và 1,7% trong năm 2019, do: (i) Tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt thấp, chỉ ở mức 0,3%; (ii) Bất ổn tại Italy đang làm dấy lên quan ngại về khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu; (iii) Căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ. (Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức - DIW ngày 13/6)

Lạm phát:

Venezuela: Lạm phát của Venezuela vẫn tiếp tục tăng phi mã, lên 24.571% trong 12 tháng (tháng 5/2017 - 5/2018). Tính riêng trong tháng 5/2018, chỉ số giá tiêu dùng đã chạm mức 110,1%, lần đầu tiên vượt ngưỡng 100% trong một tháng.

Nguyên nhân là do nguồn thu từ dầu đã sụt giảm nghiêm trọng kề từ năm 2014, trong khi sản xuất trong nước suy giảm mạnh, chi tiêu công tăng cao, ngoại tệ thiếu hụt. (Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ngày12/6)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần (11/6 - 15/6/2018), chỉ số Dow Jones giảm 0,89%; trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt là 0,02%; 1,32% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (08/6/2018). Trong ngày giao dịch 15/6/2018:

+ Dow Jones giảm 84,83 điểm (-0,34%), xuống 25.090,48 điểm.

+ S&P 500 giảm 2,83 điểm (-0,10%), xuống 2.779,66 điểm.

+ Nasdaq giảm 14,66 điểm (-0,19%), xuống 7.746,38 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,88 điểm (-0,95%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (15/06/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 19,44 điểm (-0,8%) xuống 2.404,04 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 130,68 điểm (-0,43%) xuống 30.309,49 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 113,14 điểm (0,5%) lên 22.851,75 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 3,33 điểm (-0,05%) xuống 6.090,7 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 22265 điểm (-0,73%) xuống 3.021,9 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ (11/6 - 15/6/2018), giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 1,03% và 3,95%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (15/06/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 8/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,83 USD (-2,81%) xuống 65,06 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 2,5 USD (-3,4%) xuống 73,44 USD/thùng.

Trong tuần từ ngày 04/6 - 08/6, tổng sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ đã tăng thêm 100 nghìn thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 10,9 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, kho dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ cùng thời gian này lại giảm 4,1 triệu thùng, nhiều hơn so với mức dự báo giảm 2,7 triệu thùng của giới phân tích. Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong một tuần kể từ cuối tháng 3/2018.

Đồng thời, lượng xăng dự trữ cũng giảm 2,3 triệu thùng, trong khi nhu cầu xăng của Hoa Kỳ đạt mức kỷ lục 9,9 triệu thùng/ngày. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 14/6)

Châu Á

Châu Á: Ngân hàng phát triển châu Á - ADB vừa quyết định bổ sung thêm 350 triệu USD nhằm mở rộng quy mô và mức độ ảnh hưởng của Chương trình tài trợ thương mại (TFP).

ADB sẽ tăng mức tài trợ của TFP lên 1,35 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu của thị trường về tài trợ thương mại vốn đã tăng hơn 50% trong năm 2017.

Từ năm 2009 đến nay, TFP đã hỗ trợ cho hơn 12 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước đang phát triển tại châu Á. (Theo Giám đốc Bộ phận Tài trợ Thương mại của ADB Steven Beck ngày 11/6)

Indonesia: Trong mấy năm gần đây, số lượng du khách giữa Indonesia và Ấn Độ liên tục tăng. Trong năm 2018, Indonesia đang đặt mục tiêu thu hút 700 nghìn lượt du khách đến từ Ấn Độ.

Số lượng du khách Ấn Độ tới Indonesia trong năm 2017 đạt 480 nghìn lượt, trong khi số du khách từ Indonesia tới thăm Ấn Độ khoảng 40 nghìn lượt.

Hai nước đã thảo luận về việc mở rộng đường hàng không để tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và các doanh nghiệp. (Theo Đại sứ Indonesia tại Ấn Độ Sidharto R. Suryodipuro ngày 08/6)

Hàn Quốc:

+ Số tài khoản tham gia mua bán chứng khoán tại Hàn Quốc đạt kỷ lục trong bối cảnh các nhà đầu tư lạc quan về quan hệ liên Triều và Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán thứ cấp.

Tính đến hết tháng 5/2018, số tài khoản mua bán chứng khoán đạt 26,11 triệu, tăng 5,4% từ 24,77 triệu tài khoản cuối năm 2017. (Theo Hiệp hội Đầu tư Tài chính Hàn Quốc - KOFIA ngày 11/6)

+ Nhiều ngân hàng Hàn Quốc đang chuẩn bị cho việc khôi phục lại các dự án hợp tác kinh tế liên Triều sau khi triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên ngày càng tốt lên.

Tập đoàn Tài chính Shinhan và KB đã thành lập các nhóm đặc biệt để tiến hành nghiên cứu các dự án kinh tế liên Triều. Nông - ngư nghiệp sẽ là lĩnh vực đầu tiên mà hai bên hợp tác, tiếp sau có thể là du lịch. (Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc ngày 14/6)

Châu Mỹ

- Argentina: Chính phủ Argentina đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận được gói tín dụng dự phòng trị giá 50 tỷ USD từ IMF nhằm “hạ nhiệt” những biến động của thị trường tài chính - tiền tệ.

Ngoài ra, nước này cũng nhận được một gói tài chính bổ sung trị giá 5,6 tỷ USD của Ngân hàng Phát triển liên Hoa Kỳ, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Mỹ La-tinh.Theo thỏa thuận, gói tín dụng của IMF có giá trị trong 3 năm và Argentina sẽ phải thanh toán 8 lần trong 3 năm sau khi sử dụng.

Để nhận được gói tín dụng từ IMF, Chính phủ Argentina phải đáp ứng các điều kiện: Giảm thâm hụt tài chính về mức 1,3% GDP trong năm 2019 so với dự báo trước đó là 2,2%; giảm giảm dần lạm phát xuống 17% trong năm 2019, 13% trong năm 2020 và 9% trong năm 2021.

(Theo Bộ trưởng Kinh tế Argentina Nicolas Dujovne ngày 07/6)

Hoa Kỳ

Trong tháng 5/2018, ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ thâm hụt 147 tỷ USD, cao hơn mức dự báo thâm hụt 144 tỷ USD do giới phân tích đưa ra trước đó và tăng 66% so với cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân là do nguồn thu ngân sách giảm (bởi mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh giảm) song trong khi chi tiêu công tăng. Tháng 5/2017, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ là 88 tỷ USD. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 12/6)

Trong tháng 5/2018, giá sản xuất Hoa Kỳ đã tăng mạnh hơn, đây là dấu hiệu cho thấy sức ép lạm phát Hoa Kỳ đang dần tăng.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) - phản ánh các chi phí bán buôn đối với hàng hóa, dịch vụ và xây dựng - trong tháng 5/2018 tăng 0,5% so với tháng 4/2018, mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng qua.

So với cùng kỳ năm 2017, PPI tăng 3,1%, do giá hàng hóa tăng (chỉ số năng lượng tăng 4,6%, cao nhất trong 3 năm; giá nhiên liệu tăng 9,8%, cao nhất trong hai năm).

(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 14/6)

Tổng thống Donald Trump đã quyết định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Các mặt hàng của Trung Quốc bị áp thuế có tổng trị giá 50 tỷ USD, chịu mức thuế suất 25%.

Danh sách các mặt hàng bị áp thuế bao gồm 800 danh mục sản phẩm, giảm so với 1.300 danh mục mà Tổng thống Trump đề xuất hồi tháng 4/2018. (Theo giới chức Hoa Kỳ ngày 14/6)

Các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump, cũng như việc cắt giảm thuế mạnh vào thời điểm nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, có nguy cơ tạo ra những tổn hại tới nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới.

Việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, song cũng làm tăng thêm các nguy cơ đối đầu giữa các quốc gia, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy lạm phát lên cao. (Theo IMF ngày 14/6)

Trung Quốc

Trong tháng 5/2018, tổng doanh số bán xe của Trung Quốc tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017 lên 2,29 triệu chiếc. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, doanh số bán xe tăng 5,7% lên 11,8 triệu chiếc.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc - CAAM dự báo, thị trường xe ô tô nội địa sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2018, gần với mức tăng trưởng của năm 2017, song thấp hơn so với mức tăng 13,7% của năm 2016. (Theo CAAM ngày 11/6)

 

Nhật Bản

Ngày 13/6, Nhật Bản đã ban hành luật phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm hoàn tất các thủ tục trong nước, giúp thúc đẩy thỏa thuận chính thức có hiệu lực.

Nhật Bản bảo đảm CPTPP sẽ có hiệu lực sớm nhất trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy thương mại tự do. (Theo Quốc hội Nhật Bản ngày 12/6)

Chính sách

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, ngày 13/6 đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản từ 1,75%/năm lên 2%/năm do khả năng phục hồi của nền kinh tế, các chỉ số trên thị trường việc làm và lạm phát gần tăng lên mức mục tiêu của Fed.

Ngoài ra, Fed sẽ từ bỏ cam kết giữ lãi suất thấp đủ để kích thích kinh tế “trong một thời gian” và cho biết sẽ tăng thêm lãi suất 2 lần nữa trong năm 2018 và 3 lần trong năm 2019. (Theo Fed ngày 13/6)

Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) thông báo tiếp tục nâng lãi suất lên 2,25%. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những người sở hữu bất động sản tại Hong Kong sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ quyết định trên.

Lãi suất thế chấp sẽ không thể tăng trong thời gian tới do nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng dồi dào, đảm bảo khả năng thanh khoản.

Động thái tăng lãi suất của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông - HKMA diễn ra giữa bối cảnh thị trường bất động sản Hồng Kông tăng trưởng nóng, cho dù cho chính quyền đang nỗ lực giảm nhiệt cho thị trường. (Theo HKMA ngày 14/6)

Vàng

Trong phiên giao dịch ngày 14/6, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong một tháng sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cam kết giữ lãi suất ổn định cho đến giữa năm 2019 và dự định sẽ ngừng chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trị giá 30 tỷ EUR (37,2 tỷ USD)/tháng vào cuối năm 2018.

Ngoài gia, một nguyên nhân đẩy giá vàng tăng còn do tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu. Nhà phân tích Robin Bhar thuộc Societe Generale cho biết, thị trường vàng vẫn phải đối mặt với những tác động từ đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và lộ trình nâng lãi suất tại Hoa Kỳ.(Theo TTXVN ngày 13/6)

Đàm phán - Ký kết

Malaysia, Trung Quốc và Singapore:

Các quan chức Malaysia sẽ đến Trung Quốc và Singapore để thương thảo lại một số dự án.

Theo đó, các quan chức Malaysia sẽ thảo luận với Trung Quốc về hai dự án đường ống dẫn dầu, khí trị giá 9,4 tỷ USD và dự án xây dựng tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía Đông Malaysia với Trung Quốc; thảo luận với Singapore về dự án đường sắt cao tốc kết nối giữa thủ đô Kuala Lumpur với Singapore (HSR).

Dự án HSR có tổng số vốn khoảng 110 tỷ MYR (26,7 tỷ USD) được ký kết hồi tháng 12/2016. (Theo hãng thông tấn Bernama ngày 09/6)