Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26/11-01/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng  -Lạm phát

Tăng trưởng

Toàn cầu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,1% trong năm 2018, sau đó giảm xuống 2,8% vào năm 2019 và 2,7% vào năm 2020, do chính sách thắt chặt tiền tệ, sụt giảm khả năng thanh khoản, nợ và giá tài sản cao sẽ tạo làn sóng bán ra ồ ạt trên các thị trường tài chính. 

Hoa Kỳ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2,9% trong năm 2018, sau đó giảm xuống 2,5% vào năm 2019, do tác động từ sự giảm dần của chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ cùng với tình trạng căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Eurozone: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1,9% trong năm 2018, sau đó giảm xuống 1,6% trong năm 2019. 

(Theo dự báo của Hãng Tư vấn Oxford Economics ngày 22/11)

 

Anh:

- Việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU (Brexit) theo thỏa thuận  của Thủ tướng AnhTheresa May sẽ làm nền kinh tế Anh giảm 3,9%, tương đương 100 tỷ GBP/năm, vào năm 2030. Mức giảm tính theo bình quân đầu người là hơn 1.000 GBP/người. Tuy nhiên, nếu Brexit không thỏa thuận sẽ làm GDP của Anh giảm 5,5%, tương đương 140 tỷ GBP/năm. (Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh - NIESR ngày 25/11)

- Nếu Brexit diễn ra mà không có thỏa thuận, GDP của Anh sẽ giảm 9,3%  trong 15 năm tới . Ngay cả trong kịch bản tươi sáng nhất, nếu Anh vẫn duy trì thương mại không rào cản với EU và không có thay đổi về nguyên tắc đi lại tự do giữa Anh và EU, GDP của Anh vẫn sẽ thu hẹp 0,6%. Trong khi đó, nếu Anh và EU duy trì thương mại không rào cản nhưng chấm dứt cơ chế đi lại tự do của lao động hai bên, GDP của Anh sẽ giảm 2,1%. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mục tiêu duy trì thương mại không rào cản khó có thể xảy ra, Anh và EU sẽ đạt được một thỏa thuận tốt hơn so với một thỏa thuận thương mại tự do thông thường. (Theo Chính phủ Anh ngày 28/11) 

 

Hoa Kỳ: Trong quý III/2018, mặc dù chi tiêu tiêu dùng đã tăng chậm lại nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ vẫn đạt 3,5%, do sự gia tăng trong chi tiêu của Chính phủ và đầu tư doanh nghiệp. Bất chấp những căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý II (4,2%) và quý III/2018 ghi dấu giai đoạn 6 tháng tăng trưởng mạnh nhất của Hoa Kỳ kể từ giữa năm 2014. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng 3,1% trong cả năm 2018, trước khi giảm tốc trong năm 2019, do những tác động từ chính sách cắt giảm thuế của Chính phủ không còn lớn, trong khi căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác làm xuất khẩu giảm và giá cả tăng. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 28/11)

 

Lạm phát

Đức: Trong tháng 11/2018, tỷ lệ lạm phát theo năm của Đức là 2,3%, thấp hơn so với tỷ lệ 2,5% của tháng 10/2018 (mức cao nhất 10 năm) và 2,4% theo dự báo của thị trường, do giá thực phẩm và dịch vụ tăng chậm hơn. (Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức ngày 29/11) 

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 26/11 - 30/11/2018, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt là 5,16%; 4,85% và 5,64% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (23/11/2018). Trong ngày giao dịch ngày 30/11/2018:

+ Dow Jones tăng 199,62 điểm (0,79%), lên 25.538,46 điểm.

+ S&P 500 tăng 22,41 điểm (0,82%), lên 2.760,17 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 57,45 điểm (0,79%), lên 7.330,54 điểm. 

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 3,02 điểm (2%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (30/11/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 131,29 điểm (0,5%), lên 26.582,32 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 20,75 điểm (0,8%), lên 2.588,19 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 88,46 điểm (0,4%), lên 22.351,06 điểm.

+ Kospi Hàn Quốc giảm 16,91 điểm (-0,8%), xuống 2.097,72 điểm.

+ S&P/ASX 200 giảm 16,55 điểm (-1,6%), xuống 5.666,26 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 26/11 - 30/11/2018, giá dầu WTI và Brent tăng/giảm trái chiều, WTI tăng 1,01% và Brent giảm 0,15%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (30/11/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,52 USD (-1,02%), xuống 50,93 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,8 USD (-1,36%), xuống 58,71 USD/thùng.

 

Trong tháng 11/2018, sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia tăng từ 11,1 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 11,3 triệu thùng/ngày, làm tăng mối quan ngại về tình trạng dư cung, yếu tố đã đẩy giá dầu mỏ giảm gần 1/3 kể từ đầu tháng 10/2018 trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu giảm sút. (Theo TTXVN ngày 27/11) 

Đầu tư

Ngân hàng Thế giới (WB) đã huy động được khoảng 660 triệu USD thông qua phát triển các trái phiếu bền vững. WB cam kết đầu tư 37 tỷ USD vào các tài nguyên nước và hơn 4 tỷ USD vào các hạng mục liên quan tới đại dương khác, trong đó có dự án 550 triệu USD ở Philippines và Indonesia nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm đại dương. (Theo WB ngày 26/11) 

 

Tính đến năm 2030, các thành phố tại châu Á có tiềm năng thu hút hơn 20 nghìn tỷ USD đầu tư liên quan đến khí hậu và  các công trình xanh. Đầu tư vào các công trình xanh trên toàn cầu lên  tới 24,7 nghìn tỷ USD; riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 17,8 nghìn tỷ USD. Vốn đầu tư sẽ đổ vào các dự án giao thông công cộng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (1 nghìn tỷ USD); phương tiện giao thông chạy điện (1,6 nghìn tỷ USD); năng lượng sạch (842 tỷ USD); nước (1 nghìn tỷ USD) và chất thải (200 tỷ USD). (Theo báo cáo Các cơ hội đầu tư liên quan đến khí hậu 2018 của IFC - thành viên của Nhóm WB - ngày 29/11)

Châu Âu

Châu Âu: Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho rằng, việc Italy đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2019 từ 2,4% xuống còn 2,2% GDP vẫn không đủ điều kiện để có thể tránh các biện pháp trừng phạt của EU. Theo đó, Italy cần có sự điều chỉnh đáng kể trong dự thảo ngân sách năm 2019. Các kế hoạch ngân sách của Chính phủ Italy làm cho nền kinh tế nước này bị tổn thương do làm gia tăng chi phí vay mượn. (Theo TTXVN ngày 28/11)

 

Eurozone: Trong tháng 11/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone là 52,4 điểm, thấp hơn so với 53,1 điểm của tháng 10/2018 và 53 điểm theo dự báo của giới phân tích. Đây là mức thấp nhất trong gần 4 năm qua, chủ yếu do hoạt động xuất khẩu giảm. (Theo Công ty giám sát dữ liệu IHS Markit ngày 26/11)

 

Ukraine: Quốc hội Ukraine đã thông qua dự thảo ngân sách năm 2019 theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, trong đó có chỉ tiêu thâm hụt ngân sách tương đương 2,3% GDP, để nhận được khoản giải ngân trị giá 3,9 tỷ USD từ IMF. Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman hy vọng Ukraine sẽ được IMF giải ngân một phần vào đầu tháng 12/2018 khi dự thảo ngân sách được thông qua, mở đường cho các khoản giải ngân tương tự từ EU và Ngân hàng Thế giới - WB. (Theo TTXVN ngày 23/11)

 

Nga: Nga đang có kế hoạch phát hành trái phiếu Eurobond có mệnh giá bằng đồng EUR kỳ hạn 7 năm vào ngày 04/12/2018 với lợi suất khoảng 3% nhằm tiếp cận thị trường nợ quốc tế. Tuy nhiên, quy mô của đợt phát hành trái phiếu lần này vẫn chưa được công bố. Ngân hàng VTB Capital là tổ chức bảo lãnh duy nhất của đợt phát hành trái phiếu lần này. (Theo TTXVN ngày 27/11)

 

Anh: Ngân hàng Trung ương Anh - BOE cảnh báo, Brexit không đạt được thỏa thuận sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở Anh, làm cho đồng GBP giảm 25% giá trị và GDP của Anh giảm 8% trong quý I/2019, trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 4,1% hiện nay lên 7,5%, giá nhà đất giảm khoảng 30%. (Theo BOE ngày 28/11)

 

Đức: Trong tháng 11/2018, tỷ lệ thất nghiệp của Đức là 5% (tương đương khoảng 2,18 triệu người không có việc làm), mức thấp nhất kể từ khi nước Đức tái thống nhất (năm 1990), phản ánh thị trường lao động sôi động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty vẫn rất cao, mặc dù triển vọng kinh tế nước này khá “u ám”. (Theo báo cáo của Sở Lao động Liên bang Đức - BA ngày 29/11)

Châu Á

Châu Á: Trong quý IV/2018, lợi nhuận của khoảng 2.000 doanh nghiệp châu Á sẽ giảm trung bình 8% so với cùng kỳ năm 2017, lần giảm đầu tiên trong hơn hai năm, do sự sụt giảm lượng hàng xuất khẩu, sản lượng chế tạo và tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dự kiến đà tăng trưởng của các công ty trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông và ô tô sẽ chậm lại. (Theo số liệu từ Refinitiv ngày 28/11)

Iran: Trong 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Iran với các nước thành viên EU đạt khoảng 14,89 tỷ EUR (16,89 tỷ USD), tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Iran xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 8,3 tỷ EUR, tăng 25,1% và nhập khẩu 6,59 tỷ EUR, giảm 8%. 5 nước thành viên EU có trao đổi thương mại lớn nhất với Iran bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Hy Lạp với kim ngạch thương mại song phương lần lượt là 3,78 tỷ EUR; 2,31 tỷ EUR; 2,28 tỷ EUR; 2,25 tỷ EUR và 1,11 tỷ EUR. (Theo trang mạng Eghtesadonline ngày 21/11)

 

Hàn Quốc:

- Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA lên kế hoạch triển khai nhiều dự án hơn tại châu Á  trong tương lai, phù hợp với chiến lược khu vực của Chính phủ, trong đó việc quan trọng nhất là thiết kế những chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) hiệu quả tại các nước đối tác. KOICA đã soạn thảo một kế hoạch hành động nước ngoài chi tiết 2 năm trước khi thực hiện các dự án ODA, . (Theo bà Lee Mi-kyung, Chủ tịch KOICA ngày 27/11)

- Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông Hàn Quốc công bố Báo cáo “Kết quả điều tra hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) năm 2017”, theo đó tổng đầu tư vào R&D của Hàn Quốc đạt 78.789,2 tỷ KRW (69,64 tỷ USD), tăng 13,5% so với năm 2016, cao thứ 5 thế giới, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Tỷ lệ đầu tư vào R&D trên GDP là 4,55%, tăng 0,32 điểm phần trăm so với năm 2016, đứng vị trí thứ nhất thế giới. (Theo Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông Hàn Quốc ngày 27/11)

 

Indonesia: Ngân hàng Trung ương Indonesia - BI sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định trong năm 2019, đặc biệt là tập trung kiểm soát lạm phát và tỷ giá hối đoái. Đồng thời dựa trên đánh giá của nền kinh tế năm 2018, BI sẽ tăng cường các chính sách kết hợp, đồng thời nỗ lực duy trì tính thanh khoản tích cực trên thị trường tài chính. Mục tiêu của BI là giảm thâm hụt tài khoản vãng lai xuống mức tương đương 2,9% GDP vào năm 2019. (Theo BI ngày 27/11) 

Trung Quốc

Trong tháng 10/2018, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017 lên 548 tỷ NDT (78,92 tỷ USD), thấp hơn so với mức tăng 4,1% của tháng 9/2018 và là mức thấp nhất của 7 tháng qua. Chuyên gia kinh tế của Nomura cho biết, xu hướng này sẽ tiếp diễn do nhu cầu trong nước suy yếu, chi phí tài chính cao, vỡ nợ tín dụng gia tăng và tranh chấp thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 14,7% của 9 tháng đầu năm.

(Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 27/11)

Hoa Kỳ

Trong tháng 10/2018, doanh số bán nhà mới ở Hoa Kỳ giảm 8,9% xuống 544 nghìn USD, trái ngược với mức tăng 1% trong tháng 9/2018 và 3,7% theo dự báo của thị trường. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016. So với cùng kỳ năm 2017, doanh số bán nhà mới giảm 12%. Giá bán trung bình nhà mới trong tháng 10/2018 là 309.700 USD, thấp hơn so với 319.500 USD của cùng kỳ năm 2017. (Theo Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ ngày 28/11) 

 

Trong quý III/2018, lợi nhuận của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng 66 tỷ USD (3,3%) lên mức cao kỷ lục 2.073,5 tỷ USD, cao hơn so với mức tăng 2,1% của quý II/2018 và 2% theo dự báo của thị trường. Lợi nhuận chưa phân phối tăng 38,7 tỷ USD (4,9%) lên 823,2 tỷ USD và cổ tức ròng tăng 27,3 tỷ USD (2,2%) lên 1.250,3 tỷ USD. (Theo Cơ quan Thống kê Hoa Kỳ ngày 28/11) 

 

Trong tuần từ ngày 19 - 23/11, dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ tăng thêm 3,6 triệu thùng và là tuần tăng thứ 10 liên tiếp, gây lo ngại về khả năng dư thừa nguồn cung. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 28/11) 

Đàm phán - Ký kết

Các nước thành viên EU:

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU (diễn ra tại Brussels, Bỉ), 27 nước thành viên EU đã thông qua các điều khoản của thỏa thuận Brexit. Thỏa thuận dài 585 trang, là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó đưa ra những điều khoản về Brexit, bao gồm vấn đề hóa đơn trị giá 39 tỷ GBP, quyền công dân và bản kế hoạch dự phòng liên quan đến biên giới Ireland trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc. Theo bản thỏa thuận, giai đoạn chuyển giao Brexit có thể kéo dài đến cuối năm 2020. (Theo TTXVN ngày 25/11)

Nhận định chuyên gia

Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED Richard Clarida (27/11):

Những rủi ro kinh tế Hoa Kỳ phải đối mặt là không nhiều và nền kinh tế này vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Song FED vẫn tiếp tục tiến trình tăng dần lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát ở mức 2%, đồng thời hỗ trợ thị trường việc làm đạt đến mức có đủ việc làm cho mọi người. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm là 3,7%, nhưng thị trường lao động Hoa Kỳ vẫn có thể kiến tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa, đặc biệt là đối với nhóm lao động từ 25 - 54 tuổi.