Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 05-09/3/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Doanh nghiệp

Trong năm 2017, 14 ngân hàng Việt Nam được Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service - Moody’s đánh giáđều có chất lượng tài sản được cải thiện, khả năng sinh lời gia tăng nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô lạc quan và sự tăng trưởng của thu nhập cốt lõi.

Tỷ lệ nợ có vấn đề giảm từ 6,7% trong năm 2016 xuống 5,7% trong năm 2017. Chất lượng tài sản của các ngân hàng này sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2018 nhờ hoạt động thu hồi nợ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng quá nhanh có thể che lấp hết rủi ro về tài sản. (Theo Moody’s ngày 06/3)

Ngày 07/3, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2018. Đáng chú ý, những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng đều là các doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát doanh nghiệp về định hướng hoạt động năm 2018 cho thấy, các doanh nghiệp nhận định 3 rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng gồm: Chi phí đầu vào tăng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh và thủ tục hành chính.

Có 83,8% doanh nghiệp cho biết sẽ ưu tiên tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trên những thị trường hiện tại; tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới với lần lượt số doanh nghiệp lựa chọn là 59,5% và 51,4%. Đối với mục tiêu cải thiện triển vọng tăng trưởng, 73% doanh nghiệp xác định chất lượng sản phẩm và dịch vụ là yếu tố cần tập trung hàng đầu. (Theo Vietnam Reportn ngày 07/3)

Tổng giá trị của các giao dịch mua bán và sáp nhập trong năm 2017 đạt 8,4 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2016, nhờ các thương vụ chuyển nhượng có giá trị lớn xảy ra nhiều hơn, nhất là tại những doanh nghiệp có thương hiệu lớn, phần nào phản ánh những tín hiệu lạc quan hơn từ giới đầu tư. 2017 cũng là năm thứ 4 liên tiếp chứng kiến giá trị M&A liên tục tăng sau khi suy giảm trong giai đoạn 2012 - 2013.

Trong 2 tháng đầu năm 2018, Viện M&A và liên kết (IMMA, Thụy Sỹ) ghi nhận đã có 51 thương vụ M&A diễn ra tại thị trường Việt Nam với giá trị 246 triệu USD, tương ứng giảm 50% về lượng nhưng tăng mạnh 118% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đây sẽ là bệ đỡ để các giao dịch mua bán doanh nghiệp diễn ra sôi động trong năm 2018, nhất là về quy mô đầu tư.

(Theo Viện Hợp nhất, Thâu tóm và Liên minh Quốc tế ngày 08/3)

Kết quả khảo sát toàn diện về doanh nghiệp trên toàn cầu của Ngân hàng HSBC cho thấy, có khoảng 63% doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này trong 2 năm tới.

CPTPP là một thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam, có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng, việc làm và các mức sống trong tương lai. Đây là thời điểm các doanh nghiệp và Chính phủ cần tập trung vào việc thực hiện CPTPP để có thể đạt được các lợi ích toàn diện. (Theo vov.vn ngày 09/3)

Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý IV/2017đạt 77 điểm, không thay đổi so với quý II/2017 (khảo sát cho quý III/2017 không được thực hiện), nhưng giảm 8 điểm so với quý IV/2016.

Kết quả này tiếp tục cho thấy những kỳ vọng rất tích cực của các doanh nghiệp châu Âu về các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua và những triển vọng phát triển kinh doanh tương lai, với gần 90% doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam duy trì hoặc tăng đầu tư trong năm 2018. Bên cạnh đó, trong quý IV/2017 có trên 60% doanh nghiệp thành viên EuroCham kinh doanh tốt, số doanh nghiệp thua lỗ chỉ chiếm chưa đến 3%. (Theo EuroCham Việt Nam ngày 08/3)

Tăng trưởng

Theo “Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 02/2018” của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI Retail Research), trên cơ sở tổng hợp các số liệu vĩ mô 2 tháng đầu năm 2018, dự báo tăng trưởng GDP quý I sẽ tương đương 6 tháng cuối năm 2017, thậm chí ở kịch bản tốt, có thể chạm ngưỡng 8%.

Một số động lực tăng trưởng trong thời gian tới là điện tử tăng trưởng cao; ngành khai khoáng tăng trưởng dương hoặc nếu có sụt giảm cũng chỉ giảm ở mức rất thấp; các ngành dịch vụ như bán lẻ, lưu trú ăn uống duy trì tăng trưởng ổn định. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 02/3)

Tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại, bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch. Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,83% (tăng so với mức dự báo 6,71 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia - NCIF đưa ra tháng 12/2017).

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những thách thức như: Trình độ công nghệ thấp đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá; yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như năm 2017; thị trường lao động Việt Nam năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. (Theo NCIF ngày 06/3)

Theo báo cáo “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp của Việt Nam”, CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam. CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 1,1 - 3,5% GDP đến năm 2030.

Ngoài ra, CPTPP sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường; thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước, trong nhiều lĩnh vực khác nhau; thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa, xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB ngày 09/3)

Sản xuất công nghiệp

Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,7%, đóng góp 13,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%, đóng góp 1 điểm phần trăm; khai khoáng tăng 5,7%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Riêng tháng 02/2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm khoảng 17,1% so với tháng 01/2018, nhưng vẫn tăng 8% so cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do trong tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Trong 2 tháng đầu năm 2018, sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 28,11 tỷ kWh, tăng 12,02% so cùng kỳ năm 2017. Xét theo thành phần phụ tải, điện cấp cho công nghiệp chiếm tỷ trọng 54,5% tổng sản lượng; quản lý tiêu dùng chiếm 32,2%; thương mại, khách sạn - nhà hàng chiếm 5,4%; nông nghiệp chiếm 3,3% và thành phần khác chiếm 4,6%. (Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN ngày 06/3)

Ngày 08/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đồng thời chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giữ ổn định giá các mặt hàng xăng dầu như hiện hành từ 15h ngày 08/3.

Cụ thể, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Xăng E5 RON92: 704 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 600 đồng/lít); dầu diesel: 92 đồng/lít; dầu hỏa: 453 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 105 đồng/lít); dầu mazut: 52 đồng/kg.

Giá bán trần các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường là: 18.340 đồng/lít (xăng E5 RON92); 15.716 đồng/lít (dầu diesel 0.05S); 14.560 đồng/lít (dầu hỏa); 12.528 đồng/kg (dầu mazut 180CST 3.5S).

(Theo báo Nhân dân ngày 08/3)

Đầu tư

Bộ Công Thương và WB khởi động dự án nhằm hỗ trợ những nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp trong việc áp dụng các kỹ thuật và thông lệ về tiết kiệm năng lượng với tổng giá trị 158 triệu USD; trong đó 101,7 triệu USD của WB, phần vốn còn lại đến từ Chính phủ Việt Nam, các định chế tài chính và các doanh nghiệp công nghiệp.

Trong khuôn khổ dự án này, các doanh nghiệp công nghiệp được vay vốn mới để đầu tư cho các công nghệ tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa sản xuất, từ đó giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh tổng thể của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Các định chế tài chính có thêm một lĩnh vực kinh doanh mới là cung cấp các khoản vay nhằm hỗ trợ các khoản đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, từ đó có thể mở rộng quy mô cho vay vốn cho các doanh nghiệp công nghiệp. (Theo WB và Bộ Công Thương ngày 05/3)

Tổng cầu

Xuất nhập khẩu

Trong 2 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 861.000 tấn gạo với 419 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần 26,9%, Trung Quốc đứng thứ hai với 23,5% . Giá gạo xuất khẩu bình quân đã tăng từ 435 USD/tấn trong năm 2016 lên 450 USD/tấn vào năm 2017; giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn.

Năm 2018, Việt Nam có khả năng xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo (năm 2017 xuất khẩu được 5,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,6 tỷ USD). Để ổn định kim ngạch xuất khẩu gạo, Việt Nam cần tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao , chỉ xuất khẩu không quá 20% gạo thường.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 04/3)

Năm 2017, thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 55 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2016; đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt 638 triệu USD, tăng 2 lần. Năm 2018, quan hệ thương mại song phương tiếp tục được cải thiện, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ tăng thông qua việc thúc đẩy tự do kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. (Theo Vụ châu Mỹ - Bộ Ngoại giao ngày 05/3)

Ngân sách nhà nước

Trong 2 tháng đầu năm 2018:

- Tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 177.675 tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) đạt khoảng 147.783 tỷ đồng, chiếm 83,1% tổng chi NSNN; chi trả nợ lãi đạt 21.990 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng chi; chi đầu tư phát triển chỉ đạt khoảng 7.487 tỷ đồng, chiếm 4,2%.

- Tổng thu cân đối NSNN đạt 212.765 tỷ đồng, bằng 16,1% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Bộ Tài chính ngày 04/3)

Cân đối vĩ mô

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 2 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 09/3, so với ngày 08/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,57 - 36,77 triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,62 - 36,70 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,10 - 36,80 triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 12 đồng so với tuần trước với 1 ngày tăng, 3 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 09/3, tỷ giá trung tâm là 22.456 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 08/3; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 08/3 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 22.720 - 22.790 VND/USD, không thay đổi.

- Viettinbank: 22.676 - 22.746 VND/USD, không thay đổi.

Tín dụng

Báo cáo dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản quý IV/2017 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đến hết năm 2017 đạt 471.022 tỷ đồng.

Những lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất, đạt trên 100.000 tỷ đồng gồm: Cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở đạt 102.413 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công đạt 100.083 tỷ đồng; cho vay kinh doanh khác đạt 112.561 tỷ đồng. Nguyên nhân do tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và GDP tăng trưởng mạnh tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2017.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, tập trung vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội có hiệu quả và phân khúc sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt. (Theo báo Sài gòn đầu tư ngày 07/3)

Lao động

Báo cáo lương năm 2017 của VietnamWorks cho thấy, dựa trên mức lương trung bình tối thiểu của nhà tuyển dụng đề xuất trả cho người lao động, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị trí cao nhất về mức lương trung bình trên toàn quốc, với mức lương tối thiếu trung bình của một người lao động là 456 USD/tháng (khoảng 10,37 triệu đồng), tương đương 124,44 triệu đồng/người lao động/năm.

Mức lương trung bình tối thiểu trên cao hơn khoảng 38% so với mức lương trung bình của lao động toàn quốc. Đà Nẵng đứng thứ 2 với 452 USD/tháng (10,25 triệu đồng/tháng); Bình Dương 444 USD, (10,1 triệu đồng); Bắc Ninh 421 USD (9,55 triệu đồng) và Hà Nội 407 USD/tháng (9,3 triệu đồng/tháng).

(Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 06/3)

Thị trường tài sản

Cổ phiếu

Trong tuần từ 05/3 - 09/3/2018, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 0,74 điểm (-0,07%) xuống 1.123,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 242,21 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 7.450,12 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,43 điểm (1,14%) lên 127,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 63,19 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 1.026,76 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,54 điểm (0,88%) lên 61,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 21,77 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 492,81 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 31.812.814 đơn vị, trị giá 781,36 tỷ đồng.

- HOSE Khối ngoại thực hiện 5 ngày bán ròng liên tiếp với khối lượng 26,68 triệu đơn vị, trị giá 690,62 tỷ đồng.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 1 ngày bán ròng và 4 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 257.186 đơn vị, trị giá 61,06 tỷ đồng.

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 5,39 triệu đơn vị, trị giá 151,8 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 02/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có 385 doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu trên thị trường niêm yết (tăng gần 43 lần so với năm 2005), với tổng giá trị niêm yết 118.951 tỷ đồng (tăng gấp hơn 79 lần) và vốn hóa thị trường đạt 235.462 tỷ đồng (tăng gấp 125 lần).

Hiện thanh khoản thị trường tăng mạnh, khối lượng giao dịch đạt hơn 75 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch đạt 1.184 tỷ đồng/phiên (bình quân 2 tháng đầu năm 2018), tăng tương ứng gấp 260 lần và 296 lần so với thời kỳ đầu khai trương (08/3/2005).

(Theo HNX ngày 05/3)

Trái phiếu

Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã quyết định nâng kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2018 lên 200.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với kế hoạch năm 2017 và 2016. Theo đó, tổng mức phát hành là 200.000 tỷ đồng với kỳ hạn dự kiến được phát hành nhiều nhất là 10 năm và 7 năm với giá trị lần lượt là 37.000 tỷ đồng và 36.000 tỷ đồng. Cơ cấu kỳ hạn phát hành đã có sự thay đổi đáng kể từ kỳ hạn ngắn sang dài. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 02/3)

Ngày 07/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) gọi thầu 4.000 tỷ đồng (đạt 97%).

- 20 năm: Huy động được 1.970 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu là 5,1%. Phiên đấu thầu phụ huy động được 600 tỷ đồng.

- 30 năm: Huy động được 1.913 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu là 5,39%. Phiên đấu thầu phụ huy động được 600 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2018 đến ngày 07/3, KBNN đã huy động thành công 34.463 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thông qua đấu thầu tại HNX.

(Theo HNX ngày 07/3)

Chính sách

Thông tư số 17/2018/TT-BTC:

Ngày 09/02/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 305/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.

- Từ ngày 26/3/2018, mức thu phí duy trì chứng thư số 3.000 đồng/tháng/1 chứng thư không còn áp dụng đối với cá nhân.

- Chứng thư số đang còn hiệu lực theo hợp đồng ký trước ngày 01/01/2017 không phải nộp phí từ ngày 01/7/2017 đến khi hết hạn hợp đồng.

- Chứng thư số do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao phát sinh hiệu lực hoạt động tại bất cứ thời điểm nào của tháng được tính là 1 tháng sử dụng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 26/3/2018.

Thông tư số 06/2018/TT-BTC:

Ngày 24/01/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 30/2017/TT-BTC ngày 18/4/2017 quy định tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách nhà nước. Các nội dung sửa đổi bao gồm: :

- Khoản 2 Điều 3;

- Gộp, sửa đổi điểm b và c Khoản 2 Điều 4 thành điểm c;

- Sửa đổi Điểm b Khoản 2 Điều 6;

- Sửa đổi Điểm a Khoản 2 Điều 7;

- Sửa đổi Điều 11;

- Sửa đổi Điểm b Khoản 1, Điểm c Khoản 2 Điều 12;

- Sửa đổi Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 13;

- Sửa đổi Điều 14;

- Sửa đổi Khoản 2 Điều 15;

- Thay thế Mẫu 02 - Giấy rút vốn tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh, Mẫu 04 - Báo cáo tình hình tạm ứng ngân quỹ nhà nước ban hành kèm theo Thông tư số 30/2017/TT-BTC bằng Mẫu 02 - Giấy rút vốn tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh, Mẫu 04 - Báo cáo tình hình tạm ứng ngân quỹ nhà nước ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/3/2018.

Thông tư số 10/2018/TT-BTC:

Ngày 30/01/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 10/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 hướng dẫn Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử sụng đất.

- Tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất hằng năm quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 được xác định theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ tương ứng với từng khu vực, tuyến đường do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể theo quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

- Trường hợp thời gian sử dụng đất còn lại được xác định theo công thức quy định tại Điều 4 không tròn năm thì tính theo tháng; thời gian không tròn tháng thì từ 15 ngày trở lên được tính tròn 1 tháng, dưới 15 ngày thì không tính tiền sử dụng đất.

- Trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 15/7/2014, thuộc đối tượng nộp truy thu tiền sử dụng đất thì thời hạn nộp số tiền sử dụng đất truy thu theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/3/2018.