Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

Kinh tế vĩ mô duy trì vững chắc

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng năm 2015, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, kinh tế nước ta năm nay khả quan hơn năm 2013, khi ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc, tăng trưởng phục hồi rõ nét, khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình giảm.

Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc thể hiện qua việc lạm phát năm 2014 chỉ ở mức 4,09%. Nguồn: internet
Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc thể hiện qua việc lạm phát năm 2014 chỉ ở mức 4,09%. Nguồn: internet

Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc thể hiện qua việc lạm phát năm 2014 chỉ ở mức 4,09%, với mức tăng trung bình 0,15%/tháng - là mức tăng thấp nhất 10 năm qua. CPI giảm chủ yếu do giá hàng hóa và năng lượng trên thế giới giảm, góp phần giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, giảm tác động đến lạm phát của yếu tố chi phí đẩy (xăng A92 đã giảm 30% giá bán trong năm 2014). Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặt hàng xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu chiếm 14,6% chi phí trung gian của nền kinh tế, tương đương 8,8% tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế. Ngoài ra, việc lạm phát được kiểm soát trong năm 2012 và 2013 đã giúp tâm lý người dân ổn định hơn, không còn kỳ vọng vào lạm phát như thời gian trước.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đặc biệt chú ý đến việc tăng trưởng phục hồi rõ nét, khi mà GDP hàng quý liên tục tăng từ quý II.2014 đến nay. Đồng thời, thị trường tài chính có chuyển biến tích cực, thể hiện qua thanh khoản hệ thống dồi dào, tiền gửi của khu vực dân cư và tổ chức kinh tế tăng mạnh mặc dù lãi suất huy động giảm. Chỉ số dư nợ trên vốn huy động (LDR) toàn hệ thống tại thời điểm 31.10 ở mức 83,43% - mức thấp trong nhiều năm qua. Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay và cả lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh xuống mức thấp ngang với thời điểm năm 2006. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 0,5-1,5 điểm phần trăm so với đầu năm, tiếp tục tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng. Chất lượng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng cải thiện và đều tích cực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng ghi nhận, thị trường chứng khoán tăng khá. Vốn hóa thị trường năm 2014 đạt 31,5% GDP. Huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013. Tổng tài sản hệ thống công ty chứng khoán tăng trở lại lần đầu tiên từ 2011, đạt xấp xỉ 75.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2013. Tỷ lệ an toàn vốn khả dụng toàn hệ thống đạt 350%, cao hơn nhiều so với chuẩn an toàn là 180%. Chất lượng tài sản của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ được cải thiện đáng kể, một phần do các công ty chủ động cơ cấu lại danh mục đầu tư, một phần do giá chứng khoán được cải thiện.

Báo cáo của Ủy ban cũng cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình giảm bớt. Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm 2,7% nhưng vốn đăng ký bình quân lại tăng 11,5% so với năm 2013. Và hiện có trên 15.000 doanh nghiệp đã quay lại hoạt động sau một thời gian tạm ngừng hoạt động, tăng 7,1% so với năm 2013. Mức sinh lời của doanh nghiệp cũng được cải thiện, thể hiện qua chỉ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng năm 2014 lần lượt là 3,8% và 9,4%, tăng tương ứng 0,5 và 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2013. 

Khả năng thanh toán và trả lãi của doanh nghiệp được cải thiện. Khả năng thanh toán ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh tăng nhẹ so với kỳ trước ở mức 1,5 lần và 0,9 lần. Khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp phi tài chính cải thiện đáng kể từ năm 2013, đạt 5,4 lần trong 9 tháng năm 2014, tăng 1,1 lần so với cùng kỳ năm 2013. Khả năng thanh toán lãi vay được ghi nhận tăng ở hầu hết các ngành kinh tế ngoại trừ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (trong 9 tháng năm 2014 khả năng thanh toán lãi vay khu vực SMEs giảm 1,4 lần ở mức khá thấp là 0,6 lần).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% so với 5,6% của năm 2013 cho thấy tiêu dùng của hộ gia đình được cải thiện. Theo khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia từ năm 2012 - 2014, khu vực hộ gia đình đang có xu hướng tăng đầu tư vào sản xuất nhằm nắm bắt những cơ hội đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Tại thời điểm tháng 8.2014, có khoảng 24% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất, trong khi khảo sát vào tháng 2.2014 mới ở mức 17%, còn trong tháng 7.2013 là 6%.

Một điểm khá đặc biệt trong năm 2014 là thị trường bất động sản đã có dấu hiệu thoát đáy. Tại thành phố Hà Nội, chỉ số giá bất động sản ổn định ở mức 103 điểm sau giai đoạn giảm từ 123 điểm xuống còn 100 điểm từ Q1/2012 - Q1/2014. Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ số này cũng ổn định ở mức 88-89 điểm trong năm 2014. Theo Bộ Xây dựng, số lượng giao dịch và doanh số giao dịch bất động sản thành công đã tăng nửa cuối năm 2014, hàng tồn kho giảm. Tính đến cuối tháng 8.2014 tồn kho giảm xuống còn 82.295 tỷ đồng, giảm 24,1% so với đầu năm 2013 và 12,8% so với đầu năm 2014.

 Những tín hiệu tích cực từ năm 2014 như lạm phát ở mức thấp, các ngành sản xuất phục hồi, doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn, giá hàng hóa và năng lượng trên thị trường thế giới giảm... được dự báo sẽ giúp kinh tế trong năm 2015 đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, năm 2015, sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước sẽ mạnh hơn do là thời điểm có hiệu lực thực hiện của nhiều hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết. Để doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, thì các cơ quan chức năng cần triển khai hiệu quả Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và thực hiện đúng tinh thần của Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đầu tư công, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền được cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.