117 triệu USD lãi từ đấu thầu vàng

Theo Báo Lao động

Sau 26 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ra thị trường một lượng vàng lên tới gần 25 tấn và nhờ đó thu lãi hàng trăm triệu USD.

117 triệu USD lãi từ đấu thầu vàng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đáng lưu ý chỉ riêng sau 21 phiên, báo cáo về thị trường vàng với nhan đề “Việt Nam - sùng bái vàng” do nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered thực hiện (công bố ngày 5/6) chỉ ra rằng, Ngân hàng Nhà nước thu được khoản lợi nhuận lên tới 117 triệu USD nhờ chênh lệch giá vàng.

Trong 21 phiên đấu thầu và bán ra 20 tấn, tổ chức từ ngày 28.3, Ngân hàng Nhà nước được cho chi ra khoảng 1 tỉ USD tương đương 10% kim ngạch nhập khẩu (NK) hằng tháng của cả nước để NK vàng. Lợi nhuận thu về từ chênh lệch giá vàng theo tính toán của Standard Chartered theo đó lên tới khoảng 117 triệu USD.

Có một diễn biến đáng chú ý được nhóm nghiên cứu toàn cầu trên ghi nhận là chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước với quốc tế tăng cao kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên. Cụ thể, kể từ phiên đấu thầu đầu tiên tổ chức ngày 28/3, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đạt trung bình 250USD/ounce, cao hơn tới 30% so với thời điểm trước đó. Trong khi đó, tại các nước khác, mức chênh lệch nói trên chỉ nằm trong khoảng 1-10USD/ounce.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, khi tổ chức đấu thầu vàng miếng, NHNN phải dùng vàng dự trữ ngoại hối để đấu thầu, đồng thời NK một lượng vàng tương đương để duy trì ngoại hối. Điều này, theo phân tích của Standard Chartered, rốt cuộc lại làm giảm dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trong nước chỉ có thể dùng VND để mua vàng từ NHNN. Ngoài ra, nó còn đặt áp lực giảm giá lên tiền đồng.

Trước đó trong báo cáo về công tác quản lý thị trường vàng gửi Quốc hội, NHNN cho rằng, giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng được cơ quan này áp dụng thời gian qua tiết kiệm đáng kể ngoại tệ cho đất nước. Cụ thể, khối lượng ngoại tệ NHNN sử dụng để NK vàng nhỏ hơn nhiều lần so với lượng ngoại tệ nền kinh tế phải bỏ ra để NK trong những năm trước đây. Đồng thời, lượng ngoại tệ NHNN dùng để NK vàng can thiệp thị trường chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với lượng ngoại tệ NHNN đã mua vào tăng dự trữ ngoại hối nhà nước trong thời gian qua. Nhờ vậy, tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, nhu cầu đầu tư vào vàng của người dân giảm.

Đối với khoảng chênh lệch giá cao giữa hai thị trường, NHNN cho rằng, chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy mà góp phần kiềm chế “vàng hóa” nền kinh tế.

Cơ quan ngân hàng trung ương cũng khẳng định, việc can thiệp thị trường vàng không vì lời nhuận. “Trước đây, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, nay thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh” – NHNN báo cáo về khoảng chênh lệch giá giữa vàng trong nước và quốc tế.

Chiều ngày 5/6, NHNN thông báo sẽ tiếp tục chào bán thêm 26.000 lượng vàng trong phiên đấu thầu tổ chức vào 9h sáng ngày 6.6. Đây là phiên đấu thầu thứ 27 và tiếp tục là phiên đấu thầu theo giá với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 40,89 triệu đồng/lượng. Trong 26 phiên đấu thầu trước đó, tổ chức từ ngày 28/3, NHNN chào bán thành công 658.100 lượng trên tổng số 744.000 lượng chào thầu. Số lượng vàng được các TCTD và doanh nghiệp mua vào thời gian qua lên tới 24,8 tấn.