2016: Thị trường vốn có đảo chiều?

Theo baohaiquan.vn

Bước sang năm 2016, dòng vốn sẽ có sự dịch chuyển tự do hơn khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) nhưng cũng sẽ chịu nhiều tác động do những biến động khó lường từ thị trường tài chính- tiền tệ thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường còn non yếu

Cho tới nay, thị trường vốn Việt Nam đã hướng đến chuẩn mực quốc tế khi phát triển đầy đủ các loại hình như thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Trong những năm vừa qua, việc quản lý dòng vốn và thị trường vốn ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhiều bộ luật được sửa đổi, bổ sung cho phép nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tự do hóa dòng vốn. Nhờ đó, vốn đầu tư nước ngoài luôn được tạo điều kiện ưu đãi tốt nhất và được coi là một nguồn lực rất quan trọng bên cạnh nguồn vốn trong nước để tăng trưởng kinh tế.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, các biện pháp quản lý dòng vốn (đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư vào) của Việt Nam từ năm 2005 (khi có Pháp lệnh ngoại hối) đến nay đã tương đối thông thoáng, tập trung nhiều vào các biện pháp giám sát an toàn, hạn chế tối đa các biện pháp kiểm soát hành chính và không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với dòng vốn trên thị trường chứng khoán, theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của biến động từ nền kinh tế thế giới, nhưng nhờ những cải thiện kinh tế vĩ mô và các giải pháp tái thúc đẩy sự phát triển nên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2015 tương đối ổn định và được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực. Mức vốn hóa thị trường hơn 1.325 nghìn tỷ đồng, tương đương 34% GDP. Tuy nhiên, tổng giá trị huy động vốn 11 tháng đạt hơn 204 nghìn tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2014.

Đánh giá chung về thị trường vốn, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, thị trường vốn nước ta còn non trẻ và chưa phát triển kịp trước nhu cầu tăng trưởng vốn của nền kinh tế, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp vốn dài hạn. Việc cung ứng vốn cho nền kinh tế nội địa chủ yếu từ tín dụng ngân hàng mà phần lớn là vốn ngắn hạn. Năm 2014, tỷ lệ tín dụng/GDP là 101%, trong khi vốn hóa thị trường chứng khoán khoảng 30%. Điều này dẫn đến mất cân đối vốn trên thị trường tài chính, tăng gánh nặng vốn lên các ngân hàng và tạo áp lực lên các chính sách tài chính- tiền tệ tới đây.

Đặc biệt, mới đây nhất, sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD lên 0,25% đã tác động đến mọi mặt của thị trường tài chính. Chuyên gia tài chính- ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, FED tăng lãi suất sẽ làm USD mạnh hơn và sẽ làm tất cả tài sản được định nghĩa trên đồng USD tăng giá trị. Trên thực tế, tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang rục rịch kế hoạch rút vốn khỏi Việt Nam do lo ngại đồng Việt Nam và một số ngoại tệ khác yếu đi. Hơn nữa, trong năm 2016, dự báo FED sẽ còn ít nhất 4 lần tăng lãi suất, tương đương tăng khoảng 1,25-1,5%, điều này khiến đồng USD càng hấp dẫn và sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn từ thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) chuyển sang những thị trường sử dụng nhiều USD. Vì thế, thời gian tới, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có sự can thiệp phù hợp để dòng vốn ngoại được duy trì ổn định ở Việt Nam.

Tự do hóa

Trong năm 2016, bên cạnh tác động từ những chuyển biến của lãi suất, tỷ giá, việc AEC đi vào hoạt động không chỉ có tự do hóa luồng hàng hóa dịch vụ mà còn có những quy định về tự do hóa dòng lưu chuyển vốn. Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội phát triển và cũng là thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, Việt Nam chưa phải là một nước có sự tự do kinh tế ở mức cao. Nhưng trước xu hướng hội nhập, Việt Nam không thể đứng ngoài, nước ta đã và đang tham gia một cách tích cực hơn, đặc biệt là tự do hóa tài chính nhằm tối đa hóa những lợi ích đồng thời giảm thiểu những rủi ro.

Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV, khi tham gia AEC, thị trường tài chính Việt Nam phải tiến tới tự do hóa, cụ thể ở đây là tự do hóa dịch vụ tài chính, tự do hóa tài khoản vốn và phát triển tài khoản vốn, các nước trong AEC cũng sẽ cam kết cùng nhau phát triển hạ tầng của thị trường tài chính.

TS. Lực nhận định, nhờ những hiệu quả và sự thay đổi tích cực trong phương thức quản lý tiền tệ- tài chính của Việt Nam, trong thời gian tới, thị trường vốn mặc dù còn khó khăn nhưng sẽ có nhiều triển vọng, dòng vốn ngoại vẫn có khả năng tăng vì nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều dự báo Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế tăng trưởng ổn định, chính sách tiền tệ được giữ vững.

Để hoàn thiện hơn nữa việc quản lý dòng vốn, thực hiện tự do hóa tài chính, báo cáo khoa học của TS. Cao Thị Ý Nhi, Trưởng Bộ môn Lý thuyết Tài chính tiền tệ, Viện Ngân hàng– Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Trong đó quan trọng phải kiểm soát được thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai và đảm bảo dự trữ ngoại hối ở mức độ hợp lý. Khung chính sách kinh tế vĩ mô cần đảm bảo lành mạnh, bất ổn kinh tế vĩ mô có thể làm trầm trọng thêm những khiếm khuyết của khu vực tài chính. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, xử lý tốt các khoản nợ xấu, phải đáp ứng các yêu cầu về minh bạch hóa, áp dụng các chuẩn mực an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trích lập dự phòng rủi ro, tiêu chuẩn phân loại nợ…