3 kịch bản cho thị trường chứng khoán

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Ngày 20/11, chỉ số VN-Index tăng 12,86 điểm, ngày 21/11 tăng 14,75 điểm, ngày 22/11 tăng 14,36 điểm. Tính đến ngày 24/11, chỉ số này đã tăng tổng cộng 98,29 điểm, tương đương mức tăng 11,7%.

Tính từ đầu năm đến tuần thứ 3 tháng 11, khối ngoại đã mua ròng hơn 1,77 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: internet
Tính từ đầu năm đến tuần thứ 3 tháng 11, khối ngoại đã mua ròng hơn 1,77 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: internet

Điều dễ nhận thấy là trong 2 tháng gần đây, chỉ số VN-Index tăng mạnh chủ yếu nhờ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó 2 nhóm đáng chú ý là ngân hàng và doanh nghiệp sắp sửa được thoái vốn.

Nếu như nhóm cổ phiếu ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV được hỗ trợ trước thông tin Dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu được thông qua, cũng như kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ tăng mạnh trước việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và kết quả thu hồi nợ xấu tốt hơn khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội Khóa XIV có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 thì nhóm doanh nghiệp sắp được Nhà nước thoái vốn như FPT, Sabeco (SAB), Nhựa Bình Minh, VGC lại được kỳ vọng sẽ thu hút vốn thành công từ hiệu ứng lan tỏa ở phiên thoái vốn thứ hai của Vinamilk.

Cổ phiếu của Vincom Retail (VRE) lên sàn liên tục tăng và hàng loạt dự án được Tập đoàn Vingroup (VIC) triển khai đã giúp giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng gấp đôi và hiện lên mức cao nhất từ trước đến nay. Ngược lại cổ phiếu các nhóm khác lại chịu áp lực điều chỉnh và suy yếu trong cùng thời điểm. Thời gian gần đây không có quá nhiều thông tin tích cực nhưng thị trường vẫn tăng mạnh nhờ kéo các mã vốn hóa lớn là điều cần lưu ý.

Với chỉ số liên tiếp vượt các ngưỡng kháng cự và đi lên mạnh mẽ đã khiến phần lớn nhà đầu tư trở nên hoang mang và nghi ngờ. Vậy đâu là xu hướng cho thị trường trong thời gian tới khi VN-Index đang ở mức cao như hiện nay?

Về cơ bản có thể có ba kịch bản: Thứ nhất, dòng tiền có thể tiếp tục tập trung ở nhóm mã vốn hóa lớn và vẫn đi lên. Thứ hai, dòng tiền sẽ luân chuyển sang các mã midcap và penny với kết quả kinh doanh được dự báo tích cực. Thứ ba, dòng tiền sẽ bất ngờ rút khỏi thị trường.

Trước mắt, xác suất xảy ra với kịch bản thứ nhất thấp hơn do nhiều mã cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn đã tăng quá mạnh chỉ trong thời gian ngắn nên khó có thể thu hút thêm dòng tiền mới, như VIC đã tăng gần gấp đôi, VCB đã tăng gần 40%, VRE tăng 28% so với thời điểm lên sàn; FPT, VNM, SAB tăng xấp xỉ 25%.

Do đó, kịch bản thứ hai đang được lựa chọn với kỳ vọng của các nhà đầu tư nhiều hơn. Đáng chú ý là phiên giao dịch ngày 24/11 vừa rồi đã cho thấy, dòng tiền có xu hướng chảy mạnh vào các nhóm bất động sản, dầu khí, thép và xây dựng.

Với việc giá dầu tăng ngày càng vững vàng hơn, các mã cổ phiếu như PVD, PVS, PXS sau thời gian giảm đáng kể lại có tín hiệu phục hồi mạnh. Ở nhóm doanh nghiệp bất động sản, kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ tăng tích cực cũng như thị trường nhà đất đang có dấu hiệu nóng trở lại như thời điểm đầu năm nay trở nên hấp dẫn hơn, trong đó các mã TDH, KBD, LDG, DXG, SCR,... vẫn là tâm điểm của dòng tiền.

Cũng cần lưu ý ở kịch bản thứ ba, dù xác suất khó có thể xảy ra nhưng vẫn nên cẩn trọng, theo đó nếu dòng tiền rút ra mạnh mẽ khi có thông tin tiêu cực bất ngờ thì việc nắm giữ những cổ phiếu cơ bản và tiềm năng tăng trưởng kỳ vọng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, bởi khối lượng giao dịch trong thời gian qua vẫn khá ổn định, cụ thể khối lượng bình quân trong 24 ngày của tháng 11 là 165,9 triệu cổ phiếu/phiên, cao hơn mức 142,1 triệu trong tháng 9 và 145,6 triệu trong tháng 10.

Dòng tiền của khối ngoại thời gian qua đã hỗ trợ đáng kể sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index cũng như tâm lý của thị trường và điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong thời gian tới với hàng loạt đợt bán đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn và niêm yết cổ phiếu ngành ngân hàng.

Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tính từ đầu năm đến tuần thứ 3 tháng 11, khối ngoại đã mua ròng hơn 1,77 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó 746 triệu USD trái phiếu và 1,27 tỷ USD cổ phiếu.

Trong khi đó, theo số liệu của Bloomberg, tính đến hết ngày 21/11, mặt bằng P/E của VN-Index đã lên đến 18 lần, mức rất cao kể từ năm 2012 đến giờ. Tuy nhiên, nếu loại trừ nhóm 4 cổ phiếu đang có mức P/E không tưởng là VIC, FLC Faros, SAB, VRE thì P/E toàn thị trường giảm chỉ còn 14,7 lần.

Còn theo báo cáo gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì P/E bình quân của Vn-Index chỉ ở 17,5 lần, thấp hơn 16% so với mức P/E bình quân các thị trường chứng khoán trong khu vực, trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam và tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết năm 2018 được dự báo cao hơn phần lớn các nước trong khu vực.