3 ngộ nhận cần tránh trong quản lý kinh doanh vàng miếng

TS.Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Vàng là hàng hóa đặc biệt, vừa mang tính chất hàng hóa phục vụ đời sống, sinh hoạt và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, lại vừa mang chức năng thước đo giá trị và chức năng dự trữ như một loại tiền tệ quốc tế đặc biệt.

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ, Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Quản lý kinh doanh vàng miếng ở Việt Nam đang được xiết chặt từ ngày 10/1/2013; tuy nhiên, bên cạnh những mục tiêu kỳ vọng, cũng dễ gây ra những hệ quả mặt trái, nhất là từ những ngộ nhận tiêu biểu dưới đây:

1. Chống vàng hóa không bằng cách tiền tệ hóa vàng

Đã ngót nửa thế  kỷ nay, đặc biệt là từ khi Mỹ chính thức từ bỏ chế độ bản vị vàng cho đồng USD, thì Vàng chỉ còn có chức năng không đầy đủ (tức chỉ có chức năng thước đo giá trị và dự trữ, mà không còn có chức năng thanh toán và lưu thông) của tiền tệ quốc tế, nhưng không phải là tiền tệ thế giới, cũng không phải là đồng tiền quốc gia, nên càng không thể quản lý vàng theo thương hiệu quốc gia như một dạng tiền tệ chính thức quốc gia. Thực tế thế giới còn cho thấy hiếm có nước kinh tế thị trường nào có chính sách chỉ duy trì độc quyền một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng.

Theo Điều 16 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này; bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước; thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp: (a) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này; (b) Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; (c) Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ…

Tuy nhiên, về cả bản chất và tính chất, cũng như cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế hiện nay, thì vàng đủ hàm lượng 99,99% dù của bất kỳ ai và dưới dạng hình thức nào cũng cần được đối xử bình đẳng và cũng như nhau về giá trị; tức không thể dùng ý chí chủ quan tạo sự chệnh biệt giá cả lớn giữa vàng có “thương hiệu quốc gia” với vàng khác cùng hàm lượng % vàng như nhau. Nếu coi vàng được gắn ‘thương hiệu quốc gia” là vàng có giá trị chênh biệt cao hơn hẳn các vàng khác, thì vô tình hay cố ý đã biến vàng thành tiền quốc gia, tương tư như việc Chính phủ thông qua máy in tiền đã biến tờ giấy in bình thường thành đồng tiền giấy quốc gia, dù với những công nghệ chống làm giả ngày càng tinh vi hơn mà thôi.

Nói cách khác, chủ trương thực hiện quản lý vàng theo Nghị định 24?2012/NĐ-CP để chống “vàng hóa” (nhất là coi vàng như công cụ thanh toán) là đúng và cần thiết, bảo đảm hiệu qủa của chính sách tiền tệ quốc gia có mục tiêu; song không vì thế mà ngộ nhận hoặc làm dụng trong quản lý và kinh doanh vàng miếng, biến vàng miếng thành “đồng tiền quốc gia thứ hai”, điều tự mâu thuẫn với yêu cầu chỉ được phép lưu hàng một đồng tiền duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, như mục tiêu đặt ra ban đầu của quản lý nhà nước và phù hợp với thông lệ trên thế giới..

2. Độc quyền và quản lý tập trung không có nghĩa là duy ý chí và phi thị trường

Tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ là bảo đảm Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng và quản lý tập trung thị trường vàng, chống lại các hoạt động đầu cơ và gây rối loạn thị trường vàng nói riêng, cũng như thị trường tài chính-tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô quốc gia nói chung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nhà nước cho phép duy ý chí trong đưa ra các công cụ pháp lý và hành chính quản lý vàng, chống lại các quy luật kinh tế thị trường và yêu cầu kinh doanh vàng theo sát với động thái thị trường quốc tế; không cho phép sự vô tình hay cố ý tạo ra các nhóm lợi ích cơ hội hay bắt ai đó phải trả giá cho những rủi ro chính sách mà họ phải gánh chịu. Bởi vậy, sẽ là ngộ nhận lớn về mục tiêu và tinh thần xuyên suốt của Nghị định này, cũng như sớm muộn sẽ gây hệ quả lớn toàn diện cho đất nước nếu đóng cửa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế, kiểu “mũ ni che tai”, thiếu trách nhiệm xã hội, dù được biện minh bằng những lợi ích nào đó về cán cân thương mại và thanh toán.

3. Không biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp

Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ khẳng định quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Vì vậy, việc thực hiện quản lý kinh doanh vàng theo Nghị định này cũng đòi hỏi, một mặt, tiêu chuẩn hóa các cơ sở và điều kiện kinh doanh vàng miếng, giảm bớt những sức ép “đội” giá vàng trong nước do qua quá nhiều các “cầu trung gian” hay những hoạt động đầu cơ; đồng thời, mặt khác, đề cao chất lượng dịch vụ của các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng, bảo đảm sự tiếp cận thuận lợi và quyền lợi của người mua và sở  hữu vàng. Đồng thời, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là Nghị định này khẳng định rõ yêu cầu Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng vì lợi ích chung (tăng cường ổn định vĩ mô và nguồn thu NSNN) của quốc gia, chứ không xáa bỏ quyền sở hữu và giao dịch vàng miếng của người dân, cũng như không biến quyền kinh doanh vàng miếng thành độc quyền và mang lại khối lợi nhuận khổng lồ béo bở cho bất kỳ doanh nghiệp hay một thương hiệu vàng nào. Với tinh thần đó, mọi biểu hiện không bảo đảm chất lượng dịch vụ và sản phẩm vàng miếng cung cấp cho thị trường, gây ách tắc và méo mó cung-cầu, giá cả thị trường vàng trong nước phải được nhận diện đầy đủ và sâu sắc các nguyên nhân, cũng như quy rõ trách nhiệm cá nhân và tổ chức để xử lý kịp thời, nghiêm khắc, nhất là bảo đảm những nguồn lợi từ chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới kéo dài trong thời gian qua phải được tính toán chính xác và quy tụ thành nguồn thu bổ sung cho NSNN chung theo quy định của pháp luật.

Tính đến 10/1/2013, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép kinh doanh vàng miếng cho 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp, với 2.497 điểm kinh doanh tại 63 tỉnh thành trên cả nước (TP HCM có khoảng 900 điểm và Hà Nội khoảng 400 điểm). Những đơn vị chưa được cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng sẽ chỉ được mua bán vàng trang sức hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác. Cửa hàng nào không có giấy phép kinh doanh vàng miếng mà vẫn mua bán vàng miếng sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng theo Nghị định 95 ban hành năm 2011...Từ thực tế thị trường vàng miếng thời gian qua và những nhận thức trên, đòi hỏi trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường hoàn thiện quản lý nhà nước đối hoạt động kinh doanh vàng miếng theo đúng tình thần Nghị định 24/2012-NĐ-CP; trong đó, cần đặc biệt chú ý phòng ngừa và khắc phục những ngộ nhận trên, thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong và ngoài nước, tiếp tục tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng theo hướng giảm dần giao dịch vàng miếng để chuyển sang giao dịch tập trung, có tổ chức các sản phẩm khác của vàng với hệ thống các công cụ bảo hiểm rủi ro; ngày càng hội nhập và tiếp cận được những sản phẩm tài quốc tế. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách và từng bước chủ động vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường; Đồng thời, tạo ra môi trường kinh thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, kể cả đầu tư nước ngoài; vừa bảo đảm quyền lợi của người dân, các DN và ngân hàng khi thực hiện giao dịch  vàng miếng; vừa đảm bảo nguồn thu vào NSNN lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng theo quy định, có những giải pháp thích hợp để huy động được nguồn vàng trong dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.