3 nguồn vốn để kích cầu

Theo VnEconomy

Nguồn vốn để thực hiện gói kích cầu 1 tỷ USD mà Chính phủ vừa công bố sẽ được lấy từ nguồn nào? Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói trong cuộc trao đổi mới đây với báo giới:

- Gói kích cầu tổng thể của Chính phủ gồm nhiều nguồn giải ngân. Nguồn thứ nhất là phát hành trái phiếu Chính phủ để tiếp tục vay tiền đầu tư vào những công trình mục tiêu như trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Tiếp nữa là đầu tư cho các công trình nhà ở xã hội.

Nguồn thứ hai dùng để kích cầu là sẽ miễn giảm, hoãn, chậm việc thu thuế để doanh nghiệp có nguồn đầu tư.

Nguồn thứ ba là Chính phủ sẽ sử dụng Quỹ dự trữ Nhà nước của Chính phủ để đầu tư cho một số mục tiêu, chủ yếu là để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy tiêu dùng.

Chính phủ sẽ công bố gói kích cầu này sau cuộc họp Chính phủ cuối tháng và sẽ có Nghị quyết, theo tính toán của tôi gói tiền này sẽ khoảng ngót nghét 100 nghìn tỷ đồng. Như vậy trong đó có chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có chính sách đối với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Và nếu kích cầu đầu tư hạ tầng cũng là tạo ra cầu để doanh nghiệp bán hàng. Tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước tốt hơn, công ăn việc làm được đảm bảo...

Tiếp theo đó, Chính phủ sẽ công bố làm như thế nào để sử dụng nguồn vốn kích cầu như thế nào cho hiệu quả. Chính phủ sẽ làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội, các địa phương, các ngành để cùng triển khai có bài bản, tránh thất thoát, lãng phí, bỏ tiền không đúng chỗ.

Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp gì đi kèm với gói kích cầu tổng thể này để mang lại giá trị cao hơn cho nền kinh tế, thưa Phó thủ tướng?

Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu tổng thể, tiếp đến là biện pháp giảm thuế, biện pháp huy động thêm nguồn lực để đầu tư. Chúng ta phải hành động, phải thúc đẩy sản xuất, phải mở rộng tiêu dùng để duy trì sự phát triển ở mức trên 6% - 6,5% trong năm 2009.

Doanh nghiệp phải đoàn kết, gắn bó tạo ra sự công phá để vượt qua khó khăn, đẩy nhanh phát triển trong thương mại, đó là bài toán cùng phải giải đáp.

Sắp tới đây, các biện pháp kích cầu của Chính phủ sẽ triển khai một cách rầm rộ hơn, quyết liệt hơn, khẩn trương hơn, tăng thêm vốn đầu tư đầu tư vào những lĩnh vực nhà ở đối với xã hội, đối với dân nghèo đang ở trong những ngôi nhà tranh tre dột nát, vào những huyện nghèo khó khăn một cách toàn diện.

Chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề về hạ tầng, trong đó đặc biệt ưu tiên hạ tầng kinh tế là giao thông, thủy lợi, tăng vốn đầu tư cho hạ tầng xã hội, trong đó đặc biệt ưu tiên cho xây dựng trường học, bệnh viện ở những vùng khó khăn, thiếu điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực.

Chúng ta sẽ gia tăng vốn để đảm bảo đào tạo nghề như chương trình đào tạo 1 triệu lao động cho nông thôn, chương trình kích cầu tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được vay ưu đãi, tài trợ để học nghề, cao đẳng, đại học, đào tạo rèn luyện nghề đi xuất khẩu lao động.

Về tài chính tín dụng sẽ tiến hành những chính sách quan trọng như giảm thuế, miễn thuế, lùi thời hạn nộp thuế. Đối với thuế VAT thì sẽ hoàn trước kiểm sau, đối với thuế nhập khẩu thì giảm thời gian nộp thuế, ân hạn thuế cho các doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và là doanh nghiệp trẻ sẽ có bậc ưu tiên cao hơn, mức giảm cao hơn.

Đối với ngân hàng thì sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá một cách hợp lý theo tín hiệu của thị trường, không tạo ra những biến động về đồng tiền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Chính phủ sẽ tiếp tục hạ lãi suất để giảm chi phí, sẽ tạo điều kiện để giữ ổn định các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ sẽ có một bước nới lỏng cần thiết để vừa đủ kiểm soát vĩ mô, vừa đủ để doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn khó khăn này.

Như vậy, có thể nói lượng cung về vốn bảo đảm cho doanh nghiệp, miễn là doanh nghiệp có chiến lược làm ăn có tính hiệu quả, hợp tác với ngân hàng cùng cải cách thủ tục hành chính là có thể vay được.

Về chính sách tài chính sẽ có sự miễn giảm thuế, lùi thời gian nộp thuế để doanh nghiệp có vốn làm ăn.

Còn về chính sách khuyến khích đầu tư, nếu doanh nghiệp làm ở những vùng khó khăn, đầu tư vào những sản phẩm đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao thì sẽ được ưu đãi tối đa bất kể doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào.

Chúng ta không phân biệt tín dụng với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, chúng ta không phân biệt chính sách thuế quan giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, chúng ta trước đây cho tới nay vẫn tiếp tục xóa cho được sự kỳ thị đối với doanh nghiệp tư nhân để phát huy thành phần kinh tế này.