5 nhiệm vụ trọng tâm tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam


Khu vực tài chính lành mạnh, hiệu quả, bao gồm hệ thống ngân hàng và thị trường vốn – kênh dẫn vốn của nền kinh tế là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. TSKH. Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chia sẻ về tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn diện, bao trùm, bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn diện, bao trùm, bền vững, quá trình tái cấu trúc thị trường tài chính cần chú trọng những giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung hiện đại hóa, nâng cao năng lực tài chính và hoạt động của khu vực ngân hàng; Tập trung cải cách năng lực quản trị và hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro của khu vực NHTM, thúc đẩy vai trò tích cực của khu vực tài chính tới tăng trưởng kinh tế; Đẩy mạnh tái cơ cấu NHTM và xử lý nợ xấu, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính để xử lý nợ xấu, tăng khả năng cung cấp tín dụng ra nền kinh tế thực; Nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính của các NHTM; Bảo đảm các TCTD có đủ vốn tự có theo chuẩn mực Basel II, hướng tới Basel III; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro tại các NHTM, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Thứ hai, mặc dù đã đạt quy mô tương đối lớn, tuy nhiên, tác động của khu vực tài chính đến tăng trưởng trong dài hạn chủ yếu qua cải thiện năng suất vốn, thay vì đơn thuần gia tăng khối lượng tín dụng. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn nhưng nếu phân bổ vốn bị sai lệch, có thể dẫn đến tình trạng đầu tư kém, tài sản kém chất lượng, gia tăng rủi ro và gây mất ổn định. Để khu vực tài chính hỗ trợ tăng trưởng dài hạn và bền vững, hệ thống cần phải có động cơ nâng cao hiệu suất phân bổ vốn và rủi ro, phân bổ nguồn tín dụng hỗ trợ các DN, đặc biệt là khu vực DN nhỏ và vừa.

Thứ ba, tiếp tục mở rộng và phát triển thị trường vốn theo chiều sâu, tăng cường hội nhập. Sau 20 năm vận hành, TTCK đã đạt được những thành tựu đáng kể, phát huy được vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Cấu trúc thị trường vốn còn chưa đa dạng, tính thanh khoản chưa đủ lớn, các cơ chế, công cụ phòng vệ rủi ro trên thị trường mới bắt đầu được hình thành cùng sự ra đời của thị trường phái sinh. Do vậy, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) cần hướng tới các mục tiêu dài hạn sau:

- Tự do hóa hoạt động thị trường theo hướng loại bỏ bớt các điều kiện tiếp cận thị trường, cho phép các tổ chức DN dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Giải pháp cho mục tiêu này, là áp dụng cơ chế đăng ký phát hành dựa trên chế độ công bố thông tin đầy đủ theo thông lệ quốc tế. Bản chất của cơ chế này là bỏ bớt các điều kiện định lượng và các thủ tục hành chính mà các DN phải đáp ứng mới được phát hành cổ phiếu, huy động vốn trên TTCK. Với việc loại bỏ bớt các điều kiện và tiết giảm thủ tục hành chính thì nhiều tổ chức phát hành, kể cả các DN khởi nghiệp cũng có thể tiếp cận và huy động vốn trên thị trường.

- Mở rộng thị trường dưới hình thức áp dụng cơ chế đại chúng hóa, phát hành ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch. Đây là thông lệ quốc tế tốt mà Việt Nam chưa áp dụng được đối với các DN tư nhân khi thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.

- Tập trung phát triển cơ sở nhà đầu tư có tổ chức, tiếp tục thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong đó, có các giải pháp như phấn đấu cải cách hệ thống thể chế và giải pháp kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chí xếp hạng TTCK của MSCI, nhất là các tiêu chí về mức độ tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý các quy định hướng dẫn việc triển khai các loại hình quỹ đầu tư chuyên biệt, góp phần xã hội hóa nguồn lực đầu tư xã hội như: Quỹ Đầu tư cơ sở hạ tâng, Quỹ Đầu tư năng lượng, Quỹ Đầu tư bất động sản, Quỹ Đầu tư mạo hiểm...

- Thúc đẩy thị trường trái phiếu DN và đa dạng hóa cấu trúc sản phẩm trên thị trường phái sinh. Đối với thị trường trái phiếu DN, cần nghiên cứu và cho phép tổ chức thị trường các sản phẩm trái phiếu DN dành cho nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tạo thêm kênh dẫn vốn mới bên cạnh cổ phiếu.

- Tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ tư, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu học tập, ứng dụng các chuẩn mực giám sát tài chính quốc tế vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là cơ chế giám sát hoạt động của NHTM thông qua các công cụ macro-prudential và cách thức quản lý dựa trên rủi ro. Việc liên tục cập nhật, theo dõi quá trình phát triển của các mô hình tài chính, tín dụng mới dựa trên yêu tố công nghệ phải xác định là một ưu tiên quan trọng trong quá trình giám sát an toàn hoạt động của thị trường tài chính.

Thứ năm, nghiên cứu và cải cách các chính sách thuế theo các giải pháp mà nhiều quốc gia đang triển khai, nhằm tạo điều kiện bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa hệ thống tín dụng và thị trường vốn, bảo đảm sự bình đẳng về thu nhập giữa nhà đầu tư trên thị trường vốn và người gửi tiết kiệm; bình đẳng trong việc sử dụng nguồn tài chính huy động từ thị trường vốn cổ phần và nguồn tài chính từ hệ thống tín dụng.