6 điểm sáng của thị trường bảo hiểm Việt Nam

PHÙNG NGỌC KHÁNH – Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm

(Tài chính) Năm 2014, cùng với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam, thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội; cải thiện môi trường đầu tư; giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy hội nhập, tăng trưởng kinh tế - xã hội...

Công tác bồi thường, tạm ứng bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện kịp thời. Nguồn: internet
Công tác bồi thường, tạm ứng bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện kịp thời. Nguồn: internet

6 điểm sáng trên thị trường bảo hiểm

Đánh giá chung về những kết quả hoạt động nổi bật của thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2014 có thể khái quát 6 điểm sáng ấn tượng sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Các cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện và ban hành (bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm khai thác hải sản, Thông tư 43/2014/TT-BTC, Thông tư số 115/2014/TT-BTC, Thông tư số 116/2014/ TT-BTC, Thông tư số 194/2014/TT-BTC, Thông tư số 195/2014/TT-BTC, Thông tư liên tịch số 86/2014/ TTLT-BTC-NHNN...) theo hướng đảm bảo sát thực tiễn và phát huy hiệu quả trong đời sống, thực hiện tốt các mục tiêu: Giúp đỡ, hỗ trợ, thúc đẩy DN tăng trưởng hiệu quả; Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN; Tăng cường quản trị của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), tăng cường sự minh bạch và an toàn tài chính cho các DNBH.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo hiểm quan trọng phục vụ an sinh xã hội.

Trong năm qua, thị trường bảo hiểm đã thực hiện tổng kết, đánh giá thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/6/2014 Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị tổng kết sau 3 năm triển khai thực hiện. Kết quả cho thấy có 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN; tổng giá trị bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng; tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 31/12/2014 (số liệu chưa kiểm toán) là 707,5 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 179,6%. Kết quả này khẳng định đây là chủ trương hết sức đúng đắn, nhằm ổn định sản xuất, đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm khai thác hải sản phục vụ ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ biển đảo, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Xác định đây là chính sách bảo hiểm trọng tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan hữu quan và một số DNBH tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở, các khó khăn, vướng mắc và hướng giải quyết. Chỉ hơn 1 tháng sau khi Nghị định 67/2014/ NĐ-CP được ban hành, ngày 20/8/2014 Bộ Tài chính đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn: Thông tư số 115/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm và Thông tư số 116/2014/TT-BTC hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các DNBH thực hiện bảo hiểm. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng tiến hành lựa chọn các DNBH có đủ năng lực, điều kiện triển khai loại hình bảo hiểm này...

Theo báo cáo của các DNBH, đến nay đã có Nghệ An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, cụ thể: Tại Nghệ An: Tổng số phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, tai nạn thuyền viên: hơn 5,44 tỷ đồng, trong đó, tổng số phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là hơn 4,6 tỷ đồng, tổng số phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên là 834 triệu đồng; Tại Quảng Ngãi: Tổng giá trị bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ: 420,69 tỷ đồng, trong đó, tổng giá trị bảo hiểm thân tàu là 392,8 tỷ đồng; tổng giá trị bảo hiểm ngư lưới cụ là 27,89 tỷ đồng; Tại Đà Nẵng: Tổng số tiền bảo hiểm tai nạn thuyền viên: 193,34 tỷ đồng; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm: 2.762 thuyền viên.

Trong năm 2014, thị trường bảo hiểm tổng kết, đánh giá 05 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 35/2009/TTLT-BTC-BCA về hướng dẫn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2009 đến hết năm 2013, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2013 đạt cao nhất là 2.035 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân là 18%/năm. Tỷ lệ xe tham gia bảo hiểm so với tổng số xe lưu hành đạt 95% đối với xe ô tô và 40% đối với xe mô tô - xe máy. Trong giai đoạn 2009 - 2013, các DNBH đã giải quyết bồi thường cho hơn 210.000 vụ tai nạn giao thông với tổng số tiền bồi thường trên 3.000 tỷ đồng (chưa tính đến các vụ đang giải quyết bồi thường). Thông qua giải quyết bồi thường, các DNBH đã hỗ trợ chủ xe, người bị tai nạn khắc phục được phần nào khó khăn về tài chính, sớm ổn định cuộc sống sau tai nạn.

Thứ ba, thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng, phát triển theo xu thế đổi mới, mở cửa và hội nhập...

Trong bối cảnh Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời, hội nhập kinh tế quốc tế thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Từ chỗ trước năm 1993 chỉ có 1 DNBH nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có 61 DN thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia, gồm 29 DNBH phi nhân thọ, 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, 17 DNBH nhân thọ, 12 DN môi giới bảo hiểm và 2 DN tái bảo hiểm.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2014 ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10,5%; bảo hiểm nhân thọ tăng 17,9%. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH năm 2014 ước đạt 131.371 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2013. Bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2014 ước khoảng 18.552 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2013. Phí bảo hiểm, tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 6.410 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2013. Bảo hiểm đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, thiết yếu trong cuộc sống. Các tổ chức, cá nhân ngày càng hiểu rõ hơn về vai trò, tác dụng của bảo hiểm đối với cuộc sống, sản xuất kinh doanh nên tính chủ động, tự nguyện tham gia bảo hiểm ngày càng cao

Thứ tư, DNBH khẳng định cam kết và trách nhiệm đối với khách hàng tham gia bảo hiểm.

Tháng 5/2014, trước sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên vùng biển của Việt Nam, tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh… một số người đã có hành vi gây rối, đập phá tài sản của các tổ chức, cá nhân và DN ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và sản xuất kinh doanh. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ các DN bị thiệt hại. Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND các


tỉnh, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các DNBH và các DN bị thiệt hại tổ chức “Chương trình DNBH tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm cho DN bị thiệt hại”. Đến nay, các DNBH đã giải quyết bồi thường, tạm ứng bồi thường cho 370 DN bị thiệt hại với số tiền 414,6 tỷ đồng.

Việc Bộ Tài chính, các DNBH nhanh chóng thực hiện tạm ứng bồi thường cho các DN bị thiệt hại đã khẳng định cam kết và trách nhiệm của DNBH đối với khách hàng tham gia bảo hiểm. Các hoạt động này khẳng định vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng tổ chức, cá nhân, DN nói riêng trước những rủi ro bất ngờ, không lường trước.

Thứ năm, hoạt động đầu tư của DNBH tiếp tục khởi sắc. Thông qua hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các DNBH đã huy động được nguồn tài chính từ các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, tạo lập nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH năm 2014 ước đạt 131.371 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2013. Trong đó, các DNBH nhân thọ đạt khoảng 102.968 tỷ đồng (tăng 18,2%), DNBH phi nhân thọ đạt khoảng 28.403 tỷ đồng (tăng 7%).

Thứ sáu, chủ động và đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát. Thời gian qua, công tác quản lý giám sát được tiến hành thường xuyên, dưới nhiều hình thức: Trong năm qua, đã tiến hành thanh tra 4 DNBH; kiểm tra 9 DNBH, 5 DN môi giới bảo hiểm, 10 văn phòng đại diện công ty bảo hiểm nước ngoài. Qua đó đã phát hiện các sai phạm, từ đó kịp thời có biện pháp xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

Năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10,5%; bảo hiểm nhân thọ tăng 17,9%.

Phương hướng, nhiệm vụ năm 2015

Năm 2015 là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển Thị trường Bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, một số nội dung lớn được thị trường bảo hiểm tập trung thực hiện trong năm nay là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH; Khuyến khích, hỗ trợ các DN phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; Đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; Tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trước mắt cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh bảo hiểm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DNBH; đơn giản hoá thủ tục hành chính; tăng cường công tác quản trị rủi ro của DNBH để từ đó tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh của DNBH được ổn định, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát các DNBH trên cơ sở thực hiện phân loại các DNBH theo Thông tư 195/2014/TT-BTC đánh giá, xếp loại DNBH; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của DNBH; từng bước hiện đại hoá thị trường bảo hiểm, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm…

Về phía DN: Tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng công tác quản trị DN theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; Tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu, đã có thế mạnh và thương hiệu, nâng cao năng lực tài chính, năng lực kinh doanh và năng lực cạnh tranh, đồng thời tiếp tục phát triển sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, tham gia tích cực vào các chương trình bảo hiểm thúc đẩy an sinh xã hội của nhà nước như: BHNN, bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm năng lượng nguyên tử, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm bắt buộc cháy nổ...

Bên cạnh các giải pháp trên, năm 2015, các DNBH tiếp tục đánh giá toàn diện, phân loại chất lượng nguồn nhân lực; làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện của từng vị trí; ban hành các quy định nhằm chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra, có chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, quản trị rủi ro tại DN, minh bạch hóa thông tin, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời và có biện pháp xử lý ngay đối với những vụ việc phát sinh, đảm bảo cho DN hoạt động an toàn và hiệu quả; Đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng, đồng thời đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý, giám sát.