9 giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

PV.

Với những nỗ lực vượt bậc, ngành Chứng khoán đã ngày càng lớn mạnh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Nhằm tiếp tục duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế và các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán, trong thời gian tới Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai 9 giải pháp trọng yếu để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tính đến ngày 24/5/2018 mức vốn hóa thị trường đạt 3.846 nghìn tỷ đồng.
Tính đến ngày 24/5/2018 mức vốn hóa thị trường đạt 3.846 nghìn tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dần khẳng định và trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2017 đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương 70,2% GDP, vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra cho năm 2020. Năm 2018 thị trường tiếp tục duy trì đà phát triển, tính đến ngày 24/5/2018 mức vốn hóa thị trường đạt 3.846 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2017, tương đương 76,8% GDP.

Riêng trong Quý I/2018, TTCK đã có sự tăng trưởng mạnh, chỉ số VN-Index đã bứt phá ra khỏi vùng đỉnh lịch sử được thiết lập năm 2007, đạt 1.204,33 điểm (ngày 09/4/2018), tăng 22,4% so với cuối năm 2017.

Nhằm tiếp tục duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK, đồng thời thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế và các giải pháp nâng hạng thị trường, trong thời gian tới, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát; trong đó triển khai xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi; Hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14; Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, điều hành TTCK, hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm bảo đảm an toàn cho TTCK.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; Triển khai cơ chế tạo lập thị trường, phát hành Bộ nguyên tắc quản trị công ty (CG code); Nghiên cứu triển khai nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về; Hướng dẫn thủ tục, hồ sơ niêm yết/đăng ký giao dịch đối với loại hình doanh nghiệp FDI chuyển đổi để áp dụng thống nhất cho hai Sở GDCK; Tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng vấn đề sử dụng vốn, CBTT và quản trị công ty.

Thứ ba, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, các sản phẩm liên kết đầu tư, sản phẩm cơ cấu; triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ; triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm; phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho phái sinh.

Thứ tư, hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu: đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ; Phát triển hệ thống thành viên đấu thầu TPCP; Triển khai đề án phát triển trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); Hoàn thiện phương án tổ chức thị trường TPDN và công tác chuẩn bị để có thể đưa thị trường giao dịch TPDN vào hoạt động trong năm 2018.

Thứ năm, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và cải thiện sức cầu: tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK VN từ hàng frontier market lên hạng emerging market trên bảng xếp hạng MSCI; phối hợp triển khai quỹ hưu trí; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp, hệ thống nhà tạo lập thị trường; Tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Thứ sáu, phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường: tiếp tục tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán để giảm số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển hệ thống thành viên đấu thầu TPCP; Nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp nhân viên hành nghề CK…

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu TTCK theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 4 nội dung trọng tâm là: Tái cơ cấu tổ chức thị trường; Tái cấu trúc hàng hóa; Tái cơ cấu về cơ sở nhà đầu tư và tái cơ cấu các tổ chức trung gian. Hiện nay, UBCKNN đang tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị bộ, ngành để trình Chính phủ ban hành nhiệm vụ về tái cơ cấu giai đoạn 2018-2020 và xây dựng định hướng, tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ tám, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: Tổ chức triển khai quy định về 4 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi theo Luật 12/2017/QH14 khi Bộ luật hình sự có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018; Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch năm 2018; Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị để kịp thời phát hiện và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK, đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ chín, đẩy mạnh các giải pháp giúp nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: tăng quy mô đầu tư cho các NĐTNN thông qua việc gia tăng số lượng các công ty có vốn hóa lớn, thúc đẩy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn; Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính...