9 tháng đầu năm SCIC thu về 14.675 tỷ đồng từ bán vốn

Hà Phương

Thông tin trên được ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết tại Hội nghị về thoái vốn nhà nước và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tổ chức ngày 25/10 tại TP. Hồ Chí Minh.

9 tháng đầu năm 2016, SCIC đã bán vốn thành công tại 928 doanh nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
9 tháng đầu năm 2016, SCIC đã bán vốn thành công tại 928 doanh nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chia sẻ kinh nghiệm trong tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp (DN) và bán vốn nhà nước tại DN, ông Hiển cho biết: Thực hiện chức năng đại diện cổ đông nhà nước tại DN, SCIC đã hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), HOSE trong việc thúc đẩy các DN thực hiện niêm yết trên 2 sàn, đồng thời áp dụng các chuẩn mực quản trị tiên tiến vào DN.

Trong tiến trình bán vốn Nhà nước tại các DNNN không cần nắm giữ, SCIC cũng phối hợp chặt chẽ với 2 Sở để thực hiện quy trình công khai, minh bạch và hiệu quả.

Theo ông Hiển, tính đến tháng 9/2016, trong số gần 1.000 tiếp nhận, SCIC đã bán vốn thành công tại 928 DN (trong đó bán hết vốn tại 830 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN) với giá vốn là 6.199 tỷ đồng và thu về 14.675 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn thu được gấp 2,5 lần giá vốn (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011 - 2015 là 1,48 lần).                  

Điểm quan trọng giúp cho công tác bán vốn của SCIC mang lại hiệu quả cao là việc nghiên cứu kỹ thị trường và DN để xác định giá khởi điểm hợp lý, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, xây dựng và duy trì mạng lưới các nhà đầu tư quan tâm, tổ chức bán công khai minh bạch…

Kinh nghiệm bán vốn nhà nước chuyên nghiệp của SCIC hiện đang được nhiều DNNN, tập đoàn, tổng công ty tham khảo nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Trung ương khẳng định: Muốn hội nhập thành công, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của từng DN và từng sản phẩm nói riêng phải không ngừng được nâng cao.

Để đạt được điều đó, cổ phần hóa DNNN được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trên thực tế, trải qua hơn 24 năm triển khai thực hiện, cổ phần hóa đã tạo ra những cú hích mạnh mẽ cho phát triển không chỉ bản thân DN mà cả nền kinh tế.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc HOSE đã trả lời các câu hỏi liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá, đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch trên HOSE nhằm hỗ trợ các DN thuận lợi trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục đấu giá, niêm yết, đăng ký giao dịch tại HOSE.

Cụ thể, đối với các DN đấu giá, HOSE sẽ hỗ trợ công bố thông tin và quảng bá hình ảnh các DN đấu giá; Tư vấn, hỗ trợ DN hoàn tất các thủ tục sau đấu giá (chuyển thành công ty cổ phần, niêm yết, đăng ký giao dịch trên các Sở Giao dịch Chứng khoán); Tích cực kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá qua Sở Giao dịch Chứng khoán.

Đối với các DN có kế hoạch niêm yết và đăng ký giao dịch, HOSE sẽ tư vấn hỗ trợ DN hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nhanh chóng; Triển khai áp dụng hệ thống công bố thông tin điện tử cho các DN; Liên tục nâng cấp hệ thống giao dịch cổ phiếu, cải tiến cơ chế hoạt động và phương thức giao dịch nhằm hỗ trợ nhiều nhất cho DN.