ADB: Không nới lỏng chính sách tiền tệ quá mạnh

Việt Nguyễn - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cơ quan thường trú tại Việt Nam, NHNN sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ quá mạnh trong thời gian tới. Lãi suất đã đến điểm và vẫn thu hút đối với các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhưng lại không đủ dư địa cho Chính phủ có thể nới lỏng nhiều hơn nữa.

Tỉ giá là một trong những yếu tố có thể tác động đến việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet
Tỉ giá là một trong những yếu tố có thể tác động đến việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet

Hiện nay, Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy, tỉ giá là một trong những yếu tố có thể tác động đến việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, còn có yếu tố quan trọng khác nữa, ví dụ chi phí lao động, môi trường chính sách… có thuận lợi hay không. Theo ông Dominic Mellor, "NHNN khẳng định trong năm 2015, tỉ giá có thể điều chỉnh 2%, chúng tôi đã thấy có một đợt điều chỉnh vào tháng 1".

Tỉ giá quyết định đầu tư

"Nhìn vào lãi suất, hiện nay vẫn là lãi suất thực dương. Có nghĩa, lãi suất huy động cũng như lạm phát dương, lạm phát hiện nay rất thấp, dự báo năm 2015 sẽ là 2,5%. Vì vậy lãi suất thực tại Việt Nam vẫn là lãi suất dương. Điều đó đủ tạo động cơ thu hút vào Việt Nam", ông Dominic Mellor nói. Theo đánh giá của ADB, lạm phát giảm, xếp hạng tín nhiệm tăng, triển vọng xuất khẩu hàng hóa chế tác đầy hứa hẹn là yếu tố cải thiện triển vọng đầu tư. NHNN chỉ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 13 – 15%, cao hơn một chút so với kết quả ước đạt của năm 2014. Các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS sẽ được nới lỏng từ tháng 7/2015 sẽ hỗ trợ cho các biện pháp khác của Chính phủ nhằm thu hút đầu tư trở lại với thị trường BĐS.

Trả lời câu hỏi liên quan đến nợ xấu, liệu điều đó có phản ánh đúng thực tế nợ xấu có được giải quyết không hay chỉ là giải pháp kỹ thuật, khi NHNN đưa ra con số chính thức về nợ xấu vào năm 2014 là 3,25%, ông Dominic Mellor cho rằng, phần lớn trong câu chuyện này, cho tới thời điểm hiện nay, rất nhiều nợ xấu chưa được đưa vào sổ sách kế toán của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, dẫn đến việc các ngân hàng còn rất thiếu vốn.

 ADB: Không nới lỏng chính sách tiền tệ quá mạnh  - Ảnh 1

Tuy nhiên, một phần nợ xấu đã chuyển từ sổ sách của các NHTM sang sổ sách của công ty mua bán nợ (VAMC). Điều quan trọng với Chính phủ là phải đưa ra lộ trình rõ ràng về việc giải quyết nợ xấu.

Các NHTM cần phải tăng được trích lập dự phòng của mình để có thể giải quyết nợ xấu nếu trong tương lai, số nợ xấu này lại xuất hiện trở lại trên sổ sách của các NHTM. Những quy định mới của NHNN đưa ra sẽ được thực hiện vào tháng 4/2015.

"Do đó, con số nợ xấu chính thức mà NHNN đưa ra vẫn sẽ tăng. Đặc biệt, khi các NH thực hiện theo quy định mới về trích lập dự phòng và phân loại nợ thì chắc chắn con số nợ xấu sẽ tăng", ông Dominic Mellor chia sẻ.

Việt Nam ít bị ảnh hưởng từ FED

Nói về chính sách tiền tệ của Mỹ đối với nền kinh tế thế giới, ông Dominic Mellor cho rằng trong những năm vừa qua, đầu tư ngắn

hạn đã đổ rất mạnh vào thị trường châu Á. Tuy nhiên, luồng vốn đầu tư gián tiếp này đã bỏ qua Việt Nam và đổ vào các thị trường khác. Vì thị trường chứng khoán tại Việt Nam không có đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tác động lớn hơn với Việt Nam là thông qua các kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn này thường là dài hạn. Do đó tác động đến Việt Nam sẽ không lớn. "Khi Chính phủ Mỹ đưa ra quyết sách này sẽ có tác động đến Việt Nam ít hơn so với các nền kinh tế khác", ông Dominic Mellor khẳng định.

Chia sẻ thêm về chính sách tiền tệ của Mỹ đối với nền kinh tế thế giới, ông Tomyuki Kimura, Giám đốc ngân hàng quốc gia ADB tại Việt Nam, cho biết có rất nhiều nhà đầu tư của Mỹ đã đầu tư vào thị trường chứng khoán châu Á. Khi Chính phủ Mỹ tăng lãi suất thì dự báo sẽ có một số nhà đầu tư rút vốn đầu tư ngắn hạn ra khỏi thị trường chứng khoán châu Á.

"Điều này đồng nghĩa với việc các luồng vốn sẽ đi ra khỏi châu Á để được đầu tư vào những thị trường có lãi suất cao hơn. Riêng với Việt Nam, do thị trường chứng khoán chưa phát triển cho nên cũng sẽ không có tình trạng đầu cơ nhiều vào thị trường này từ nhiều năm trước. Vì vậy, Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất", ông Tomyuki Kimura nói.

Tình hình kinh tế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, song theo khuyến cáo từ ADB, Việt Nam vẫn cần tiếp tục có những cải cách về cơ cấu nhằm tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để nền kinh tế khai thác được tối đa tiềm năng tăng trưởng.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á ADO) 2015 nhấn mạnh, một loạt các yếu tố mang tính cơ cấu tiếp tục ngăn cản Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng tăng trưởng của mình Trong ngắn hạn, cần ưu tiên tăng cường hệ thống ngân hàng và vạch ra chiến lược rõ ràng để giải quyết nợ xấu. Tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được thúc đẩy nhờ các luật mới hướng dẫn việc thoái vốn khỏi các DNNN và tăng cường cổ phần hóa các DN này.

TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia

-------------------------------

Trong bối cảnh Việt Nam vừa tạo lập được thế ổn định của thị trường tiền tệ sau nhiều năm có những bất ổn của kinh tế vĩ mô thì tỷ giá hối đoái nên tiếp tục ổn định. Bằng chứng của sự ổn định tỉ giá hối đoái là xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao. Cho nên nói rằng cần phải phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, về lý thuyết có vẻ đúng nhưng trong lúc này cần phải lựa chọn ổn định tỷ giá hối đoái. Đương nhiên, ổn định không có nghĩa là cứng nhắc không tăng lên 1%-2% và tỉ lệ đó tùy thuộc các điều kiện thị trường, lạm phát, các dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, lãi suất.

TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia
-------------------------------
Với chủ trương khuyến khích xuất khẩu thì điều chỉnh tỷ giá xuống cũng là hợp lý. Tuy nhiên, phải rất chú ý đến bối cảnh kinh tế Việt Nam là nợ cao, nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị ngày càng nhiều để phục vụ cho phát triển. Trong bối cảnh đó, tỉ giá cao quá sẽ thiệt chứ không có lợi. Dự báo năm 2015, kinh tế có khả năng phục hồi và ổn định hơn nên tỉ giá có thể điều chỉnh trên dưới 2%.

Ts. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế
-------------------------------

Một số người cho rằng thay vì phá giá VND, NHNN chỉ cần hạ lãi suất để hạ chi phí đầu vào cho DN. Theo họ, điều này cũng có tác dụng tương đương như phá giá VND, đồng thời, hạ lãi suất còn có ý nghĩa rất lớn ở chỗ nó "cứu" NHNN khỏi một cuộc khủng hoảng niềm tin khi phải tiến hành phá giá VND, nhất là khi phá giá mạnh hơn 1 điểm phần trăm, là phần hạn mức còn lại mà NHNN có thể dùng đến trong cả năm nay. Một giải pháp xem ra thật đơn giản nhưng hết sức hữu hiệu và thông minh! Nhưng rất tiếc là lập luận trên sai lầm ở chỗ nó đã bỏ qua mối liên hệ giữa lãi suất và tỷ giá, coi hai đại lượng vĩ mô này là độc lập với nhau.