Ẩn số cổ phiếu ngành Blockchain

Theo Thùy Linh/thoibaokinhdoanh.vn

Kế hoạch tăng vốn khủng, thị giá cổ phiếu tăng phi mã, nhưng vẫn có nhiều dấu hỏi xung quanh tính khả thi của chiến lược kinh doanh của công ty cổ phần Đầu tư HVA (mã: HVA).

HVA là cổ phiếu duy nhất chuyên về đầu tư lĩnh vựccông nghệ, Fintech và Blockchain trên thị trường. Nguồn: Internet
HVA là cổ phiếu duy nhất chuyên về đầu tư lĩnh vựccông nghệ, Fintech và Blockchain trên thị trường. Nguồn: Internet

Đầu năm 2018, công ty cổ phần Nông nghiệp xanh Hưng Việt – một doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX với mã chứng khoán HVA đã hoàn tất đổi tên thành công ty cổ phần Đầu tư HVA và thay đổi ngành nghề kinh doanh từ chăn nuôi, trồng trọt sang đầu tư và tư vấn tài chính.

Đồng thời, công ty công bố khai trương cổng thông tin khởi nghiệp và gọi vốn cộng đồng FundGo huy động 1.000 tỷ đồng cho dự án “Cho vay ngang hàng trên nền tảng blockchain” từ ngày 1/1 – 31/1/2018. Mô hình cho vay ngang hàng là mô hình mà người đi vay và người cho vay sẽ được kết nối trực tiếp với nhau.

Cổ phiếu tăng phi mã

Trong tháng 8 vừa qua, cổ phiếu HVA đã gây sốc cho giới đầu tư khi tăng gần 74% từ mức giá 4.200 đồng/cp (phiên 31/7) lên 7.300 đồng/cp (phiên 31/8).

Hiện, sau nhiều phiên điều chỉnh, HVA đang giao dịch tại mức giá 6.300 đồng/cp (phiên 6/9) vẫn đạt mức tăng 50% so với đầu tháng 8, trở thành một trong những cổ phiếu sinh lợi cao nhất thị trường trong hơn một tháng qua.

Đây không phải đợt tăng giá đầu tiên của HVA. Trước đó, từ ngày 11/12/2017 – 11/1/2018, HVA có chuỗi tăng giá ấn tượng từ 2.400 đồng lên 8.600 đồng/cp, khiến lãnh đạo HVA phải gửi công văn đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kiểm tra giao dịch và cảnh báo tới các nhà đầu tư nếu có dấu hiệu thao túng cổ phiếu, nhằm hạn chế những ảnh hưởng không đáng có đến doanh nghiệp.

Thông thường, thị giá cổ phiếu tăng mạnh thường gắn liền với kết quả kinh doanh khả quan, nhưng với trường hợp của HVA lại hoàn toàn trái ngược.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, HVA có kết quả kinh doanh không mấy tích cực khi đạt 15,7 tỷ đồng doanh thu và 6,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 30,8% và 96% so với cùng kỳ 2017.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng Giám đốc HVA, cho biết trong quý II/2018, HVA tiến hành thực hiện các dự án kinh doanh mới, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, dẫn đến lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ.

Theo giới thiệu trên các diễn đàn chứng khoán, hiện nay, HVA là cổ phiếu duy nhất chuyên về đầu tư lĩnh vực công nghệ, Fintech và Blockchain trên thị trường.

Để hấp dẫn nhà đầu tư, lãnh đạo HVA đã đưa ra phương châm hoạt động của doanh nghiệp là tất cả vì quyền lợi của cổ đông, áp dụng triệt để mô hình kinh tế chia sẻ, kết hợp công nghệ 4.0 mang đến lợi nhuận tối đa, chi phí tổi thiểu.

Đồng thời, HVA là cổ phiếu ưu tiên giao dịch thỏa thuận nội bộ giữa các cổ đông hiện hữu, giao dịch trên sàn chỉ để tham chiếu, minh chứng cho tính thanh khoản đạt mức cao.

Cũng theo lời giới thiệu, HĐQT của HVA đều là những tên tuổi lớn trong hệ thống tài chính, ngân hàng. Trong năm 2019, HVA sẽ tăng vốn lên 300 tỷ đồng, chuyển sang sàn HoSE và sẽ trở thành một trong những mã bluechip.

Nhiều ẩn số

Tuy nhiên, lời giới thiệu chỉ là… giới thiệu! Cổ phiếu HVA hiện vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá với mức thanh khoản vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.

Thậm chí, hồi đầu năm, cổ phiếu này còn ở mức giá “trà đá” và giao dịch ảm đạm suốt thời gian dài cho tới đợt tăng giá mạnh mẽ vừa qua.

Hơn nữa, dù rầm rộ triển khai, giới thiệu, HVA vẫn chưa ghi nhận tài sản đáng kể hình thành trong lĩnh vực tài sản số.

Tại Báo cáo tài chính tự lập 6 tháng đầu năm của HVA, khoản mục tiền và tương đương tiền của công ty chỉ còn hơn 441 triệu đồng, tổng tài sản đạt 78,7 tỷ đồng nhưng chủ yếu là đầu tư vào công ty liên kết (chiếm 63%) và khoản phải thu đạt 27,3 tỷ đồng chiếm 34,7% tổng tài sản.

Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, HĐQT công ty đã trình cổ đông phương án chào bán 20 triệu cổ phiếu, với giá chào bán 10.000 đồng/cp, cao hơn 30% so với mức giá đang được giao dịch.

Tổng số tiền thu về dự kiến là 200 tỷ đồng, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng gấp 4,5 lần từ 56,5 tỷ đồng lên 256,5 tỷ đồng.

Đi ngược với kế hoạch tăng vốn khủng là chỉ tiêu kinh doanh giảm mạnh so với năm 2017 và có phần khiêm tốn. Theo đó, doanh thu dự kiến đạt 20 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 31,7% và 71,1% so với thực hiện năm 2017.

Một điểm đáng chú ý khác nữa là trong tháng 8 vừa qua, HĐQT công ty cổ phần Trustpay đã công bố Nghị quyết về việc trở thành cổ đông chiến lược của HVA.

Trustpay đăng ký chào mua công khai 3 triệu cổ phiếu HVA trong thời gian từ 25/8- 1/10/2018, chiếm 53% lượng cổ phiếu đang lưu hành của HVA với giá dự kiến 10.000 đồng/cp.

Ban lãnh đạo HVA đang rất kỳ vọng vào mảng kinh doanh mới, tuy nhiên trên thực tế, ngành công nghiệp cho vay ngang hàng trên nền tảng blockchain (P2P lending) lại mang đến nhiều mối lo cho giới đầu tư khi liên tiếp rơi vào tình cảnh chao đảo, nhiều công ty cho vay bị phá sản.

Phát hành tiền số là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ tại thị trường trong nước, càng rủi ro hơn khi kể từ đầu năm tới nay, nhiều thương vụ phát hành bị nghi ngờ lừa đảo, sự sụp đổ của nền tảng cho vay tiền mã hóa Bitconnect đã tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư.

Như vậy, với bối cảnh hiện tại, HVA có thể lên tầm cao mới, hay chỉ là những pha “làm hàng” rồi lại lao dốc như trước đó?