Ẩn số trên thị trường chứng khoán 2016

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Thị trường nhiều khả năng sẽ có một đợt tăng điểm rõ rệt vào giữa tháng 2 đến tháng 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Báo cáo vĩ mô và TTCK 2016, mà CTCK BSC vừa công bố, qua sử dụng 3 phương pháp: P/E, cổ phiếu trọng số lớn và mô hình hồi quy đa biến, dự báo VN-Index trong năm 2016 dao động từ tiêu cực 565 điểm đến tích cực 650 điểm. Mức điểm này dao động từ giảm 2,4% đến tăng 12,2% so với chỉ số đóng cửa năm 2015.

Dòng tiền khó đột biến

Các yếu tố tác động đến triển vọng TTCK 2016 được BSC đánh giá trên cơ sở phân tích sâu 3 khía cạnh: triển vọng vĩ mô và TTCK toàn cầu, cung và cầu trên TTCK, chính sách TTCK và khả năng thực thi. Cả 3 yếu tố này đều cho thấy TTCK năm 2016 sẽ có nhiều thách thức và ẩn số hơn so với giai đoạn 3 năm trước đó. Kỳ vọng lớn nhất để TTCK Việt Nam diễn biến khả quan hơn so với khu vực là sự đổi mới mạnh mẽ hơn về kinh tế, do năm 2016 là năm diễn ra Đại hội Đảng XII và bầu cử Quốc hội...

Liên quan đến triển vọng vĩ mô và TTCK toàn cầu, năm 2016 được dự báo sẽ là năm khó khăn với TTCK cũng như kinh tế toàn cầu. Các yếu tố rủi ro đến từ suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến xu hướng đầu tư trên TTCK thế giới.

Việt Nam có thể trở thành điểm sáng thu hút đầu tư hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, các cam kết cải cách mạnh mẽ kinh tế trong năm 2016, năm thứ 30 kể từ sau đổi mới năm 1986.

Kinh tế vĩ mô Việt Nam có thể là điểm sáng, khi GDP dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức 6,7% - 6,9% trong năm 2016. Ngoại trừ 2 yếu tố có thể biến động tiêu cực là tỷ giá và lãi suất có thể tăng, các chỉ báo khác như chỉ số giá tiêu dùng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng tín dụng... đều duy trì ổn định. Hoạt động sản xuất kinh doanh được dự báo sẽ mở rộng, kết quả kinh doanh cải thiện, sẽ giúp thị trường ổn định, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới.

Về yếu tố cung cầu trên TTCK 2016, BSC nhìn nhận, dòng tiền trong nước khó có khả năng đột biến, nhất là khi các yếu tố vĩ mô, tâm lý diễn biến không thuận lợi. Trong khi đó dòng tiền từ khối ngoại, số liệu cho thấy rõ xu hướng NĐT nước ngoài đang giao dịch tích cực ở Việt Nam khi vẫn duy trì mua ròng trong điều kiện TTCK toàn cầu khá xấu.

Dù vậy, tốc độ và quy mô mua ròng trong năm 2015 giảm (chỉ hơn 100 triệu USD) cho thấy Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng bởi xu hướng chung rút ròng tiền ra khỏi các TTCK mới nổi sau khi Mỹ tăng lãi suất cơ bản. Mặt khác, cung cổ phiếu sẽ tăng cùng hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa và tăng vốn của các DN niêm yết, nên việc cải thiện dòng tiền cho TTCK trong năm 2016 gặp nhiều thách thức.

Về chính sách TTCK và khả năng thực thi, nối tiếp những đột phá về chính sách trong năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK, phát triển các sản phẩm mới, kích cầu, khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước, chuẩn bị đưa vào vận hành TTCK phái sinh. Đây là những tiền đề quan trọng để nâng hạng TTCK, là yếu tố ảnh hưởng lớn đến diễn biến thị trường năm 2016.

Chiến lược đầu tư nào?

Theo dự báo của BSC, kinh tế Việt Nam tiếp tục bước vào chu kỳ tăng trưởng tốt, tạo nền tảng cho TTCK tăng điểm trong năm 2016. Dù vậy, triển vọng thị trường không được đánh giá cao, bởi năm 2016 sẽ xuất hiện các yếu tố không thuận lợi từ thị trường thế giới, các ẩn số về biến động tỷ giá, lãi suất và dòng tiền đầu tư chứng khoán không có dấu hiệu tăng trưởng.

Thị trường dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngành và nhóm cổ phiếu. Mức độ tăng trưởng thị trường năm 2016 dự báo không nhiều, kèm theo rủi ro lớn hơn. Bởi vậy hoạt động đầu tư cần thận trọng, nên hướng vào các DN cơ bản, quản trị minh bạch và triển vọng nổi bật.

Trong năm 2016, VN-Index được dự báo có sự sụt giảm vào tháng 1 và phục hồi dao động tăng, giảm trong xu hướng tăng điểm đến hết tháng 8, giảm lại vào cuối năm 2016. Thị trường nhiều khả năng sẽ có một đợt tăng điểm rõ rệt vào giữa tháng 2 đến tháng 3 do: các DN công bố kết quả kinh doanh năm 2015 có kiểm toán, dự kiến kết quả kinh doanh quý I/2016; trong mùa ĐHCĐ 2016 sẽ có nhiều DN niêm yết thông qua nội dung mở room cho NĐT nước ngoài; nhân sự Đại hội Đảng XII công bố sẽ giải tỏa tâm lý cho thị trường…

Nghiên cứu của BSC cho thấy, những ngành được đánh giá cao trong năm 2016 nhờ yếu tố chu kỳ, chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài và có lợi thế cạnh tranh tốt nhờ các hiệp định thương mại như: bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm, xây dựng và hạ tầng, cảng biển, công nghệ thông tin, dệt may.

Ngoài ra, những cổ phiếu hết room và được mở room cùng với hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cũng được kỳ vọng là trụ cột dẫn dắt thị trường trong năm 2016.