Áp lực huy động vốn chưa giảm


Lãi suất tiền gửi đã được điều chỉnh tăng theo lãi suất cơ bản mới từ đầu tháng 12, đồng thời Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng. Thế nhưng, áp lực huy động vốn của các ngân hàng không ngừng tăng, nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán.

Lãi suất tiền gửi đã được điều chỉnh tăng theo xu hướng lãi suất cơ bản mới có hiệu lực từ đầu tháng 12, đồng thời Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng. Thế nhưng, trước việc các kênh đầu tư khác liên tục thu hút tiền nhàn rỗi khiến áp lực huy động vốn của ngân hàng không ngừng tăng, nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán.

Việc huy động vốn từ thị trường trở nên khó khăn buộc các ngân hang phải tìm đến thị trường liên ngân hàng, đẩy lãi suất qua đêm và doanh số giao dịch gia tăng.

Theo số liệu thống kê của NHNN, trong tuần lễ (từ ngày 4/12 đến 10/12/2009), doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đạt xấp xỉ 111.842 tỷ đồng và 4,452 tỷ USD (bình quân đạt khoảng 22.368 tỷ đồng và 290 triệu USD mỗi ngày). So với một tuần trước đó, doanh số giao dịch bằng VND tăng 29.077 tỷ đồng, trong khi doanh số giao dịch bằng USD giảm 1,388 tỷ USD. Tổng doanh số giao dịch qua đêm của toàn thị trường tuần qua là 46.418 tỷ đồng, chiếm 42% tổng doanh số giao dịch.

Song do nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao, nên số người vay nhiều hơn số người cho vay. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho biết, hiện các ngân hàng đều phải ở thế phòng thủ và trong tư thế tập trung đảm bảo tốt nhất cho thanh khoản.

Vì vậy, quan hệ cung - cầu vốn trên thị trường liên ngân hàng có nhiều thời điểm bị lệch pha, đồng thời, các giao dịch chủ yếu ở kỳ hạn ngắn (qua đêm, tuần) và hiếm có vốn ở các kỳ hạn 3 tháng trở lên. Chính điều này đã đẩy lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng lên trong những ngày giữa tháng 12. Theo báo cáo của NHNN, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng tuần qua cũng có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn so với tuần trước đó.

Trong đó, lãi suất bình quân của các kỳ hạn ngắn (dưới 3 tháng) có mức tăng khá mạnh, từ 1,14%/năm trở lên; lãi suất bình quân kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng có mức tăng thấp hơn (0,66%/năm và 0,55%/năm). Riêng lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng có mức tăng cao nhất (2,2%/năm).

Lãi suất cho vay thấp nhất là 5,0%/năm; lãi suất cho vay cao nhất là 12%/năm (không tính lãi suất không kỳ hạn). Lãi suất bình quân qua đêm đạt mức 10,05%/năm, tăng 1,83%/năm so với kỳ trước; lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại dao động ở mức từ 10,58%/năm đến 11,31%/năm.

Song theo vị phó tổng giám đốc trên, nhu cầu vốn của các ngân hàng qua thị trường liên ngân hàng hiện không phải để sử dụng cho mục đích tăng trưởng tín dụng, mà chỉ là để hỗ trợ thanh khoản trong ngắn hạn.

Mặt khác, do tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đã đạt ở mức cao, vượt qua mục tiêu kiểm soát nên chủ trương của NHNN là kiểm soát tăng trưởng, vì vậy phát triển tín dụng không còn là ưu tiên đối với các ngân hàng trong tháng 12 này.

Huy động vốn trở nên khó khăn trong 2 tháng cuối năm khiến nhiều người liên tưởng đến việc NHNN sẽ “bơm” tiền qua thị trường mở hỗ trợ các ngân hàng.

Tuy nhiên, trong cuộc họp với các ngân hàng đầu tuần này tại TP.HCM, đại diện NHNN cho biết, sẽ sẵn sàng can thiệp để ổn định thanh khoản của các ngân hàng tạm thời thiếu hụt vốn, nhưng sẽ thanh tra toàn diện những ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi vượt trần cho phép.

Trước đó cũng trong một cuộc gặp gỡ với các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, Thống đốc NHNN khẳng định, NHNN sẽ không đưa thêm tiền lên thị trường liên ngân hàng so với tổng số giao dịch hiện nay là khoảng 7.000 tỷ đồng và tiếp tục giữ nguyên con số này. NHNN đang có chủ trương hạn chế tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát.

Theo số liệu của NHNN, đến nay, huy động vốn toàn nền kinh tế tăng 28%, đây là mức khá cao vì trong năm 2008 dù lãi suất cao hơn, nhưng huy động vốn chỉ tăng 23%.

Theo Thùy Linh
Báo Đầu tư