Áp lực minh bạch báo cáo tài chính

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Cũng phải nói rõ, với công ty chứng khoán, do khối lượng nghiệp vụ quá nhiều, bên cạnh một số vướng mắc khách quan, nên việc minh bạch hơn nữa các vấn đề không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Áp lực minh bạch báo cáo tài chính
Áp lực minh bạch là việc cần phải làm vì nó có lợi toàn bộ thị trường. Nguồn: Internet
Nếu các công ty chứng khoán, với một loạt nghiệp vụ phức tạp giống như một định chế tài chính, lại hạch toán như một công ty sản xuất thuần tuý thì việc đánh giá hoạt động dựa trên báo cáo tài chính sẽ có nhiều thách thức. Dự thảo chế độ kế toán mới được chờ đợi sẽ "dứt điểm" tình trạng kém minh bạch và hạn chế những thủ thuật "lách" trên báo cáo tài chính của công ty chứng khoán.

Trên báo cáo tài chính bán niên 2012 của công ty chứng khoán Tràng An (TAS), công ty đã hạch toán 62 tỷ đồng lãi vay của mình vào phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán. Việc này sẽ giúp cho công ty giảm đi chi phí, qua đó giảm đi áp lực sụt giảm lợi nhuận trong kinh doanh. Theo thuyết minh của TAS thì công ty dự định sẽ phân bổ chi phí lãi vay cho khách hàng gánh chịu nhưng đang gặp khó khăn thu hồi nợ.

Nhìn từ những "con bệnh"

Đây chính là một cách "né" chi phí của TAS mà nếu ai không đọc kỹ báo cáo tài chính và thuyết minh sẽ không thể nắm bắt được. Mà thực tế thì không phải nhà đầu tư hay khách hàng nào cũng có sự am hiểu về tài chính để mà phát hiện. "Độc đáo" hơn nữa là việc TAS nhận thế chấp từ khách hàng ngoài cổ phiếu niêm yết khi giao dịch còn có cổ phiếu chưa niêm yết, quyền mua bất động sản, bất động sản…

Nhưng công ty cũng lại cho biết việc thống kê và đánh giá giá trị của những tài sản này là tương đối khó khăn. Như vậy, người đọc báo cáo tài chính không thể biết chính xác liệu tài sản thế chấp có đủ bù đắp các khoản khách hàng vay của TAS hay không và khả năng công ty sẽ ghi nhận bao nhiêu nợ xấu.

Rủi ro ở đây là tài sản thế chấp này có thanh khoản rất thấp và khó nhận diện khả năng có thể bù đắp thiệt hại nếu không thu hồi được nợ. Nếu có những quy định chặt chẽ hơn được áp dụng thì những khoản mục đáng ngờ này sẽ được làm rõ chứ không có chuyện nhận tài sản thế chấp xong lại nói khó định giá chính xác.

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán SME (SME). SME đã lợi dụng kẽ hở của chế độ kế toán hiện hành để che giấu bản chất thật trong hoạt động kinh doanh. Công ty ghi nhận một khoản doanh thu khác gần 24 tỷ đồng cho 6 tháng đầu năm 2011 nhưng không thuyết minh rõ ràng đây là khoản doanh thu đến từ hoạt động nào, dù khoản mục này chiếm gần 70% tổng doanh thu.

Theo thuyết minh của SME thì doanh du khác là doanh thu đến từ ứng trước tiền bán, doanh thu vốn kinh doanh và doanh thu các dịch vụ… khác. Dịch vụ khác là dịch vụ gì???

Các công ty chứng khoán, chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp cho dự thảo, nhưng có thể thấy rằng từ nay cho đến khi dự thảo chính thức được áp dụng, công ty chứng khoán sẽ phải chuẩn bị ngay từ bây giờ cả về nhân lực lẫn hệ thống để làm quen với sự chặt chẽ hơn.

Kỳ vọng những thay đổi quan trọng

Trên báo cáo tài chính quý I/2013 của các công ty chứng khoán, tại khoản mục tiền, có thể thấy các công ty chứng khoán đã chủ động tách riêng và công bố rõ tiền gửi của khách hàng tại công ty là bao nhiêu, đây có thể là những bước đi tích cực đầu tiên.

Đứng ở góc độ công ty kiểm toán, khối lượng công việc nhiều hơn và cũng sẽ phát sinh nhiều khác biệt kiểm toán, đặc biệt là ở những phần đòi hỏi có sự xét đoán nghề nghiệp như dự phòng giảm giá tài sản tài chính (đối với những cổ phiếu OTC không có thanh khoản thì việc xác định giá thị trường để tính toán giá trị dự phòng không phải đơn giản, kiểm toán viên phải áp dụng các phương pháp định giá cổ phiếu như các công ty chứng khoán thường làm).

Việc xác định nợ xấu của công ty chứng khoán cực kỳ quan trọng để nhà đầu tư chọn mặt gửi vàng, tránh những công ty có quá nhiều nợ xấu dẫn đến chiếm dụng vốn của nhà đầu tư một cách phi pháp. Vì vậy, nên chăng dự thảo cũng quy định công ty chứng khoán phải công bố danh mục cổ phiếu cầm cố, bao gồm khối lượng và giá cổ phiếu.

Căn cứ vào đây, nhà đầu tư sẽ xác định giá trị cổ phiếu cầm cố có khả năng đảm bảo được các khoản nợ cho vay không. Như vậy, nhà đầu tư có thể an tâm mở tài khoản tại những công ty chứng khoán uy tín, khả năng thanh khoản cao. Điều này cũng giúp thị trường tránh được những đợt giải chấp đột ngột do các công ty chứng khoán cho vay quá đà đến khi thị trường giảm phải lập tức bán ra để thu tiền về.

Cũng phải nói rõ, với công ty chứng khoán, do khối lượng nghiệp vụ quá nhiều, bên cạnh một số vướng mắc khách quan, nên việc minh bạch hơn nữa các vấn đề không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng rõ ràng, áp lực minh bạch là việc cần phải làm, vì nó có lợi cho thị trường, cho nhà đầu tư và cho cả chính công ty chứng khoán.