Áp lực tăng lãi suất cho vay?

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mục tiêu giữ được lãi suất cho vay trong năm nay là khả thi, nhưng sang đầu năm 2019, dự báo lãi suất cho vay sẽ bắt đầu tăng lên do cả rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế.

 Mục tiêu giữ được lãi suất cho vay trong năm nay được đánh giá là khả thi. Nguồn: Internet
Mục tiêu giữ được lãi suất cho vay trong năm nay được đánh giá là khả thi. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, lãi suất liên tục tăng, trong nước lạm phát luôn trong “tư thế” sẵn sàng bứt tốc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, thận trọng nhằm “ghìm cương” lạm phát và lãi suất trong tầm mục tiêu đặt ra.

Khó có khả năng tăng trong năm nay

Theo các chuyên gia tài chính, dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng nhưng năm nay đã có sự dịch chuyển đáng kể từ kênh trái phiếu và thị trường chứng khoán.

Vì vậy, trong 3 tháng cuối năm, nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao nhưng sẽ không gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Có thể thấy, trong những tháng đầu năm, thị trường chứng khoán đã hút được lượng vốn lớn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả nhất định trong 6 tháng đầu năm 2018, bất chấp sự biến động của thị trường chứng khoán thế giới.

Trong đó, thị trường cổ phiếu có mức vốn hóa thị trường đạt 3.889 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2017, tương đương 77,7% GDP. Tính chung cả 6 tháng, giá trị giao dịch bình quân của thị trường này vẫn cao, đạt hơn 8.000 tỷ đồng/ phiên, tăng 60% so với bình quân cả năm 2017.

Thị trường trái phiếu hiện có quy mô niêm yết đạt 1.056 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2017 (tương đương 21% GDP). Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên, tăng 19% so với bình quân năm 2017.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng đang có xu hướng giảm xuống, vì vậy mặt bằng lãi suất cho vay khó có dư địa để tăng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định không ngoại trừ lãi suất cho vay tăng hiện nay nếu vẫn tiếp đà tăng trong những tháng cuối năm và trở thành xu hướng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay.

Dưới góc nhìn của một ngân hàng thương mại, tổng giám đốc một nhà băng khẳng định gần đây, các ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động để phục vụ nhu cầu tín dụng vào cuối năm, nhất là cho vay ngắn hạn. Do đó, động thái tăng lãi suất ở một số ngân hàng có thể mang tính chất cục bộ, không tác động nhiều lên lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm.

Nhiều yếu tố rủi ro

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố, nhận định về diễn biến lãi suất thị trường trong thời gian tới, công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá có nhiều yếu tố rủi ro tác động đến chính sách điều hành lãi suất của ngân hàng.

Đó là các rủi ro từ bên ngoài, chính sách tiền tệ ở các nước trên thế giới thắt chặt hơn đang trực tiếp gia tăng chi phí vay mượn trên quy mô toàn cầu sau thập kỷ nới lỏng. Tại Mỹ, từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang (FED) liên tục tăng lãi suất, dự báo trong tháng 9 và 12 có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Trong nước, lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu, áp lực tăng giá chủ yếu đến từ các yếu tố thị trường như giá xăng dầu, lương thực và tỷ giá…

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định chính sách tiền tệ đang được NHNN điều hành một cách linh hoạt, thận trọng đã “ghìm cương” lạm phát, nên sẽ không tác động đến lãi suất cho vay trong năm nay.

Thông tin hoạt động ngân hàng vừa được NHNN công bố cho thấy, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/ năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu VDSC nhận định, áp lực từ lạm phát vẫn tiếp tục được duy trì, tiền đồng mất giá cũng đe dọa chính sách lãi suất thấp của Việt Nam.

Trong khi lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng đồng USD dao động quanh mức 2,8- 4,7%/năm thì lãi suất tiền gửi USD đang được giữ ở mức 0%.

Động thái này của NHNN giúp nâng cao sự hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng và giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, lãi suất tiền gửi VND thường cao hơn tổng lãi suất tiền gửi USD và độ mất giá của VND.

“Điều đó cho thấy rõ áp lực lên lãi suất cho vay bằng tiền đồng”, nhóm nghiên cứu VDSC nhận định.