Áp lực tăng trưởng tín dụng dồn vào cuối năm

Theo Hoàng Việt/baodauthau.vn

Giữa tháng 11 trở lại đây, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Đáng chú ý, hầu hết lãi suất điều chỉnh tăng đối với các kỳ hạn ngắn 12 tháng trở xuống. Giải ngân, cho vay được đẩy nhanh hơn trong khi huy động vốn tăng thấp hơn là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng.

So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu là 18%, 11 tháng đầu năm đã hoàn thành 85% kế hoạch. Nguồn: Internet
So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu là 18%, 11 tháng đầu năm đã hoàn thành 85% kế hoạch. Nguồn: Internet

Tín dụng tháng 11 tăng mạnh

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng đã được đẩy nhanh hơn trong tháng 11/2017. Ước tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 15,3% so với đầu năm. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu là 18%, 11 tháng đầu năm đã hoàn thành 85% kế hoạch.

Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn.

Đáng chú ý, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9%, cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.

Về huy động vốn, tháng 11/2017 tăng trưởng ước tăng 13,5% so với cuối năm 2016. Cùng kỳ năm 2016 tăng trưởng huy động vốn là 16,6%. Như vậy, sau 11 tháng tăng trưởng huy động vốn vẫn thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng.

Sôi động cuộc đua lãi suất huy động

Với diễn biến tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh hơn trong tháng 11 trong khi huy động vốn tăng thấp hơn so với cùng kỳ thì cả nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước và tư nhân đều đã tăng lãi suất huy động.

Lãi suất huy động trên thị trường I tăng nhẹ so với tháng trước, khi một số ngân hàng thương mại lớn là ViettinBank và BIDV điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.

Cụ thể, theo biểu lãi suất mới công bố áp dụng từ ngày 21/11/2017 của BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng tăng 0,5% lên 4,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng 0.4% lên 5.2%/năm. Mức lãi suất cho khoản tiền gửi trên 1 năm khoảng 6.8-6.9%/năm.

Tương tự BIDV, VietinBank cũng tiến hành tăng lãi suất huy động trong kỳ hạn từ nửa năm tới một năm. Với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất áp dụng là 5.8%/năm, tăng khoảng 0.1%-0.3% so với biểu lãi suất cũ. Khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng được trả lãi suất 6.8%/năm, tăng 0.3%. So với thời điểm đầu quý 2/2017, hiện lãi suất huy động tại VietinBank tăng 0.3 - 0.8% tại hầu hết các kỳ hạn lên 4.8-7.0%/năm.

Về phía các ngân hàng cổ phần không có nhà nước chi phối vốn, Sacombank công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ 18/11 với lãi suất cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 2 tháng tăng 0.3% lên 5.3%/năm, kỳ hạn 6-8 tháng tăng 0.2% lên 6.2%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng tăng mạnh 0.4% lên 6.4%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng 0.1% lên 6.9%/năm.

Ngân hàng PVcomBank cũng điều chỉnh tăng 0.5% lãi suất cho tiền gửi 12 tháng và Ngân hàng Bắc Á tăng từ 0.1 - 0.2% cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, động thái tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng của các ngân hàng trong thời gian vừa qua cho thấy các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay vào thời điểm cuối năm. Việc huy động vốn dài hạn tại thời điểm này là rất khó nên các ngân hàng phải tăng huy động nguồn vốn ngắn hạn. Việc huy động vốn ngắn hạn để cho tăng trưởng tín dụng có thể gây tăng tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn và điều này có thể gây rủi ro.

Ông Hiếu nhận cảnh báo, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 là 21% thì trong tháng 12 phải tăng thêm 5,7%, điều này là không thể. Còn so sánh với kế hoạch tăng trưởng tín dụng ban đầu là 18% thì riêng tháng 12 phải tăng thêm 2,7% - mức khá cao và có thể gây ra rủi ro nợ xấu.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, mặc dù tăng trưởng huy động thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung ổn định. Thanh khoản hệ thống được hỗ trợ lớn từ việc ngân hàng Nhà nước mua lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 124 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 86,9%, tăng nhẹ so với mức 85,6% cuối năm 2016.