Áp lực tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Nhiều năm nay, vấn đề tiền mới mệnh giá nhỏ luôn trở thành áp lực nặng nề đối với ngành ngân hàng mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Vòng luẩn quẩn của việc đưa một lượng lớn tiền lẻ mới ra lưu thông trước Tết, sau đó, lại thu về để cất vào trong kho, vẫn tái diễn từ năm này qua năm khác, gây lãng phí rất lớn cho xã hội.

 Áp lực tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm
Vấn đề tiền mới mệnh giá nhỏ luôn trở thành áp lực nặng nề đối với ngành ngân hàng mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Nguồn: internet

Tiền lẻ mới để làm gì?

Dù không phải là dịp chính lễ hội nhưng tại một số đền, chùa nổi tiếng cũng bắt đầu nhộn nhịp du khách thập phương. Theo bước một đoàn khách tới Chùa Hương (Mỹ Ðức, Hà Nội) "trả lễ" cuối năm, thấy các cô, các bà cùng với việc sửa soạn mâm lễ cúng, trên tay ai cũng không thiếu những tệp tiền mới đủ mệnh giá: 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng...

Bà Nguyễn Thị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng gia đình tới làm lễ tạ cuối năm. Xòe những đồng tiền mới trên tay, bà cười tươi "Ðây là tiền con gái tôi đổi từ năm ngoái để dành cho gia đình đi lễ cả năm. Không biết khi đổi có mất thêm tiền không, chứ bây giờ chị mà đổi chỗ mấy người kia, đắt lắm", vừa nói, bà Thủy vừa chỉ những hòm tiền bày dọc hai bên đường dẫn ra bến đò. Dịch vụ đổi tiền ở đây diễn ra công khai, cũng mặc cả, cò kè giữa người mua và người bán không khác như giao dịch các loại hàng hóa thông thường khác.

Tương tự, cảnh đổi tiền lẻ mới vẫn diễn ra tấp nập, phổ biến tại nhiều khu di tích, danh thắng cảnh khác như Chùa Bái Ðính (Ninh Bình), Phủ Giầy (Nam Ðịnh) hay Bia Bà (Hà Nội),... Theo tìm hiểu, tùy thuộc từng mệnh giá, chất lượng tiền sẽ có tỷ lệ thu đổi khác nhau. Thông thường, những loại tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng polime nguyên seri, chưa qua sử dụng hoặc các mệnh giá nhỏ hơn là 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới sẽ được đổi với mức chênh lệch thấp nhất, 10 lấy 9.

Năm nay, tiền mệnh giá 200 đồng dường như vắng bóng tại các điểm thu đổi, nhưng với các loại tiền mệnh giá nhỏ khác như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng nguyên seri, giá mua đặc biệt cao, 10 lấy 7, 10 lấy 8. Thậm chí, tại khu di tích Bia Bà, khách đi lễ còn được một người phụ nữ "gạ" đổi tiền mệnh giá 500 đồng mới tinh, còn nguyên đai nguyên kiện, chưa qua sử dụng với mức chênh lệch cao ngất ngưởng: 10 lấy 5 (nghĩa là để lấy 50 nghìn đồng tiền mới, khách hàng sẽ phải bỏ ra 100 nghìn đồng).

Giám đốc Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Ðức, Hà Nội) Nguyễn Chí Thanh cho biết, toàn khu di tích Hương Sơn có hàng trăm điểm người dân ngồi đổi tiền lẻ, tất cả đều là tự phát, tồn tại từ nhiều năm nay. Chỉ riêng khu vực Ðền Trình đã có khoảng 100 điểm thu đổi. Ðối tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch chủ yếu là người dân địa phương. Tiền lẻ mới thường được người dân sử dụng chủ yếu cho nhu cầu đi lễ. Nhu cầu này lại đồng loạt tăng cao trong một thời điểm, thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4 (tức từ tháng Chạp đến tháng 3), hay còn gọi là mùa lễ hội, đặc biệt tập trung ở miền bắc.

Trong khi đó, nhiều năm trở lại đây, những tờ tiền mệnh giá 200 đồng và 500 đồng dường như đã vắng bóng trong lưu thông. Các bà, các chị đi chợ thường sẽ được người bán "dúi" thêm vài cọng hành, cái kẹo,... thay vì được trả lại 500 đồng tiền thừa. Những hành động mặc nhiên được chấp nhận giữa người bán và người mua, dần trở thành một thói quen, tựu trung xuất phát từ tâm lý không có nhu cầu sử dụng những đồng tiền có mệnh giá quá nhỏ như vậy. Chính tâm lý này của người dân vô hình trung tạo áp lực cho cơ quan phát hành tiền. Bởi khi mùa lễ hội qua đi, người dân ngay lập tức thờ ơ với nhu cầu tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ.

Trong khi đó, các ngân hàng lại đau đầu với việc làm thế nào để đưa lượng tiền mệnh giá nhỏ ấy quay trở lại lưu thông. Chưa kể, việc lo bảo đảm kho quỹ để cất chứa một lượng lớn tiền mệnh giá nhỏ trở về dồn dập dịp sau Tết.

Nỗi khổ gom, cất tiền trong kho

Theo thống kê của Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương, bình quân mỗi năm nơi này thu hút khoảng 1,5 triệu lượt du khách, tập trung nhiều nhất trong ba tháng lễ hội đầu năm. Mặc dù Ban Quản lý cùng với nhà chùa từ nhiều năm nay tăng cường vận động người dân có ý thức hơn trong việc dâng lễ, hạn chế hành vi rải tiền khắp nơi... nhưng sau khi kết thúc mùa lễ hội, lượng tiền lẻ mới ở đây vẫn chiếm số lượng kỷ lục.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, nơi đây thường xuyên có tới hơn 20 người chỉ chuyên làm một nhiệm vụ phân loại tiền. Tiền lẻ nhiều đến nỗi họ phải kiểm đếm, phân loại hằng ngày, và thời gian kéo dài bắt đầu từ mồng 2 Tết Nguyên đán cho đến đầu tháng 4 khi mùa trảy hội kết thúc.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Mỹ Ðức (Hà Nội) Dương Văn Chí, những năm gần đây, lượng tiền mệnh giá nhỏ trong thời gian lễ hội Chùa Hương đưa về Agribank Mỹ Ðức tăng dần. Chỉ trong dịp lễ hội Chùa Hương năm 2013, ngân hàng đã thu được 25.114 bó tiền.

Năm 2011 và 2012 tương ứng là 20.040 bó và 22.131 bó tiền. Có những thời điểm nhà chùa chở về từ ba đến năm xe tiền (mỗi xe chở 20 bao tiền, mỗi bao chứa 20 bó tiền) khiến kho tiền của ngân hàng không thể chứa nổi, phòng bảo vệ không ít lần bất đắc dĩ trở thành chỗ cất giữ tiền khi chưa kịp vận chuyển về Agribank chi nhánh Hà Tây. Và đây cũng chính là một trong những khó khăn của ngân hàng trong vấn đề bảo đảm an toàn kho quỹ.

Phó Giám đốc Agribank Mỹ Ðức Dương Văn Chí cho biết, năm 2013 với khối lượng tiền mệnh giá nhỏ thu được trong thời gian lễ hội Chùa Hương là hơn 25 nghìn bó tiền, chi nhánh đã được Ngân hàng Nhà nước TP. Hà Nội cho nộp kho quỹ một lần với số lượng 13.240 bó tiền. Lượng tiền còn lại tại Agribank chi nhánh Mỹ Ðức đến ngày 15-5 là hơn 11.800 bó tiền (tương đương khoảng 11,6 tỷ đồng). Căn cứ thực tế như vậy, Agribank Mỹ Ðức đã có kiến nghị được nộp tiếp số tiền đã thu trong thời gian lễ hội vào Ngân hàng Nhà nước TP. Hà Nội nhằm bảo đảm an toàn và tránh lãng phí vốn.

Như vậy, bên cạnh áp lực phải đáp ứng đủ nhu cầu tiền lẻ mới cho người dân dịp cuối năm, cơ quan phát hành và các tổ chức tín dụng còn phải đối mặt với áp lực bảo đảm an toàn kho quỹ, cũng như tìm cách để đưa lượng tiền này trở lại lưu thông. Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Ninh Bình Vũ Thị Thúy Tuyết cho biết, tiền mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) chủ yếu chỉ giao dịch mùa lễ hội. Nghĩa là sau khi được chi ra nhiều nhất dịp trước Tết thì chỉ sau Tết (tầm tháng 3, tháng 4) ngân hàng lại thu về một lượng tương ứng.

Lượng tiền mệnh giá nhỏ này gần như không giao dịch, rất khó đưa trở lại lưu thông. Ðơn cử năm 2013, tổng thu loại tiền mệnh giá nhỏ của Ngân hàng Nhà nước Ninh Bình là gần 1.600 bao tiền. Trong khi đó, tổng chi cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn là hơn 300 bao, còn lại hơn 1.200 bao là điều chuyển về trung ương.

Một cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, bản thân ông là người làm trong ngành ngân hàng, hiểu rất rõ quá trình để in ra một đồng tiền, cho dù chỉ là mệnh giá 200 đồng thôi nhưng cũng mất công sức và tốn kém như thế nào, nên khi nhìn thấy những đồng tiền đó được rải khắp các khu vực trong đền, chùa, khu lễ hội... ông không khỏi chạnh lòng. Chi phí in ra một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn so với mệnh giá của chính đồng tiền đó. Không chỉ vậy, công tác kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản các loại tiền này cũng rất tốn kém.

Có thể nói, việc sử dụng tiền mới có mệnh giá nhỏ chưa phù hợp của nhiều người dân tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội... phần nào đã tạo ra những hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian và làm xấu đi hình ảnh của đồng tiền Việt Nam. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng đồng tiền Việt Nam một cách hợp lý, đúng chức năng sẽ góp phần hạn chế những tiêu cực trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra xử lý đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, đền, chùa, lễ hội.

"Chi phí in một tờ tiền mệnh giá 500 đồng hay 5.000 đồng đều mất khoảng 1.500 đồng. Hằng năm vào dịp trước Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước phải tốn hơn 300 tỷ đồng để đưa một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Tuy nhiên, chỉ một phần lượng tiền này được dùng làm phương tiện thanh toán, số còn lại được sử dụng chủ yếu cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng; sau Tết số tiền này lại quay về ngân hàng, rất khó đưa trở lại lưu thông".

Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước