Ba câu hỏi ngỏ cho thị trường vàng

Theo Báo Đầu tư

Từ ngày 10/1, mạng lưới mua bán vàng miếng chính thức được siết lại, theo đó chỉ 31 ngân hàng, doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng.

Ba câu hỏi ngỏ cho thị trường vàng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Không chỉ kinh doanh vàng miếng bị siết lại từ ngày mai, mà có thể trong năm nay, kinh doanh vàng trang sức cũng sẽ bị siết chặt. Việc thiết lập lại trật tự mạng lưới kinh doanh vàng được các chuyên gia và người dân ủng hộ, bởi sự lộn xộn của thị trường vàng nhiều năm qua đã gây khó khăn cho ổn định kinh tế vĩ mô, làm khó nhà điều hành trong hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ.

Sự lộn xộn trong hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua cũng làm gia tăng tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Cũng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bắt đầu từ ngày mai, các tổ chức tín dụng kinh doanh vàng không được giữ trạng thái vàng cuối ngày vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm.

Quy định này không chỉ giúp nhiều ngân hàng tránh được rủi ro như thời gian qua, mà còn hạn chế tình trạng một số ngân hàng lợi dụng kinh doanh vàng để đầu cơ, găm giữ, khiến thị trường vàng sốt nóng, sốt lạnh.

Một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là mạng lưới phân phối vàng miếng bị co hẹp sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân những vùng sâu, vùng xa, nơi chưa cho doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, ở các địa bàn này, các “cánh tay nối dài” của NHNN như ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank... đã sẵn sàng cung ứng vàng cho dân. Hơn nữa, ở những vùng này, thói quen tích trữ của người dân vẫn là vàng nhẫn, chứ chưa phải là vàng miếng.

Có thể nói, sự chuẩn bị kỹ càng của NHNN khiến từ ngày mai, dù hàng ngàn điểm kinh doanh vàng miếng phải đóng cửa, nhưng tâm lý người dân và doanh nghiệp ít xáo động.

Sau Tết Nguyên đán, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới kinh doanh vàng miếng. Dù trật tự thị trường vàng đang dần được lập lại, song vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng với thị trường vàng, nổi lên là ba vấn đề lớn.

Thứ nhất, việc liên thông giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện chưa được giải quyết. Dù NHNN đã nhiều lần khẳng định không quan tâm đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, song rõ ràng, với thói quen giữ vàng như một khoản tiết kiệm của nhiều người, thì việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới 4-5 triệu đồng/lượng, vô hình trung, có thể gây thiệt thòi cho người dân.

Thứ hai, việc co hẹp mạng lưới kinh doanh vàng dễ làm nảy sinh tình trạng biến tướng, kinh doanh ngầm trên thị trường. Hơn nữa, việc siết chặt mạng lưới kinh doanh vàng (tới đây là vàng trang sức) có thể khiến hàng chục ngàn lao động mất việc, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp vàng nữ trang Việt Nam.

Thứ ba, việc mạng lưới kinh doanh vàng miếng bị siết chặt, cộng với quy định gửi vàng vào ngân hàng bị mất phí, có thể khiến người dân khóa chặt hơn tiền trong két. Trong bối cảnh chưa có hướng khai thông nguồn vàng trong dân, thì tình trạng hàng trăm ngàn tấn vàng nằm “chết” ở các gia đình sẽ là sự lãng phí không nhỏ nguồn lực đầu tư.