Ba kịch bản của thị trường chứng khoán cuối năm 2018

Theo Quỳnh Như/TheLeader.vn

Bộ phận Phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, cho dù thị trường chứng khoán đã phục hồi gần đây nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro cao hơn năm 2017.

Từ đầu năm 2018 đến nay, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những biến động mạnh. Nguồn: internet
Từ đầu năm 2018 đến nay, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những biến động mạnh. Nguồn: internet

Từ đầu năm 2018 đến nay, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những biến động mạnh. Nối tiếp đà tăng kéo dài từ cuối năm ngoái, VN-Index tăng liên tục trong quý I và phá vỡ kỷ lục trong lịch sử thị trường khi vượt 1.200 điểm.

Tuy nhiên sau đó chỉ số này đã giảm khoảng 30% trong quý I và rơi về mức 900 điểm, khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới. Đến giữa tháng 7, VN-Index mới phục hồi trở lại và hiện đang ở gần mức 1.000 điểm.

Thị trường chứng khoán có vẻ đã chịu tác động lớn từ những ảnh hưởng của “cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung” nổ ra từ cuối tháng 6. Chỉ số VN-Index đã giảm 3,8% trong giai đoạn từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, trong khi các thị trường khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines (ASEAN-4) tăng trưởng trung bình 7%.

“Các nhà đầu tư của Việt Nam đã phản ứng hơi thái quá về những tác động của sự kiện này”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng phân tích của CTCK Maybank Kim Eng, bình luận trong hội thảo Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2018: Cơ hội có đủ lớn.

Cho dù thị trường đã phục hồi trở lại trong vài tuần gần đây, ông Lâm cho rằng hoạt động đầu tư chứng khoán vẫn tiềm ẩn rủi ro. “Rủi ro trên thị trường năm 2018 vẫn cao hơn 2017”, ông Lâm nói.

Tuy nhiên, rủi ro cao hơn không có nghĩa là không có cơ hội đầu tư. Nếu xem xét mức định giá PE điều chỉnh 5 cổ phiếu có vốn lớn (gồm VinGroup, Vinhomes, Vinamilk, Vietcombank và PVGas), thị trường Việt Nam hiện tại ở mức 14,5 lần, thấp hơn mức trung bình ASEAN-4 là 17 lần.

Trước đó, khi VN-Index ở vùng đỉnh 1.200 điểm, PE của thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng 21,7 lần cao hơn 20% so với các thị trường khu vực, tính trên quy mô toàn thị trường.

Ba kịch bản của thị trường chứng khoán cuối năm 2018  - Ảnh 1Dự báo 3 kịch bản của VN-Index cuối năm 2018. Nguồn: MBKE

Dựa trên các phân tích thị trường, tại hội thảo Bộ phận Phân tích của Maybank KimEng đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index đến cuối năm 2018.

Theo đó, trong kịch bản cơ sở, VN-Index được kỳ vọng có thể kết thúc năm ở mức 1.109 điểm. Điều kiện là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có giải pháp tháo gỡ, cả hai sẽ không đi hết giai đoạn trừng phạt lên 200 tỷ USD như đã tuyên bố.

Trong kịch bản xấu hơn Mỹ và Trung Quốc tiếp tục các hành động trừng phạt thương mại, VN-Index cuối năm có thể sẽ rơi về vùng 820 điểm.

Còn trong kịch bản lạc quan nhất, VN-Index được kỳ vọng có thể lên con số 1.300 điểm vào cuối năm nay.

Người đứng đầu bộ phận phân tích của Maybank Kim Eng nhận định: Dòng tiền trong và ngoài nước đang khá hạn hẹp, khiến độ phân tán của thị trường lớn. Tỷ suất sinh lời 15% trong gần 6 tháng là không hề ấn tượng. Thế nên, lựa chọn loại cổ phiếu nào được xem là chìa khóa quan trọng cho việc đầu tư.

Ông Lâm đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm đến một số ngành như ngân hàng, tiêu dùng, vật liệu xây dựng và bất động sản. Trong đó ngành ngân hàng được kỳ vọng đạt lợi nhuận sau thuế bình quân khoảng 20% (các ngân hàng niêm yết).

Trong khi đó, ngành bất động sản được đánh giá là "năm thị trường của người bán", với kỳ vọng lượng cung hàng của các dự án bất động sản sẽ được hấp thụ hết trong năm 2018 và 2019. Sự phát triển của thị trường bất động sản cũng kéo theo các công ty vật liệu xây dựng tăng trưởng, bên cạnh động lực phát triển cơ sở hạ tầng đang được hỗ trợ của Chính phủ.