Ba "ông lớn" ngân hàng chi phối và việc thực hiện mục tiêu ngành Ngân hàng

TS. Nguyễn Thị Hải Hà

(Tài chính) Cuối năm 2013, tín dụng đã bật tăng ở 3 ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đã góp phần đưa tăng trưởng tín dụng toàn ngành thời điểm 31/12/2013 lên 12,51% so với cuối 2012, vượt mục tiêu đề ra. Tính cả năm, Vietinbank, Vietcombank và BIDV tăng trưởng tín dụng lần lượt là 13,1%; 13,6% và 15,2%, vượt mức bình quân của cả ngành. Có thể nói, các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã thể hiện được vị thế "chèo lái" thị trường.

Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng năm 2013

Nền kinh tế bước vào năm 2013 với rất nhiều khó khăn. Nghị quyết 01/NQ-CP đã xác định mục tiêu tổng quát của năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản... Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 6% - 6,5%...

Với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về lĩnh vực tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do đó, đã xác định ưu tiên của chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2013 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 14-16%, tín dụng khoảng 12%.

Cụ thể, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát hoạt động tín dụng trong phạm vi chỉ tiêu NHNN giao; ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các dự án có hiệu quả; kiểm soát các hoạt động vay vốn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao; tăng trưởng tín dụng ngoại tệ phù hợp với khả năng huy động vốn và chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế; xem xét dành một lượng vốn hợp lý để cho vay đối với các đối tượng mua nhà ở xã hội, doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội; triển khai các chương trình, chính sách tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... Bên cạnh đó, NHNN cũng xác định nhiệm vụ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012.

- Thực tế, NHNN đã nỗ lực nới lỏng CSTT linh hoạt với diễn biến nền kinh tế: giảm trần lãi suất huy động, từ 8% - 7,5% (ngày 26/3/2013), xuống 7%/năm (ngày 28/6/2013) đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng và dỡ trần huy động kỳ hạn trên 12 tháng.

- 3 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên (ngày 26/3/2013, 13/5/2013 và 28/6/2013) xuống còn 9%/năm.

- Điều chỉnh giảm giá VND 1% sau hơn 18 tháng giữ ổn định (ngày 28/6/2013)

- Nới chỉ tiêu tín dụng đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) lành mạnh, có tăng trưởng tín dụng tốt; nới tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu (Nghị định số 54/2013/NĐ-CP): qui định cụ thể điều kiện, mức vay và gia hạn thời gian tín dụng.

- Triển khai gói tín dụng nhà ở

Bên cạnh điều hành giảm mặt bằng lãi suất, giảm nhẹ giá VND, nới tín dụng, để khơi thông luồng tín dụng trong ngắn hạn, lành mạnh hóa hoạt động NHTM trong dài hạn, thời điểm áp dụng thông tư 02 về phân loại nợ mới đã được hoãn đến 1/6/2014 và VAMC đã được thành lập, đi vào hoạt động, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất cho vay đã được kéo xuống từ 3%-5%, ở mức cho vay ngắn hạn bình quân còn 7,5% – 11%/năm và cho vay trung dài hạn là 11-14%/năm; tỷ giá ổn định, tỷ gía chính thức giảm 1% so với năm 2012 và tỷ giá giao dịch luôn trong biên độ, trừ đầu quí 3; tín dụng tăng 12,51% và nợ xấu giảm xuống còn 3,63%...

Có thể nói, điểm tích cực trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2013 không chỉ ở sự hài hòa giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời vẫn duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống NHTM, mà còn ở tính tiên liệu của các định hướng giảm lãi suất, ổn định tỷ giá trong năm.

3 "ông lớn" chi phối và việc thực hiện các mục tiêu ngành ngân hàng năm 2013 

Hệ thống NHTM Việt Nam vào đầu năm 2013 gồm 100 tổ chức, trong đó 3 "ông lớn" có cổ phần chi phối (Vietinbank, Vietcombank và BIDV) chiếm tới 27,6% tổng tài sản, 28,9% tổng huy động và 1/3 tổng cho vay của cả hệ thống.

Số lượng NHTM thời điểm 1/1/2013
Ba "ông lớn" ngân hàng chi phối và việc thực hiện mục tiêu ngành Ngân hàng - Ảnh 1 

Thực hiện các định hướng CSTT và chỉ đạo của NHNN, cả Vietinbank, Vietcombank và BIDV đều dự kiến kế hoạch năm 2013 với các chỉ tiêu khá đặc thù. Tăng trưởng tín dụng ở mức 12% - hạn mức tín dụng cao nhất năm 2013 áp dụng đối với nhóm NHTM loại 1 và nợ xấu ở mức dưới 3%. Lợi nhuận của cả ba ngân hàng đều rất khiêm tốn so với các năm trước. Vietcombank dự kiến đạt 5.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT), tương đương mức 5.764 tỷ năm 2012; Vietinbank dự kiến đạt 8.600 tỷ đồng LNTT, tăng 5% so với 2012; BIDV dự kiến 4720 tỷ đồng LNTT, tăng 9% so với 2012. Với thực trạng thu nhập lãi là nguồn thu chủ yếu của các NHTM, thì mức tăng lợi nhuận dự kiến của cả 3 ngân hàng là khá thấp so với dự kiến tăng trưởng tín dụng 12%, nhất quán với tinh thần chung là giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, tăng cường xử lý nợ xấu đang tăng nhanh ở mỗi ngân hàng.

Thực tế, cho tới 30/6/2013, chỉ BIDV đạt tăng trưởng tín dụng 7,3% (trên ½ chỉ tiêu của cả năm), Vietinbank tăng nhẹ 0,4%, trong khi Vietcombank vẫn tăng trưởng -1,5% cho dù các ngân hàng này đã tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất tương đối thấp. Kết quả tín dụng của cả ba ngân hàng đều không tương xứng với vị thế tương ứng trên thị trường. Trong toàn ngành, mức tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ khối NHTMCP, điển hình là VPB, STB, NVB. Với qui mô tương đối nhỏ, nên mặc dù có NHTMCP tăng tín dụng rất cao, nhưng tín dụng cả ngành đến 20/6 cũng chỉ tăng 3,31%, không tỷ lệ với mục tiêu tín dụng toàn ngành đặt ra cho năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2013, do nợ xấu của VTB và VCB tăng nhanh hơn dư nợ, nên tỷ lệ nợ xấu/dư nợ của hai ngân hàng này tăng nhanh, Vietcombank từ 2,4% cuối 2012 lên 2,8%; Vietinbank từ 1,47% lên 2,2%; riêng BIDV, với dư nợ tăng cao hơn tốc độ tăng nợ xấu, nên tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm từ 2,7% xuống 2,57%; nợ xấu toàn ngành là 4,46%.

Tình hình đã thay đổi trong 6 tháng cuối năm 2013. Tín dụng đã bật tăng ở ba NHTM lớn này, góp phần đưa tăng trưởng tín dụng toàn ngành thời điểm 31/12/2013 lên 12,51% so với cuối 2012, vượt mục tiêu đề ra. Tính cả năm, Vietinbank, Vietcombank và BIDV tăng trưởng tín dụng lần lượt là 13,1%; 13,6% và 15,2%, vượt mức bình quân của cả ngành.

Tại sao có sự đảo ngược tình thế này? Nguồn tăng tín dụng của Vietcombank, Vietinbank và BIDV 6 tháng cuối năm nằm ở đâu?

Xem xét cơ cấu dư nợ của các ngân hàng cho thấy có sự khác biệt lớn giữa các NHTMNN chi phối và NHTMCP.

Đối với Vietcombank, dư nợ hợp tác xã, công ty tư nhân, cho vay cá nhân và cho vay khác thời điểm cuối 2012 chỉ chiếm 50% tổng dư nợ. Cho vay công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, HTX, liên hiệp HTX, hộ kinh doanh, cá nhân, cho vay khác của Vietinbank cuối 2012 cũng vào khoảng 45%. Trong khi đó, tại Ngân hàng Việt nam thịnh vượng, riêng cho vay cá nhân và cho vay khác là 48%, cho vay công ty cổ phần 24%, công ty TNHH là 24,47%, cho vay doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ 3,46%, FDI 0,35%. Đối với Sacombank, riêng cho vay cá nhân chiếm 35%, công ty cổ phần phi nhà nước là 28%, cho vay DNNN chỉ là 1,37%, công ty TNHH nhà nước 3,8%([1]).

Do 6 tháng đầu năm 2013, vốn đầu tư nền kinh tế chủ yếu đến từ khu vực ngoài nhà nước, tăng 9,9% so với 30/6/2012, khu vực nhà nước và khu vực FDI chỉ tăng tương ứng 3,5% và 3,9% trong cùng kỳ nên các ngân hàng có nền khách hàng tập trung vào khu vực nhà nước, khu vực FDI sẽ rất khó tăng trưởng tín dụng. Ngược lại, 6 tháng cuối năm, nguồn vốn đầu tư khu vực nhà nước, FDI đã tăng tốc, kéo cả năm đầu tư khu vực nhà nước tăng 8,4%, nguồn FDI tăng tới 9,9%, nhưng khu vực ngoài nhà nước lại chững lại, và cả năm chỉ tăng 6,6%. Vì thế tín dụng các NHTM nhà nước chi phối đã bật tăng, vượt lên các NHTMCP có nền khách hàng tập trung vào khách hàng cá nhân, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đầu tư nền kinh tế năm 2013 theo các thành phần kinh tế
Đơn vị:  %/cùng kỳ
 
6 tháng đầu năm
cả năm 2013
Khu vực Nhà nước
3,5
8,4
Khu vực ngoài Nhà nước
9,9
6,6
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
3,9
9,9
Tổng đầu tư xã hội
5,9
8
Nguồn: Tổng cục thống kê

Do dư nợ tăng nhanh trong 6 tháng cuối năm, cộng với tăng cường xử lý nợ xấu, nên tỷ lệ nợ xấu của ba ngân hàng đều giảm. Vào thời điểm 31/12/2013, nợ xấu của Vietcombank là 2,6%, Vietinbank là 1% và BIDV là 1,9%. Tỷ lệ dự phòng rủi ro (DPRR)/nợ xấu của Vietinbank và BIDV có cải thiện đáng kể so với 31/12/2012, trong khi tỷ lệ này ở VCB lại giảm. Tuy vậy, vào thời điểm cuối 2013, thì tỷ lệ DPRR bao nợ xấu của Vietcombank vẫn cao nhất trong ba ngân hàng, là 89,7%.
   
    Ba "ông lớn" ngân hàng chi phối và việc thực hiện mục tiêu ngành Ngân hàng - Ảnh 2
  Nguồn: Tính toán từ BCTC của các NHTM

Với các kết quả về tín dụng, nợ xấu, lợi nhuận cuối năm 2013, có thể cho rằng cả Vietcombank, Vietibank và BIDV đều đạt được mục tiêu đề ra, nhưng nếu xét cơ cấu dư nợ, tín dụng của các ngân hàng vẫn chưa thực sự hướng tới các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Tính chung cả ngành, tín dụng vào khu vực nông, lâm, thủy sản thời điểm cuối tháng 11/2013 chỉ đạt 10,56% tổng dư nợ nền kinh tế, được cải thiện chút ít so với mức 9,6% cuối năm 2012, thấp xa so với mức độ đóng góp của khu vực này vào GDP 2013 (18,4%) và % dân số trong cả nước sống ở khu vực nông thôn năm 2013 (67,6%). Tín dụng vào khu vực xây dựng cũng chỉ đạt 9,9%, so với mức 9,3% cuối năm 2012, cho dù các hạn chế đối với cho vay bất động sản đã được tháo gỡ, thêm vào đó là việc triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội từ 1/6/2013.
Cơ cấu dư nợ tín dụng năm 2012-2013
Đơn vị: %
 
Tháng
 12/2012
Tháng
 11/2013
Nông nghiệp, lâm nghiệp
và thuỷ sản
9,6%
10,56%
Công nghiệp và xây dựng
38,6%
38,01%
- Công nghiệp
29,3%
28,10%
- Xây dựng
9,3%
9,91%
Hoạt động Thương mại,
 Vận tải và Viễn thông
23,8%
22,92%
- Thương mại
19,5%
19,13%
- Vận tải và Viễn thông
4,3%
0,38%
Các hoạt động dịch vụ khác
28,0%
28,52%
Tổng
100%
100%
   Nguồn: Tính toán từ số liệu online của NHNN

Đối với hoạt động ngoại hối, cho dù mục tiêu ổn định tỷ giá đã đạt được, nhưng trong năm cũng có thời điểm thị trường căng thẳng, trong khi quan hệ cung – cầu ngoại tệ nền kinh tế được cải thiện. Điều đó có liên quan tới hoạt động ngoại hối của khu vực NHTM nói chung, trong đó Vietcombank, Vietinbank và BIDV cũng là những ngân hàng tên tuổi nhất trong lĩnh vực này.

Nhìn lại năm 2013, Vietcombank, Vietinbank và BIDV đều đạt được những thành tựu quan trọng trong kinh doanh, vượt mục tiêu chính đặt ra trong điều kiện kinh doanh khắc nghiệt. Tuy nhiên, trên góc độ toàn ngành, với vị thế các đầu tầu, chéo lái thị trường, thì ngoài những đóng góp tích cực vẫn còn những mặt hạn chế nhất định trong việc hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu CSTT, cũng như mục tiêu kinh tế xã hội chung của đất nước.

Định hướng CSTT 2014 và việc tăng cường vai trò của 3 NHTMNN chi phối

Nền kinh tế đã có những cải thiện nhất định, nhưng các vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Do đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 gần như không thay đổi so với năm 2013 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Tốc độ tăng GDP dự kiến 5,8%; tốc độ tăng CPI khoảng 7%. 

Thực tế tốc độ phục nền kinh tế chưa rõ ràng, chủ yếu do sức cầu nội địa thấp. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá, con số này chỉ sòn 5,6%, thấp hơn năm 2012 (tương ứng 16% và 6,2%), và bỏ xa sức cầu của những năm trước 2011. Nguyên nhân sâu xa là thu nhập khả dụng của các chủ thể trong nền kinh tế chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, số lượng các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động lớn (60.737 doanh nghiệp năm 2013), trị giá tài sản (bất động sản, vàng, chứng khoán) bấp bênh. Vì vậy, các biện pháp tập trung hỗ trợ nền kinh tế cần phải hướng tới các nút thắt cơ bản này.

Nguồn vốn (chủ yếu vẫn là tín dụng ngân hàng) nên ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn (với 67,6 % dân số cả nước), sản xuất hàng xuất khẩu (mở rộng đầu ra cho các đơn vị sản xuất kinh doanh), doanh nghiệp nhỏ và vừa (nơi tạo ra công ăn việc làm chính cho nền kinh tế), công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Song song với đó, thì cũng rất cần các giải pháp tài chính khuyến khích dân chúng tiêu dùng, các giải pháp tạo cú hích tới thị trường bất động sản. Đi kèm với đó, vấn đề tái cơ cấu, lành mạnh hóa hệ thống các TCTD vì sự ổn định lâu dài, phát triển bền vững cũng là vấn đề cốt lõi.

NHNN do vậy, cũng đã có chỉ thị 01, định hướng việc điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2014, theo đó tổng phương tiện thanh toán dự kiến tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng 12-14%. Tín dụng sẽ hướng tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Vấn đề triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu cũng là một mục tiêu đặt ra cho ngành ngân hàng năm 2014.

Thực tế, NHNN đã nhanh chóng điều chỉnh giảm tiếp mặt bằng lãi suất. Ngày 17/3/2014, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng được điều chỉnh xuống mức 6% năm; lãi suất cho vay ngắn hạn VND với các lĩnh vực ưu tiên xuống 8% năm. Ở những góc độ nhất định, dư địa cho việc hạ lãi suất vừa qua là rất hạn hẹp. CPI tháng 2/2014 so với cùng kỳ là 4,65% và bình quân 2 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ là 5,05%. Song theo chu kỳ, CPI đang ở thời điểm thấp tương đối trong năm và sẽ tăng dần vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất vẫn là cần thiết, không chỉ bởi chủ đích khuyến khích cho vay mà cũng nhằm tác động vào việc sử dụng thu nhập của dân chúng để chi tiêu, cải thiện sức mua nền kinh tế trong điều kiện thanh khoản của hệ thống đã được đảm bảo.

Có thể nói, ở góc độ này, bản thân các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã thể hiện được vị thế chèo lái thị trường, thậm chí đi trước các quyết định giảm lãi suất của NHNN. Vietcombank, Vietinbank, BIDV đã và vẫn tiếp tục áp dụng các gói cho vay tới các khách hàng VIP, khách hàng tốt với lãi suất rất thấp.

Vấn đề là làm thế nào để ba "ông lớn" mở rộng cho vay lãi suất thấp trên diện rộng, lâu dài; phân bổ tín dụng nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên, nhưng khá rủi ro của nền kinh tế, như cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay hộ sản xuất, cá nhân, hay cho vay bất động sản (ngoài gói kích cầu nhà ở xã hội), góp phần thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu của CSTT?

Thứ nhất, tiếp tục duy trì các giới hạn lãi suất khi thanh khoản của các NHTM đã được ổn định. Trong khi, để hỗ trợ khu vực sản xuất, có thể chỉ cần trần lãi suất cho vay; để tăng cường chia sẻ lợi ích giữa các NHTM với nền kinh tế, có thể chỉ cần áp chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra; thì để đồng thời hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh và khuyến khích sử dụng thu nhập cho chi tiêu, tăng cầu nội địa, NHNN nên duy trì cả trần lãi suất huy động và cho vay.

Thứ hai, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt các trần lãi suất trên thị trường. Bản thân Vietcombank, Vietinbank và BIDV đều là các NHTMCP, do vậy, mục tiêu đầu tiên của các ngân hàng này là hoạt động hiệu quả, an toàn. Như các NHTM khác, để thực hiện mục tiêu đề ra, Vietcombank, Vietinbank và BIDV phải lựa chọn các phân khúc thị trường, khách hàng, sản phẩm và các chính sách kinh doanh trong khuôn khổ điều tiết của NHNN và tối ưu với đặc thù của mỗi ngân hàng. Các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhất sẽ được các ngân hàng ưu tiên khách hàng chiến lược, khách hàng mục tiêu của họ.

Để ngân hàng có thể mở rộng cho vay lãi suất thấp thì ngoài yếu tố khách hàng, ngân hàng còn cần huy động được nguồn vốn với lãi suất hợp lý, ít nhất là trong giới hạn trần hiện hành (giới hạn này đã được tính toán đảm bảo chênh lệch đủ để bù đắp chi phí và rủi ro bình quân trên thị trường). Muốn vậy, NHNN cần phải bảo đảm việc tuân thủ triệt để các giới hạn trần lãi suất huy động trong nền kinh tế. Hạn chế tình trạng vượt trần ở một số NHTM nhỏ hơn, gây cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường. Ở góc độ này, cũng cần đẩy nhanh việc tái cấu trúc các NHTM yếu kém, nghiên cứu phân khúc thị trường đốivới các nhóm NHTM có trình độ, qui mô rất khác nhau hiện nay, hướng tới một môi trường kinh doanh lành mạnh trong trung dài hạn.

Thứ ba, có thể xem xét áp dụng các công cụ kinh tế khuyến khích cho vay các lĩnh vực cần ưu tiên, nhưng không thực sự hấp dẫn các NHTM so với các lĩnh vực khác. Trong trong bối cảnh trần lãi suất huy động đã rất thấp, nợ xấu cao, chi phí trích lập DPRR lớn, thực hiện tái cơ cấu, thì khả năng áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn hiện nay hoặc mở rộng diện cho vay lãi suất ưu đãi ngoài khác hàng chiến lược, khách hàng mục tiêu của mỗi ngân hàng là rất khó. Đối với Vietcombank, Vietinbank, BIDV, các gói tín dụng ưu đãi, với lãi suất rất thấp đã được áp dụng, nhưng không có nghĩa các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế là đối tượng thụ hưởng, vì đối với 3 NHTM này, thì NNNT, khách hàng bán lẻ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong danh mục hoạt động của họ. Do vậy, nên có các công cụ động lực và công cụ tạo điều kiện để các NHTM, đặc biệt là ba NHTM lớn này thực hiện phân bổ nguồn tín dụng vào các ưu tiên của nền kinh tế. Một vài công cụ này đã được áp dụng, nhưng chưa thực sự tạo ra hiệu ứng tốt, do tín dụng chưa chảy vào các lĩnh vực mong muốn.

Nên rà soát các qui định này, đặt ra các hạn mức ở mức hợp lý hơn để khuyến khích mọi TCTD, trong đó có Vietcombank, Vietinbank và BIDV có động lực đủ lớn để tích cực tham gia vào các lĩnh vực này, vì 1% dư nợ của họ có thể đã tương ứng chục % dư nợ ở các NHTM nhỏ khác. Ngoài lĩnh vực NNNT, cân nhắc áp dụng cơ chế này với các khu vực ưu tiên khác nếu công tác quản lý là khả thi, chẳng hạn qui định tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn nếu tỷ lệ cho vay DNVVN, hợp tác xã, hộ gia đình... đạt tới một tỷ lệ nhất định.