Ba thách thức quản lý thị trường vàng miếng

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Để tiếp tục quản lý thị trường vàng miếng, ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải đối phó với một thị trường ngầm đầy phức tạp trong thời gian tới.

Ba thách thức quản lý thị trường vàng miếng

Đã hơn một tuần kể từ ngày 10/1/2013, thị trường vàng miếng chính thức được vận hành theo phương thức mới. Giao dịch vàng miếng chỉ được phép diễn ra tại gần 2.500 điểm giao dịch, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trực thuộc 16 công ty và 22 ngân hàng thay vì tại 12.000 điểm giao dịch như trước đây. Đâu là thách thức của mô hình tổ chức thị trường này?

Siết thị trường vàng miếng làm tăng chi phí giao dịch

Theo ghi nhận của các báo, trong những ngày đầu vận hành mô hình tổ chức thị trường này, giá vàng đã bị sụt giảm mạnh khiến mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rớt từ mức 4,5 – 5 triệu đồng/lượng trước đó xuống chỉ còn 2 triệu đồng/lượng. Nhưng sau đó, giá vàng bật tăng trở lại khiến mức chênh lệch quay trở về mức trên 3 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy nhu cầu giữ vàng miếng của người dân chưa có dấu hiệu thay đổi.

Một phản ánh khác rất đáng quan tâm là hiện tượng người dân ở các địa phương gặp khó khăn trong việc tìm các điểm giao dịch vàng. Đa số các ngân hàng chưa có nghiệp vụ về kinh doanh vàng nên họ xin phép mở điểm giao dịch để giữ chỗ thay vì giao dịch thực sự. Do không có nghiệp vụ về vàng nên để tránh vàng giả, các ngân hàng chỉ chấp nhận mua vàng có bao bì mới, loại 1 lượng trở lên. Ngoài ra, các ngân hàng lại làm việc theo giờ hành chính, nghỉ thứ bảy và chủ nhật, khiến cho giao dịch của người dân càng thêm khó khăn.

Có thể thấy việc giới hạn các điểm giao dịch mua bán vàng miếng sẽ làm tăng đáng kể chi phí giao dịch cho cả bên mua và bên bán vàng. Người dân sẽ mất các chi phí tìm kiếm thông tin và chi phí đi lại để tới được địa điểm giao dịch hợp pháp gần nhất, trong khi thói quen “mua đâu bán đó” tại các tiệm vàng trước đây giúp người bán giảm thiểu được chi phí này. Về phía nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng sẽ khó có thể mở rộng các điểm giao dịch tại các địa phương có nhu cầu giao dịch vàng miếng ít do sẽ phải tốn các chi phí đào tạo nhân viên, chi phí hậu cần, tiếp quỹ, giữ vàng, tồn quỹ, v.v. trong khi với các tiệm vàng, việc mua bán vàng miếng chỉ là một hoạt động bên cạnh hoạt động chính là buôn bán và gia công vàng trang sức. Hệ thống các tiệm vàng, vì thế, sẽ đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu khác nhau của người dân về vàng, kể cả các giao dịch nhỏ lẻ một vài chỉ.

Cơ chế giá kém linh động tạo nguy cơ độc quyền

Khi vàng miếng còn được giao dịch tại các cửa hàng vàng, các cửa hàng này có thể theo dõi biến động giá vàng thế giới để quyết định giữ vàng chờ tăng giá hay bán vàng lại cho các công ty vàng tạo lập thị trường (SJC, Doji, Agribank, SBJ v.v.) Hay nói cách khác, các cửa hàng vàng sẽ tham gia thị trường với tư cách vừa là nhà môi giới, vừa là nhà đầu tư. Đây là lý do quan trọng giúp giá vàng trong nước bám được sát với giá vàng thế giới.

Với cơ chế quy định hiện nay, ngoại trừ một số công ty kiến tạo thị trường vàng miếng, các đơn vị khác, đặc biệt là các ngân hàng, tham gia thị trường chỉ với tư cách là bên môi giới. Các đơn vị này khi mua và bán vàng với người dân sẽ phải tìm cách mua và bán lại ngay với các công ty kiến tạo thị trường để cân bằng trạng thái. Để giảm thiểu thua lỗ, các đơn vị kinh doanh vàng sẽ phải duy trì mức chênh lệch giữa giá mua và bán cao hơn đáng kể so với các công ty kiến tạo thị trường. Đó là lý do vì sao giá vàng niêm yết tại các địa điểm giao dịch vàng miếng trong tuần qua lại mỗi nơi một kiểu.

Về lâu dài, đây sẽ là một bất lợi cho những công ty nhỏ. Người dân sẽ có xu hướng tập trung mua, bán tại các công ty kiến tạo thị trường như SJC. Các công ty nhỏ sẽ khó có thể cạnh tranh được với các công ty kiến tạo thị trường. Thị trường vàng miếng, vì thế, sẽ có nguy cơ tập trung vào một số ít các công ty nhà nước được ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ kiến tạo thị trường.

Nguy cơ xuất hiện thị trường ngầm

Sự bất tiện trong việc giao dịch vàng miếng tại các địa phương chính là động cơ thúc đẩy người dân tham gia vào các giao dịch ngầm. Để có thể giao dịch thuận tiện tại các cửa hàng vàng, người dân có thể sẽ quay trở lại với hình thức tiết kiệm sử dụng vàng nhẫn trơn ép trong vỉ để “lách” quy định kiểm soát của ngân hàng Nhà nước. Các hoạt động này nếu diễn ra phổ biến sẽ tạo điều kiện cho việc xuất – nhập vàng lậu ngoài khả năng kiểm soát của ngân hàng Nhà nước.

Về phía các đơn vị kinh doanh vàng miếng, hoạt động kinh doanh vàng tại các tổ chức tín dụng tại các địa phương sẽ ngày càng tốn chi phí khi giao dịch của người dân ngày càng ít đi. Rất có thể sau một thời gian vận hành thay vì mở rộng địa bàn, các công ty và ngân hàng được cấp giấy phép sẽ phải thu hẹp số điểm giao dịch, chỉ một số ít các công ty vàng miếng thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân theo chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước là còn duy trì điểm giao dịch mà thôi. Và như vậy, hoạt động giao dịch vàng miếng tại các địa phương sẽ buộc phải nhường lại trận địa cho các cửa hàng giao dịch vàng truyền thống. Khi đó sẽ xuất hiện các hình thức mua bán vàng miếng ngầm để gom vàng đến cho các công ty mua bán vàng được cấp giấy phép chính thức.

Tất cả những vấn đề nêu trên cho thấy, để tiếp tục quản lý thị trường vàng miếng, ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải đối phó với một thị trường ngầm đầy phức tạp trong thời gian tới.