Bán “chui” cổ phiếu, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị phạt

Hoàng Minh

Một trong những sự kiện “nóng” trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa qua là việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính do bán “chui” cổ phiếu

UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phiếu đối với ông Trịnh Văn Quyết.
UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phiếu đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Đây là một trong những thương vụ lớn nhất về số lượng cổ phiếu (CP) từ trước đến giờ mà một lãnh đạo đứng đầu một doanh nghiệp thực hiện. Ông Trịnh Văn Quyết vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC và đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị  Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.

Ông Trịnh Văn Quyết được biết đến như một trong những người giàu nhất trên TTCK.  Vào cuối tháng 8/2017, với việc CP ROS liên tục tăng điểm cùng với các  CP khác mà ông Quyết nắm giữ như FLC, ART cũng tăng điểm nên giá trị cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch mà ông Quyết nắm giữ trên TTCK vào thời điểm này đã lên hơn 31.000 tỷ đồng, giúp ông Quyết  trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Bán "chui" 57 triệu CP FLC và hơn 13 triệu CP AMD

Ngày 10/11/2017, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1039/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết (địa chỉ: B30 - BT6 khu đô thị Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nguyên nhân Chủ tịch HĐQT FLC bị phạt là do bán “chui” CP FLC.

Theo đó, ông Quyết bị phạt tiền 65 triệu đồng, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3, Điểm g Khoản 4 và Khoản 6 Điều 27 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 1 và Khoản 35 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP. Quyết định xử phạt nếu rõ, nguyên nhân bị phạt là vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã Ck: FLC), bán 57.000.000 CP FLC từ ngày 20/10/2017 đến ngày 24/10/2017, nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc dự kiến giao dịch.

Cũng trong ngày 10/11/2017, UBCKNN ban hành Quyết định số 1038/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã Ck: ROS; địa chỉ: số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam).

Theo đó, ông này bị phạt tiền 130 triệu đồng, căn cứ quy định tại Điểm g Khoản 4 và Khoản 6 Điều 27 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 35 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP. ROS bị phạt vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, tổ chức có liên quan đến Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản AMD Group (mã Ck: AMD) đã bán 13.649.470 CP AMD từ ngày 20/10/2017 đến ngày 24/10/2017, nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh về việc dự kiến giao dịch.

Dấu hỏi trong những phiên bán ‘chui’?

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, những hành vi vi phạm công bố thông tin dạng mua chui, bán lén không thể coi ở mức vi phạm công bố thông tin và xử lý hành chính đơn thuần mà nó đang trở thành một tệ nạn. Trong đó, chủ hành vi cố tình làm sai để trục lợi, lũng đoạn thị trường và coi thường các cơ quan quản lý, do đó cần phải xử lý nghiêm.

Trong sự kiện mua bán chui của ông Trịnh Văn Quyết và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, có một điểm trùng khớp là hai giao dịch “chui” nêu trên đều diễn ra trong cùng một khoảng thời gian “từ ngày 20/10/2017 đến ngày 24/10/2017”.  Trong thời gian từ 20 đến 24/10, đều là những phiên FLC có thanh khoản lên đến hàng chục triệu đơn vị, đỉnh điểm là phiên 23/10 lên đến 48 triệu đơn vị.

Trước khi giao dịch bán “chui” 57 triệu CP FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã hoàn tất việc mua  11 triệu CP FLC từ ngày 15/9/2017 đến ngày 13/1012017. Với việc mua hoàn tất 11 triệu CP FLC, Chủ tịch HĐQT FLC đã sở hữu 155.187.150 CP, tương đương 24,32% tổng số CP có quyền biểu quyết của FLC.

Như vậy, với việc bán “chui” 57 triệu CP FLC từ ngày 20/10/2017 đến ngày 24/10/2017, số CP nắm giữ của ông Trịnh Văn Quyết sẽ giảm xuống còn 98.187.150 CP, tỷ lệ sở hữu CP sẽ giảm mạnh so với con số 24,32% trước đó.

Dư luận đặt câu hỏi là ngày 23/10/2017 (đang trong quãng thời gian ông Quyết bán “chui” CP FLC từ ngày 20/10-24/10/2017), ông Trịnh Văn Quyết đã có thông báo công bố thông tin về việc sẽ mua 37 triệu CP FLC. Thời gian dự kiến giao dịch được công bố là từ ngày 20/11/2017 đến ngày 19/12/2017.

Thông báo này cũng nêu rõ, tỷ lệ dự kiến nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch (37 triệu CP - PV) sẽ là 192.187.150 CP, tương đương 30,12% tổng số CP có quyền biểu quyết của Tập đoàn FLC. Như vậy, con số CP nắm giữ và tỷ lệ sở hữu của ông Quyết đã “bỏ qua” sự xuất hiện của giao dịch bán “chui” 57 triệu CP FLC đã có nêu trong quyết định xử phạt.

Đến thời điểm hiện tại, lý do thực hiện giao dịch “không báo cáo” hiện chưa có thông tin chính thức, tuy nhiên, dư luận đã có không ít những “băn khoăn” về diễn biến này của Chủ tịch HĐQT FLC.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (10/11), CP FLC đóng cửa ở mức giá 6,44 nghìn đồng/CP. Còn trong 3 ngày 20, 23 và 24/10/2017, CP FLC lần lượt đóng cửa ở mức giá 7,35 nghìn đồng/CP, 7,05 nghìn đồng/CP và 7,14 nghìn đồng/CP.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, những hành vi vi phạm công bố thông tin dạng mua chui, bán lén không thể coi ở mức vi phạm công bố thông tin và xử lý hành chính đơn thuần mà nó đang trở thành một tệ nạn. Trong đó, chủ hành vi cố tình làm sai để trục lợi, lũng đoạn thị trường và coi thường các cơ quan quản lý, do đó cần phải xử lý nghiêm.