Bản lĩnh để vượt qua sóng gió

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tuy gặp nhiều sức ép, song với sự kiên định, chính sách tiền tệ (CSTT) đã bước đầu làm nên thành công và nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi, tuy là khá mong manh, nhưng chúng ta có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng đối với nền kinh tế.

Bản lĩnh để vượt qua sóng gió
Chính sách tiền tệ đã bước đầu làm nên thành công và nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi. Nguồn: internet

Vượt qua khó khăn…

Có thể nói, CSTT thời gian qua cũng đã gặt hái khá nhiều thành công, mà thành tích nổi bật là đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong cuộc trao đổi gần đây trên VTV đã khẳng định, trong suốt 18 tháng qua, “chúng ta rất may mắn khi có được một CSTT khá bản lĩnh và tốt đẹp”.

Ông dẫn chứng, vào thời điểm cuối 2011, lạm phát của Việt Nam vào khoảng 18%, ngọai tệ chỉ có 7 tỷ USD, các ngân hàng lớn đều gặp khủng hoảng về thanh khoản, vàng trở thành vấn đề rất lớn trong tổng tài sản của các ngân hàng thương mại và rủi ro của nó cũng rất lớn. Song, suốt 1 năm rưỡi qua, nhờ điều hành của CSTT, lạm phát đã giảm dần và mục tiêu cả năm 2013 ở mức 7% là khá khả thi, dự trữ ngoại tệ hiện cũng tăng gấp 3-4 lần, vàng đã được loại bỏ ra khỏi hệ thống ngân hàng và trở thành một mặt hàng kinh doanh thông thường trên thị trường, tỷ giá hối đoái ổn định và lãi suất giảm rất sâu.

"Tất cả những điều trên cho thấy, CSTT đã thành công một cách kỷ lục trong thời gian qua", vị chuyên gia về tài chính - ngân hàng khẳng định.

Mặc dù, mặt trái của CSTT đó là những hệ quả gây ra như: tổng cầu yếu đi, doanh nghiệp khó khăn. Song, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, “đây là cái giá chúng ta phải trả nếu muốn ổn định nhanh kinh tế vĩ mô”. Ông cũng lý giải về việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, “điều này liên quan đến nhiều vấn đề như: thị trường bất động sản, tổng cầu nội địa và quốc tế đều yếu, nợ xấu…”, và không quên nhấn mạnh đến thành tựu nổi bật nhất của CSTT là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng đồng tình khi cho rằng, “việc chúng ta kéo lạm phát xuống là cái lựa chọn đúng đắn”, tuy nhiên, ông lưu ý đến vấn đề điều hành cần phải hết sức thận trọng. Bởi, “nếu nhìn vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và đầu tư/GDP của Việt Nam thì cũng đáng lo, bởi, nó có liên quan đến nội tại của thị trường tài chính và nội tại của doanh nghiệp và hệ thống tài chính, ví dụ như nợ xấu”.

Trên thực tế, các tổ chức quốc tế đã đánh giá rất cao về ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên 7 bậc trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô.

Tại Hội nghị thường niên Quỹ tiền tệ quốc tế/ Ngân hàng thế giới (IMF/WB) năm 2013 và những đánh giá, khuyến nghị của IMF/WB đối với Việt Nam mới đây, bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực và thành công của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thời gian vừa qua, các Lãnh đạo IMF/WB đều ủng hộ mạnh mẽ những bước đi gần đây của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước trong việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc thành lập công ty quản lý nợ quốc gia (VAMC). 

Liên quan đến nợ xấu và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay, TS. Võ Trí Thành cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2013, mức tăng trưởng tín dụng là 6,4% và chủ yếu là từ tháng 5 trở lại đây. Nếu duy trì như hiện tại, thì mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ là khoảng trên dưới 10% là hoàn toàn có thể đạt được. Còn nếu muốn đạt tới con số 12% thì cần tháo gỡ ách tắc để làm sao dòng tín dụng có thể lưu chuyển bình thường trở lại. Đồng thời, cần phải phối hợp với những chính sách khác và tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Về nguyên nhân “đóng băng” tín dụng hiện nay và mục tiêu 12% khó đạt, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nguyên nhân chính là do nợ xấu, bởi nếu một doanh nghiệp đang có nợ xấu và muốn vay 100 tỷ của ngân hàng, thì ngân hàng đó phải cho doanh nghiệp vay 200 tỷ để trích lập dự phòng rủi ro. “Như vậy là ngân hàng kiếm được 10 tỷ tiền lãi, trả cho người gửi tiền 7 tỷ, họ được 3 tỷ nhưng mất 100 tỷ, vậy thì ngân hàng làm sao dám cho doanh nghiệp có nợ xấu vay?”

Theo các chuyên gia, việc mua lại nợ xấu của VAMC theo giá sổ sách, là để giải quyết nợ xấu theo cách nhanh nhất, nhanh chóng làm sạch bản cân đối tài sản của các ngân hàng và nhanh chóng đẩy tín dụng ra cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Cần kiên định bản lĩnh

IMF/WB mới đây cũng đã khuyến nghị, Việt Nam không nên quá tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. IMF khuyến khích Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách các khu vực kinh tế và nâng cao tính minh bạch nhằm tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

IMF/WB cho rằng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần tiến hành song song với tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, củng cố công tác quản trị điều hành doanh nghiệp. WB/IMF cũng lưu ý rằng, việc xử lý nợ xấu cần có sự ủng hộ tối đa về mặt chính trị để có thể giải quyết nợ xấu trong thời ngắn nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, đồng thời khuyến nghị cần tập trung củng cố bảng cân đối tài sản của các ngân hàng và các tổ chức kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo cấp cao của IMF, Phó Tổng Giám đốc IMF chia sẻ quan điểm cho rằng, Việt Nam là ứng viên sáng giá có thể trở thành nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn tới với điều kiện Việt Nam tiếp tục duy trì các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đẩy nhanh tốc độ cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế. Đây cũng là những ý kiến đánh giá và bài học kinh nghiệm của thế giới mà Việt Nam có thể nghiên cứu học hỏi trong giai đoạn tới.

Theo TS. Võ Trí Thành, bài học lớn nhất cho CSTT của Việt Nam là bài học dám làm, dám chịu trách nhiệm, trước sức ép càng lớn thì chúng ta càng cần phải kiên trì, kiên định với mục tiêu đã đề ra, khi đó, “nhất định đồng thuận, niềm tin sẽ quay trở lại, đây là vấn đề không chỉ trong quá khứ, mà trong cả những năm trước mắt của Việt Nam”, ông khẳng định.

Đồng quan điểm với vị Phó Viện trưởng Viện CIEM, TS. Nghĩa cũng khuyến nghị, “những chính sách chúng ta đặt ra phải được thực thi một cách nghiêm túc, và phải tạo ra được kỷ cương về chính sách, vì đây là vấn đề sống còn của Chính phủ trong tương lai”.