Bàn thêm về điều hành lãi suất đối với thị trường tiền tệ

ThS. NGUYỄN CAO HOÀNG

(Tài chính) Đối với các nền kinh tế phát triển, lãi suất được tự do hóa, ngân hàng trung ương chỉ công bố lãi suất chủ đạo hay lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, đối với nhiều nền kinh tế đang trong quá tình chuyển đổi, ngân hàng trung ương vẫn công bố lãi suất trần hay lãi suất sàn... Thực tế điều hành lãi suất của Việt Nam trong những năm qua để lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý.

Hiệu quả điều hành lãi suất

Ở nước ta, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, do những khó khăn khách quan và chủ quan khác nhau của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bên cạnh việc công bố lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu còn công bố trần lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn, công bố giới hạn lãi suất cho vay tối đa 5 đối tượng ưu tiên (gọi chung là lãi suất điều hành). Đồng thời, NHNN còn phối hợp chặt chẽ giữa công cụ lãi suất với các công cụ khác như: dự trữ bắt buộc, tỷ giá, quản lý thị trường vàng và ngoại tệ... nhằm đạt được mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ, trực tiếp là kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Do sự phát triển nóng của thị trường bất động sản, tăng trưởng tín dụng cao trong nhiều năm, do khó khăn về thanh khoản, lạm phát cao… các ngân hàng thương mại (NHTM) ở nhiều thời điểm đã phải chạy đua tăng lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay. Lãi suất huy động vốn nội tệ vào thời điểm cuối năm 2011 đã tăng lên tới 14%/năm, thậm chí một số NHTMCP còn huy động cao hơn. Lãi suất cho vay năm 2011 cũng tăng lên tới 17 – 18%/ năm, thậm chí tới 21%/năm. Diễn biến đó gây bất lợi nhiều mặt cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp và cho chính các NHTM. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngân hàng, đòi hỏi NHNN cần có biện pháp giảm dần lãi suất, kiềm chế sự gia tăng nóng của vốn tín dụng, trong đó có vốn đầu tư vào bất động, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng và ổn định tỷ giá…

Theo hướng đó, chỉ riêng trong năm 2012, NHNN đã thực hiện tới 6 lần điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành, tiếp đến trong năm 2013 thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm lãi suất. Với phương pháp điều hành chủ động, linh hoạt và mạnh dạn nên lãi suất tiền gửi nội tệ kỳ hạn 12 tháng từ mức 14%/năm vào cuối năm 2011 đến đầu năm 2014 đã giảm xuống còn 8%/năm, trần lãi suất cho vay các đối tượng ưu tiên giảm từ 12%/năm xuống còn 8%/năm.

Để điều chỉnh giảm liên tục các loại lãi suất, đồng thời để đảm bảo lợi ích kinh doanh của các NHTM trong điều kiện huy động vốn kỳ trước với lãi suất cao, vẫn phải trả lãi cao cho người gửi tiền, trong khi lãi suất cho vay giảm… NHNN đã có các biện pháp tạo sự đồng thuận của các NHTM, đặc biệt là các NHTM quy mô lớn, gắn liền với linh hoạt vận hành nghiệp vụ thị trường mở. Do đó, thị trường tiền tệ không bị các cú” sốc”, hoạt động kinh doanh của các NHTM ổn định.

Đợt điều chỉnh lãi suất gần đây nhất là ngày 18/3/2014. NHNN tiếp tục quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành, với mức giảm từ 0,5% đến 1,0% đối với VND và 0% đến 0,25% đối với USD. Ngay sau thời điểm điều chỉnh và cho đến nay, thị trường tiền tệ vẫn ổn định, nguồn tiền gửi của người dân tại các NHTM vẫn gia tăng; giá vàng và giá USD không có biến động, thậm chí giá vàng còn giảm nhẹ, thanh khoản của hầu hết NHTM dồi dào. Nhiều NHTM dành khoản tiền đáng kể đầu tư trên thị trường mở của NHNN, mua trái phiếu chính phủ.

Theo số liệu của NHNN, trong 3 tháng đầu năm 2014, các NHTM đã mua trên 200.000 tỷ đồng giấy tờ có giá trên thị trường mở và khoảng 45.000 tỷ đồng các loại trái phiếu qua đấu thầu. Giao dịch trên thị trường liên ngân hàng sôi động, lãi suất giảm. Thời gian gần đây, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 106.840 tỷ đồng, bình quân khoảng 21.368 tỷ đồng/ngày; bằng USD quy đổi ra VND đạt 103.518 tỷ đồng, bình quân khoảng 20.704 tỷ đồng/ngày.

Lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất bình quân các kỳ hạn từ qua đêm đến 6 tháng giao dịch trong tháng 3/2014 dao động trong khoảng 1,44% - 5,42%/năm với mức giảm từ 0,07 - 0,76%/ năm so với trước đó.

Diễn biến nói trên cho thấy, một mặt hoạt động tín dụng vẫn hết sức khó khăn, sức cầu của nền kinh tế yếu, hàng tồn kho cao, đặc biệt là tồn kho bất động sản, tồn kho sắt thép, xi măng và một số mặt hàng vật liệu xây dựng khác, nên nhu cầu vay vốn hầu như không tăng nhưng mặt khác cũng cho thấy, thanh khoản của các NHTM dồi dào.

Bàn thêm về điều hành lãi suất đối với thị trường tiền tệ - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, NHNN đã dự báo khá sát diễn biến của thị trường cũng như diễn biến kinh tế vĩ mô, từ đó chủ động điều chỉnh lãi suất theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Cụ thể là thời điểm công bố quyết định điều chỉnh lãi suất là ngày 17/3/2014 (có hiệu lực từ 18/4/2014), trước khi Tổng Cục Thống kê công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3/2014 tới hơn 1 tuần. Đến ngày 24/3/2014, chỉ số CPI của tháng 3/2014 được công bố chính thức cho thấy đã giảm 0,44% so với tháng 2/2014, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo của các tổ chức tín dụng (tăng 0,3%). Với kết quả này CPI cả nước tháng 3/2014 chỉ tăng 0,8% so với tháng 12/2013, tăng 4,39% so với tháng 3/2013. Như vậy, về nguyên lý chung, với mặt bằng lãi suất tiền gửi nội tệ của các NHTM cho kỳ hạn 1 năm từ 6-7% thì người gửi tiền vẫn có lãi suất thực dương, có lợi từ 1,6% đến 2,6%/năm.

Môi trường cạnh tranh hoạt động ngân hàng hiện nay vẫn chưa thật sự lành mạnh, chưa thực sự bình đẳng nên cần có công cụ quản lý, điều hành để đảm bảo sự ổn định vĩ mô, đảm bảo quyền lợi người gửi và vay vốn…

Trước thời điểm ngày 17/3/2014, NHNN vẫn thường xuyên công khai phát ra tín hiệu sẽ điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo sự dẫn dắt thị trường. Hầu hết các NHTM đã chủ động giảm các loại lãi suất hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, khi NHNN chính thức công bố giảm lãi suất 50% đến 100% điểm lãi suất điều hành của mình thì các NHTM cũng không bất ngờ, thị trường tiền tệ không có đột biến.

Mặt khác, tiến trình tái cơ cấu các NHTM Việt Nam vẫn diễn ra đúng kế hoạch, tạo sự ổn định hoạt động của các NHTM, tạo lòng tin đối với thị trường. Người dân vẫn tin tưởng gửi tiền tiết kiệm, đầu tư vào tiền gửi tiết kiệm ở tất cả các NHTM tùy theo sự lựa chọn của mỗi người.

Điều hành công cụ lãi suất được phối hợp chặt chẽ với điều hành tỷgiá, quản lý thị trường ngoại tệ và quản lý thị trường vàng, nên thị trường ngoại hối vẫn ổn định. Theo đó, NHNN kiên trì điều hành ổn định tỷ giá VND/USD, nhằm góp phần hạn chế nhập siêu, hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ, tác động tích cực đến vay nợ nước ngoài của Việt Nam. Trên thực tế đã không xảy ra sự dịch chuyển từ kênh tiền gửi nội tệ sang USD và vàng, nâng vị thế VND trên thị trường; trong khi đó đầu tư vào USD và vàng có nhiều rủi ro, hay không đem lại thu nhập thực tế như gửi tiết kiệm nội tệ. Đồng thời, thị trường ngoại tệ ổn định còn tạo điều kiện cho NHNN mua được nhiều tỷUSD trong những tháng đầu năm 2014, góp phần tăng cường quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia, đạt trên 13 tuần nhập khẩu như khuyến cáo của IMF.

Những vấn đề đặt ra

Một câu hỏi được đặt ra là bao giờ NHNN dỡ bỏ quy định trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay 5 đối tượng ưu tiên, hay thực hiện tự do hóa lãi suất?

Nhìn vào bảng lãi suất niêm yết công khai của các NHTM, có thể thấy vẫn có sự chênh lệch đáng kể cả lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay nội tệ giữa các nhóm NHTM khác nhau. Điều đó cho thấy sự đánh giá khách quan về niềm tin, về độ rủi ro… của người gửi tiền, của thị trường vào các NHTM. Trên thực tế, tiến trình tái cơ cấu NHTM Việt Nam mới đạt kết quả bước đầu, tỷ lệ nợ xấu đã giảm, một số NHTM yếu kém đã được thu gọn… nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trên cả góc độ quản lý nhà nước, điều hành chính sách và quản trị kinh doanh ngân hàng. Một số NHTMCP nợ xấu vẫn còn cao, năng lực tài chính hạn chế, nếu hạch toán và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ thì có thể thua lỗ.

Thị trường liên ngân hàng chưa thực sự có niềm tin đối với một số NHTMCP đang tiếp tục phải cơ cấu lại bởi trong giai đoạn khủng hoảng thanh khoản 2010 – 2011, một số NHTMCP đã không trả được các khoản vay liên ngân hàng đúng hạn cho ngân hàng đối tác cho vay. Môi trường cạnh tranh hoạt động ngân hàng hiện nay vẫn chưa thật sự lành mạnh, chưa thực sự bình đẳng nên cần có công cụ quản lý, điều hành để đảm bảo sự ổn định vĩ mô, đảm bảo quyền lợi người gửi và vay vốn…

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Trung Quốc là nền kinh tế mở cửa và hội nhập sớm hơn Việt Nam nhưng đến nay Ngân hàng Trung ương nước này vẫn quy định trần lãi suất tiền gửi và sàn lãi suất cho vay. Điều này giúp Trung Quốc thực hiện mục tiêu quản lý và điều hành chính sách tiền tệ. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế, các điều kiện chưa chín muồi cho tự do hóa lãi suất. Tuy nhiên, trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này, NHNN không quy định trần lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn dưới 12 tháng như trước đây, mà lùi về cho kỳ hạn dưới 6 tháng. Đường cong lãi suất trên thị trường đang được tái lập rất rõ, cụ thể là thời hạn càng dài, lãi suất càng cao.

Thay đổi trong điều hành lãi suất nói trên của NHNN đang tác động tích cực đến cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn tại các NHTM. Nguồn vốn huy động có kỳ hạn từ 12 tháng của các NHTM được gia tăng hơn. Nhiều người lựa chọn gửi kỳ hạn tới 24 và 36 tháng vì dự báo lãi suất sẽ tiếp tục giảm. Lãi suất huy động kỳ hạn dài chênh lệch kỳ hạn ngắn từ 1,6%-2,6%/năm, đường cong lãi suất trở về đúng với bản chất vốn có của nó.

Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế phát triển, như: FED, BOE, BOJ, BOT… vẫn công bố lãi suất chủ đạo của mình, làm định hướng cho thị trường tiền tệ. Tại Việt Nam, lãi suất cơ bản được thiết kế và công bố cách đây hơn 10 năm, song do các nguyên nhân khác nhau không phát huy tác dụng, thì việc NHNN quy định trần lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn dưới 6 tháng là một công cụ điều hành hết sức cần thiết trong điều kiện cụ thể của Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Nhìn về dài hạn, có thể thấy, lãi suất đang trở về mặt bằng cách đây 10 năm. Năm 2004, lãi suất tiền gửi nội tệ cao nhất của một số NHTM trong trước còn ở mức 9,2% - 9,4%/năm. Trong khi đó, hiện nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm của một số NHTMCP quy mô khiêm tốn cũng chỉ ở mức 8,4% - 8,8%/năm, dự báo sẽ tiếp tục giảm 0,2% đến 0,4%/ năm trong nửa cuối tháng 4/2014.

Nhìn về trung hạn càng thấy sự thành công về tính quyết đoán, tính dự báo sát thực tiễn cũng như sự chủ động điều hành dẫn dắt thị trường tiền tệ của NHNN. Lãi suất tiền gửi nội tệ từ mức 14%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng (thậm chí còn cao hơn trong năm 2014) đã giảm tới ½ xuống còn 6-7% qua trên 10 lần điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành của NHNN càng chứng tỏ sự thành công trong thực thi chính sách tiền tệ. Lãi suất giảm mạnh, tình trạng đô la hóa và vàng hóa nền kinh tế bị đẩy lùi, tỷlệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng tăng lên, lạm phát giảm, dự trữ ngoại hối quốc gia tăng tới 2 lần… Đây là minh chứng của nước ta thời gian qua tính nghệ thuật, sự linh hoạt mà còn là cả sự kiên định trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, trong quản lý hoạt động ngân hàng của nước ta thời gian qua.

Thực tế trên cho thấy, trong ngắn hạn, NHNN cần tiếp tục quy định trần lãi suất tiền gửi và giới hạn lãi suất cho vay một số đối tượng ưu tiên nhằm thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN căn cứ vào kết quả của tiến trình tái cơ cấu NHTM, căn cứ vào diễn biến CPI và tăng trưởng tín dụng, nếu với các diễn biến thuận lợi, thì cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015, có thể lùi về chỉ quy định trần lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ dưới 4 hay 5 tháng.

NHNN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa điều hành lãi suất với các công cụ khác của chính sách tiền tệ, đặc biệt là kiên trì ổn định tỷgiá, quản lý chặt chẽ thị trường vàng và ngoại tệ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung giải quyết nợ xấu của hệ thống NHTM. Đây là tiền đề quan trọng cho giảm lãi suất và ổn định thị trường tiền tệ.