Bàn về hiệu quả xử lý nợ xấu ngân hàng

Hoàng Thị Duyên - Đại học Tài chính Quản trị Kinh doanh

Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report thực hiện trong tháng 6/2016, dù các ngân hàng thương mại đều lạc quan về triển vọng kinh doanh trong năm 2016 nhưng dường như “nợ xấu” vẫn là “bóng ma” ám ảnh. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xử lý nợ xấu vẫn sẽ là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành trong thời gian tới. Bài viết đánh giá lại thực trạng nợ xấu ngân hàng thời gian qua và đưa ra một số kiến nghị nhằm kiểm soát hiệu quả đà tăng của nợ xấu, hạn chế những tác động khó lường đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Cần coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm và nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Nguồn: Internet.
Cần coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm và nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Nguồn: Internet.

Nợ xấu ám ảnh hệ thống ngân hàng

Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report thực hiện trong tháng 6/2016 đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam, 100% số ngân hàng phản hồi tỏ ra lạc quan với triển vọng tài chính của ngân hàng mình trong năm 2016, với 41,7% số ngân hàng đánh giá triển vọng rất khả quan và 58,3% đánh giá tương đối khả quan.

Có đến 91,7% số ngân hàng nhận định, ngành ngân hàng năm 2016 sẽ tăng trưởng trên 10%, và chỉ 8,3% cho rằng ngành sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn hơn, dưới 10% trong năm nay. Tuy nhiên, dường như “nợ xấu” vẫn là “bóng ma” ám ảnh hệ thống NHTM khi mà các ngân hàng đều đặt vấn đề quản lý rủi ro lên hàng đầu trong hoạt động điều hành.

Rõ ràng, nợ xấu lâu nay vẫn là bài toán khó giải khi mà hiệu quả xử lý nợ xấu vẫn chưa thực sự cao, bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý và các NHTM. Báo cáo tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận nợ xấu tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi xử lý chưa đi vào thực chất.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 diễn ra hôm 2/8, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến tháng 5/2016 nợ xấu mới chỉ ở mức 2,78%, tức vẫn thấp hơn mức 3% đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, nợ xấu đang có xu hướng nhích lên ở một số tổ chức tín dụng (TCTD).

Hiện nay, NHNN đã chỉ đạo các TCTD có nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án về NHNN. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, dù hiện nay vẫn thấp hơn mục tiêu song đây là số báo cáo trên bảng cân đối, nếu nhìn thực chất tính toán các khoản nợ xấu chưa được xử lý đang nằm ở Công ty Quản lý tài chính của các TCTD (VAMC), cộng với một số khoản tín dụng đã được tái cơ cấu, thì con số nợ xấu cao hơn.

Báo cáo tài chính về hoạt động của nhiều ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2016 vừa được công bố cũng cho thấy, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, bên cạnh những con số về doanh thu, lợi nhuận thì về cơ bản, các NHTM đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng lên chóng mặt trong bảng cân đối tài chính của mình.

VietinBank là ngân hàng có nợ xấu tăng lên 5.366 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 3.000 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 2.795 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank là 0,9%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 0,85% hồi đầu năm. Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 của BIDV, tổng giá trị nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm kết thúc quý II/2016 là gần 13,184 tỷ đồng, tăng hơn 3,000 tỷ đồng so với mức 10,054 tỷ tại thời điểm đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu của BIDV tăng từ 1.68% lên hơn 2% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016. Tại một số NHTM lớn khác, nợ xấu tính theo giá trị tuyệt đối tăng lên trong nửa đầu năm nay, nhưng với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, tỷ lệ nợ xấu không nhiều thay đổi.

Trong khi đó, cập nhật đến thời điểm này, tại khối NHTM cổ phần, mức tăng nợ xấu đột biến thể hiện ở Eximbank, từ mức 1,86% cuối năm 2015 lên tới 5,3% cuối quý II/2016. Con số này tăng đột biến so với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 2% tại thời điểm cuối năm 2015.

Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt từ 182 tỷ đồng lên 2.415 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh từ 802 tỷ đồng lên 1.073 tỷ đồng. Sacombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu là 5.649 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.210 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 đạt 2,83%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm. VIB cũng có tổng nợ xấu là 945 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,84%, giảm so với tỷ lệ 2,07% hồi cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu của NCB tính đến cuối tháng 6 ở mức 2,1%, xuống dưới 3% như mục tiêu đề ra đầu năm 2016…

Hiệu quả xử lý nợ xấu chưa cao

Mới đây, NHNN tiếp tục thể hiện quyết tâm xử lý nợ xấu và coi nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới khi Thống đốc NHNN đã ký ban hành Văn bản số 2588/NHNN-TTGSNH về việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Theo văn bản này, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được yêu cầu phải tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu nhằm đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ).

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đôn đốc thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực và các hình thức khác; kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn. Đặc biệt, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016 gửi NHNN.

Trước đó, ngày 12/4/2016 NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC. Theo đó, VAMC sẽ mua nợ xấu của TCTD theo giá trị thị trường và phải tự xác định nguồn vốn mua nợ.

Cơ chế này trở nên cấp bách hơn khi tái cấu trúc ngân hàng đã bước vào giai đoạn 2, khi trái phiếu hết hạn, các khoản nợ xấu sẽ quay trở lại ngân hàng. Xử lý nợ xấu sẽ là cơ hội để các TCTD có được một bảng cân đối tài sản sạch sẽ hơn; các DN có nợ với ngân hàng và đã được bán sang VAMC có điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng để tiếp tục hoạt động.

Theo thống kê của VAMC tới nay, công ty này đã mua được 24.556 khoản nợ có tổng dư nợ gốc là 244.082 tỷ đồng và giá mua là 208.636 tỷ đồng. VAMC đã phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung và xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ, cơ chế mua bán nợ theo giá thị trường.

Bước đầu đã phân loại, đánh giá, phân tích được thực trạng các khoản nợ xấu đã mua để xác định các biện pháp xử lý nợ phù hợp. Tuy nhiên, với quy định mới, dù cơ chế đã triệt để và thực chất hơn nhưng nhiều ngân hàng vẫn không “mặn mà” bởi với mức bán nợ xấu cho VAMC với mức chiết khấu thấp như trong thời gian qua, nhiều ngân hàng vốn đã không muốn bán (mà thiên về hướng tự xử lý nợ xấu), trong khi với cơ chế mới, mức giá thấp hơn, chiết khấu cao hơn.

Hiện nay, các NHTM cũng tích cực trích lập dự phòng rủi ro, cẩn trọng hơn với các khoản cho vay để hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro là 740 tỷ đồng. Nhưng, chi phí dự phòng rủi ro chiếm mất 661 tỷ đồng, chi phí hoạt động lên tới 1.198 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 79 tỷ đồng.

Hay như với Vietinbank, 6 tháng đầu năm, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng VietinBank bị đội lên tới 3.009 tỷ đồng, trong đó, riêng quý I là 1.567 tỷ đồng… Nếu như các năm trước ngân hàng thường dồn trích lập dự phòng vào cuối năm, khiến lợi nhuận các quý đầu và giữa năm có những con số đẹp, nhưng năm nay, nhiều ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro ngay từ đầu năm để giảm áp lực về sau.

Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả xử lý nợ xấu, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016 trước Quốc hội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. VAMC mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%).

Một số NHTM quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Trong buổi làm việc với VAMC, ngày 24/7/2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng cho rằng hiệu quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn nếu không có cơ chế kiểm soát, quản trị tốt thì có khả năng gia tăng nợ xấu trở lại.

Trong khi đó, một trong những công cụ xử lý nợ xấu là VAMC lại còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, pháp lý, trình độ, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, xử lý nợ xấu hiện nay có thể thay đổi về lượng nhưng không thay đổi căn bản về chất. Xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu “dọn” nợ vào kho, còn khối nợ xấu này có hướng giải quyết như thế nào thì vẫn chưa có lời giải.

Giải pháp xử lý nợ xấu

Trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu ngân hàng luôn là bài toán nan giải. Việc tìm kiếm giải pháp nhằm chặn đà tăng của nợ xấu, giảm thiểu tác động bất lợi của nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế là việc làm cấp bách, “cần làm ngay”. Do vậy, trong thời gian tới cần chú ý nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, cần coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm và nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Trong những năm qua, vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng cũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định “cần chú trọng giải quyết tốt vấn đề xử lý nợ xấu” trong thời gian tới.

Mới đây, tại buổi làm việc với VAMC, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định, nếu coi xử lý nợ xấu là việc của NHNN và VAMC thì xử lý sẽ rất khó khăn, mà đây là trách nhiệm của chung của toàn xã hội. Do vậy, trong thời gian tới, các bộ liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu.

Hai là, Chính phủ định hướng, thời gian tới tiếp tục tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các NHTM yếu kém. Do vậy, NHNN cần đẩy nhanh việc hoàn thiện đề án tái các TCTD giai đoạn 2016-2020 gắn với với việc xử lý nợ xấu và các văn bản liên quan.

Bên cạnh đó, NHNN cần tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 834/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm đề xuất xây dựng Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có các giải pháp về pháp lý, thể chế, phát triển thị trường mua bán nợ, tăng cường phối hợp liên ngành và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VAMC.

Ba là, cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, theo VAMC, rất nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm đến các khoản nợ xấu ngân hàng Việt Nam, tuy nhiên, điều họ lo ngại là Việt Nam vẫn thiếu một môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường mua bán nợ.

Do vậy, trong thời gian tới cần chú trọng việc tháo gỡ các vướng mắc về luật, để khơi thông pháp lý đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, trong đó cần thu hút các tổ chức trong và ngoài nước tham gia nhiều hơn vào quá trình nợ xấu ngân hàng. Việt Nam cũng cần có hệ thống khuôn khổ pháp luật đầy đủ để có thể giải quyết các tranh chấp, phải có cơ chế phá sản và xử lý tài sản thế chấp…

Bốn là, cần siết chặt các nguyên tắc quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng, không kể đó là ngân hàng ở quy mô nào. Thực tế cho thấy, các NHTM đã bước đầu tăng cường đầu tư cho công tác quản trị rủi ro, song kết quả đạt được còn khiêm tốn. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, cần phải ngăn chặn từ gốc các nguyên nhân khiến cho các chuẩn mực quản trị rủi ro bị xem nhẹ hoặc cố tình bỏ qua.

Những trường hợp ngân hàng phân phối lượng vốn lớn cho các DN được xem như “sân sau” là một ví dụ. Rất khó để kiểm chứng mức độ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc về quản trị rủi ro khi ngân hàng và DN như “người một nhà”.        

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, 2016, Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016;

2. Chính phủ, Quyết định số 834/QĐ-TTg ngày 31/05/2013 phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”;

3. Ngân hàng Nhà nước, Quyết định số 618/QĐ-NHNN ngày 12/4/2016 phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty VAMC);

4. Ngân hàng Nhà nước, Văn bản số 2588/NHNN-TTGSNH ngày 13/4/2016 về việc tăng cường kiểm soát chất lượng và xử lý nợ xấu;

5. Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam, 2016, Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín nhất 2016;

6. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, 2016, Nợ xấu ngân hàng “phình” to nửa đầu năm 2016;

7. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, 2012, Nợ xấu của hệ thống ngân hàng - nút thắt của nền kinh tế.