Kinh doanh ngoại tệ: Cơ hội và thách thức

Rủi ro trong kinh doanh ngoại hối tại các NHTM Việt Nam đặc biệt là rủi ro tỷ giá xảy ra khi ngân hàng duy trì trạng thái mở hối đoái với loại ngoại tệ nào đó. Khi tỷ giá của ngoại tệ đó thay đổi bất lợi sẽ dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng. Vì vậy, việc đo lường mức độ rủi ro đối với từng ngoại tệ riêng lẻ và đối với danh mục ngoại tệ là cơ sở để ngân hàng đưa những biện pháp phòng ngừa rủi ro, nhằm giảm bớt thiệt hại.

Số liệu về tỷ giá của các NHTM trong năm 2006 đã chỉ ra rằng, trong số các ngoại tệ chủ yếu mà các NHTM kinh doanh thì đồng USD là đồng tiền có mức độ rủi ro thấp, với hệ số 0,13%, tiếp theo sau là đồng HKD, với độ rủi ro là 0,14%. Đồng AUD là đồng tiền có mức độ rủi ro cao nhất 2,75%.

Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy các ngoại tệ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện thông qua hệ số tương quan của VND với các ngoại tệ. Đồng USD là đồng tiền có hệ số tương quan thấp nhất so với các đồng EUR, JPY, GBP, AUD, CAD… nhưng lại có hệ số tương quan tương đối cao so với đồng HKD, với hệ số 0,81%. Ngược lại, đồng JPY có hệ số tương quan cao với tất cả các đồng tiền, trừ đồng CAD, HKD.

Ngoài ra, sự biến động tỷ giá của đồng USD/GBP phản ánh mối quan hệ tương quan nghịch, tức là hệ số tương quan giữa USD, GBP và VND bằng -0,12. Tức là nếu đồng USD tăng giá thì đồng GBP sẽ giảm giá và ngược lại. Như vậy, thông qua số liệu phân tích hệ số tương quan có thể thấy để giảm bớt những rủi ro trong kinh doanh, ngân hàng cần duy trì trạng thái trường (mua) đối với USD và trạng thái đoản (bán) đối với JPY.

Trong năm 2007, sự biến động tỷ giá cho thấy các hệ số tương quan của đồng VND với các đồng tiền chủ yếu ở mức thấp. Đồng USD vẫn là đồng tiền có hệ số tương quan thấp nhất so với các đồng tiền còn lại, cùng với đồng HKD. Tuy nhiên, đồng USD có hệ số tương quan nghịch với đồng EUR, AUD và đồng SGD.

Điều này cho thấy những biến động tỷ giá giữa các đồng tiền này ngược chiều nhau. Đồng EUR có hệ số tương quan tương đối cao so với các đồng tiền khác, tiếp theo là đồng AUD. Xét về mức độ rủi ro, trong năm 2007, kinh doanh đồng SGD vẫn là đồng tiền có độ rủi ro thấp nhất, tiếp theo là đồng USD. Đồng AUD là đồng tiền có độ rủi ro cao nhất, theo sau là đồng Bạt Thái Lan (THB) với độ rủi ro lần lượt là 3,47% và 3,3%. Tuy nhiên, doanh số mua bán của các đồng tiền này chiếm tỷ trọng nhỏ. Vì vậy, các ngân hàng có thể giảm thiểu những rủi ro khi kinh doanh các đồng tiền này.

Năm 2008, do sự biến động của tỷ giá, hầu hết các đồng tiền biến động lớn, vì vậy, mức độ rủi ro khi kinh doanh ngoại tệ gia tăng. Bằng chứng là độ lệch tiêu chuẩn của đồng EUR tăng gần 324%, đồng JPY tăng hơn 114% lần và đồng USD cũng hơn 283%.

Nguyên nhân những biến động lớn của tỷ giá các đồng tiền là do mức độ tự do hóa các giao dịch vốn tương đối cao, do biến động của các luồng vốn đầu tư, đặc biệt là luồng vốn gián tiếp đã ảnh hưởng mạnh tới cung cầu ngoại tệ và tỷ giá. Trong năm 2008, luồng vốn đầu tư gián tiếp đã liên tục biến động, khiến cho cung cầu ngoại tệ mất cân đối. Luồng vốn này gia tăng đáng kể trong ba tháng đầu năm năm 2008, gây áp lực tăng giá VND.

Sau đó, khi tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, kinh tế trong nước đối mặt với lạm phát, nhập siêu tăng cao thì đồng VND có dấu hiệu giảm giá làm tăng cầu ngoại tệ. Những biến động khó lường của kinh tế và thị trường tài chính thế giới cũng như trong nước đã ảnh hưởng tiêu cực tới cân bằng cung cầu ngoại tệ trong nước và đã tác động lên tỷ giá.

Thời kỳ 2009 - 2010, mức độ rủi ro của các ngoại tệ giảm dần, trừ đồng HKD có mức độ rủi ro gia tăng trong năm 2010. Như vậy, khi xem xét mức độ rủi ro các ngoại tệ mà các NHTM kinh doanh cho thấy, đồng USD là đồng tiền có doanh số mua bán lớn nhất so với các đồng tiền khác lại có độ rủi ro thấp nhất trong các giao dịch của ngân hàng. Đồng EUR, JPY có độ rủi ro tương đối cao. Ngoài ra, các đồng GBP, AUD cũng duy trì hệ số rủi ro lớn.

Bàn về rủi ro trong kinh doanh ngoại hối ở Việt Nam - Ảnh 1

Việc đánh giá rủi ro đối với từng ngoại tệ riêng lẻ tức là xem xét trạng thái mở đối với từng ngoại tệ thì rủi ro ngoại hối bị cường điệu hóa hơn nhiều. Bởi vì sự thay đổi tỷ giá giữa các ngoại tệ có mối quan hệ nghịch. Do đó, lợi nhuận từ việc duy trì trạng thái mở đối với đồng tiền này có thể bù đắp sự thua lỗ do duy trì trạng thái mở đối với đồng tiền kia. Vì vậy, đánh giá rủi ro kinh doanh ngoại tệ cần tính chung cho cả danh mục ngoại tệ.

Nghiên cứu sự biến động của 3 đồng ngoại tệ mạnh USD, EUR, JPY có thể thấy được những tác động của sự thay đổi tỷ giá cũng như những rủi ro khi kinh doanh 3 đồng ngoại tệ này của Vietcombank. Mức độ rủi ro khi kinh doanh 3 đồng ngoại tệ này ở mức cao, đạt 0,466% vào năm 2010. Nguyên nhân dẫn tới gia tăng rủi ro của các đồng tiền mạnh là do năm 2010, tỷ giá các đồng USD, JPY tăng giá. (Có những thời điểm như ngày 9/7/2010, tỷ giá JPY/VND đã tăng khoảng 8% so với thời điểm 31/12/2009). Các yếu tố trên đã tác động đến biến động tỷ giá của Vietcombank, gây ra những rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng này.

Giải pháp giảm thiểu rủi ro

Từ việc đánh giá mức độ rủi ro trên, để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các NHTM cần xây dựng mô hình quản lý dữ liệu tập trung nhằm kiểm soát trực tuyến trạng thái ngoại hối của các chi nhánh, tập trung thống nhất luồng tiền, trạng thái các loại ngoại tệ kinh doanh, trạng thái tài khoản Nostro, dữ liệu khách hàng, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh, hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất có thể.

Thứ hai, các NHTM cần xây dựng mô hình kinh doanh ngoại tệ tập trung, các hoạt động kinh doanh ngoại tệ bán buôn chỉ thực hiện tại các chi nhánh lớn hàng đầu như các Sở giao dịch. Các chi nhánh khác chỉ thực hiện nghiệp vụ thu đổi ngoại tệ, kinh doanh bán lẻ tức là chỉ thực hiện mua bán ngoại tệ với số lượng hạn chế nhất định.

Thứ ba, việc xây dựng mô hình quản lý phân cấp rõ ràng giữa các bộ phận thực hiện giao dịch trực tiếp và bộ phận quản lý rủi ro. Xây dựng mô hình kinh doanh ngoại tệ gồm ba bộ phận là bộ phận trực tiếp thực hiện giao dịch (Front Office), bộ phận kiểm soát và quản lý rủi ro (Middle Office) và bộ phận xử lý giao dịch (Back Office). Sự độc lập giữa bộ phận thực hiện giao dịch và bộ phận quản lý rủi ro sẽ làm giảm bớt rủi ro do nguyên nhân chủ quan của cán bộ trực tiếp giao dịch ngoại hối.

Thứ tư, các NHTM phải thường xuyên xây dựng các báo cáo đánh giá về tình hình hoạt động kinh doanh của các đối tác chiến lược, khách hàng chủ đạo, các đối thủ cạnh tranh để làm căn cứ cho việc thực hiện các giao dịch kinh doanh ngoại hối tránh rủi ro trong thanh toán.

Thứ năm, xây dựng quy trình kinh doanh ngoại hối bài bản, cho phép quản lý rủi ro trong các giao dịch kinh doanh ngoại tệ.

Thứ sáu, các NHTM cần xây dựng hệ thống các hạn mức và các báo cáo phân tích ngoại hối như hạn mức giao trong ngày, hạn chức trạng thái qua đêm, hạn mức đối với các trạng thái ứng với các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần... 1 tháng, 2 tháng, hạn mức giao dịch của khách hàng, hạn mức điểm dừng lỗ… nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo thường niên, Ngân hàng Nhà nước (2006-2010);

2. Báo cáo thường niên NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (2006-2010);

3. Báo cáo thường niên NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (2006-2010).

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 – 2013

Bàn về rủi ro trong kinh doanh ngoại hối ở Việt Nam

ThS. HÀ ANH DŨNG - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Tài chính) Kinh doanh ngoại tệ ngày càng có vị thế quan trọng trong hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại tệ chứa đựng nhiều rủi ro. Vì vậy, việc đo lường, tính toán để đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh của các ngân hàng là rất quan trọng.

Xem thêm

Video nổi bật