Báo cáo kết quả kinh doanh sai sót: Nhà đầu tư tự chịu?

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Thông tin về kết quả kinh doanh có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp doanh nghiệp phải đính chính lại số liệu chỉ vì những lỗi sai sót không đáng có như đánh máy sai hay nhập số liệu sai khiến người chịu thiệt cuối cùng là nhà đầu tư.

Nhà đầu tư phải tỉnh táo và tự kiểm tra sự chính xác của thông tin. Nguồn: internet
Nhà đầu tư phải tỉnh táo và tự kiểm tra sự chính xác của thông tin. Nguồn: internet
Báo cáo tài chính là công cụ phản ánh kết quả kinh doanh, thay đổi tài sản hay dòng tiền của doanh nghiệp qua một thời kỳ nhất định. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp niêm yết phải nộp báo cáo tài chính tới hai đơn vị quản lý thị trường là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) theo quý, đi kèm số liệu lũy kế từ đầu niên độ tài chính.

Tất nhiên, không phải lúc nào biến động giá cổ phiếu cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kết quả kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ liên tục nhưng cổ phiếu vẫn tăng trần ầm ầm trong khi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan nhưng cổ phiếu vẫn "giậm chân tại chỗ".

Tuy vậy, đa số trường hợp, một kết quả kinh doanh khả quan có thể khiến cổ phiếu tăng mạnh và ngược lại, kết quả bết bát sẽ khiến cổ phiếu lao dốc.

Báo cáo tài chính quan trọng như vậy, nhưng nhiều trường hợp, chỉ vài ngày sau khi nộp báo cáo tài chính, nhiều doanh nghiệp lại ngay lập tức đính chính với những lý do sai sót đánh máy, hay sai sót nhập liệu.

Trong mùa báo cáo tài chính quý IV/2013, câu chuyện đính chính không phải hiếm. Rất may, những đính chính năm nay đều theo chiều hướng tích cực hơn. Đơn cử như Kinh Bắc (mã KBC), do lỗi đánh máy, lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 tăng thêm gần 60 tỷ đồng lên 198 tỷ đồng.

Tại Bảo Việt, dù kết quả lợi nhuận không thay đổi, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động ngân hàng trong quý IV đã có sự thay đổi lớn từ âm gần 260 tỷ đồng sang lãi hơn 140 tỷ đồng. Nguyên nhân do sai sót trong quá trình nhập số liệu.

Cùng nguyên nhân này, khoản lỗ của Thủy sản An Giang (Agifish - Mã AGF) trong quý IV/2013 đã giảm hơn 3,5 tỷ đồng, từ 16,7 tỷ đồng xuống còn hơn 13 tỷ đồng. Đáng chú ý là dù có sự thay đổi trong kết quả kinh doanh quý IV, nhưng kết quả lũy kế cả năm của cả Kinh Bắc và Agifish đều không thay đổi. Như vậy, sự sai sót này cũng cho thấy việc tính toán sai trong các báo cáo tài chính trước đó.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HSX cho biết, với trách nhiệm là đơn vị giám sát, Sở ưu tiên công bố báo cáo tài chính trước, rồi soát xét lại sau. Trong quá trình soát xét lại, nếu doanh nghiệp có sai sót, Sở sẽ có yêu cầu đính chính lại.
 
Tuy nhiên, việc công bố thông tin trước rồi yêu cầu giải trình sau, trong trường hợp xảy ra sai sót, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư.
 
Về vấn đề này, bà Đào cho biết, theo quy định về công bố thông tin, doanh nghiệp sẽ đồng thời công bố trên website của chính doanh nghiệp cũng như của Sở. Do đó, dù Sở có không đăng tải, thì trên website của chính công ty cũng có thông tin và nhà đầu tư đều biết.

"Theo quy định, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, chính xác". Vì vậy, ngoài trách nhiệm từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng phải tỉnh táo và tự kiểm tra thông tin này có chính xác hay không, bà Đào khuyên.