Bao giờ có quỹ ETF nội địa tại Việt Nam?

Theo Vneconomy

Với dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của quỹ hoán đổi (ETF), lần đầu tiên ETF chính thức được thừa nhận tại Việt Nam.

Theo TSKH. Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với cơ quan quản lý thì điều quan trọng là hoàn thành hành lang pháp lý đủ chi tiết, đủ thận trọng và đủ khả năng giám sát để triển khai sản phẩm ETF.

Xây dựng một Thông tư riêng cho quỹ ETF tại Việt Nam, thay vì chỉ một chương như dự tính trước đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng gì vào ETF, thưa ông?

Việc ra đời quỹ ETF tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Với cơ quan quản lý thì điều quan trọng là hoàn thành hàng lang pháp lý đủ chi tiết, đủ thận trọng và đủ khả năng giám sát để triển khai sản phẩm.

Trong bối cảnh hiện nay khi mà nguồn vốn trong nội địa đang kém, chúng ta đang cần thu hút vốn nước ngoài, nếu có ETF sẽ hút thêm được nhà đầu tư nước ngoài tham gia, mà không phá vỡ tỷ lệ sở hữu.

Khi nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ thì không hạn chế về tỷ lệ sở hữu, nhưng khi nhà đầu tư nước ngoài nhận lại danh mục cơ cấu (khi giao dịch trên thị trường sơ cấp), thì sẽ bị hạn chế. Bởi khi vượt quá tỷ lệ sở hữu 49% đối với nước ngoài thì hệ thống sẽ bán và thanh toán phần chênh lệch này bằng tiền cho nhà đầu tư.

Bởi vậy, ETF vừa giúp tăng thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, vừa kiểm soát được tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vậy sớm nhất là bao giờ có quỹ ETF nội địa tại Việt Nam?

Thực ra chúng ta đang ở giai đoạn dự thảo quy định. Cùng song hành với xây dựng dự thảo, các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký (VSD) đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng rất tích cực. Đối tượng mà ETF muốn hướng đến là rất rõ, bao gồm cả: nhà đầu tư cá nhân, các định chế trung gian, các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, các sở giao dịch chứng khoán, VSD.

Như vậy, hầu như tất cả thành viên chủ chốt cho thị trường chứng khoán đều có thể tham gia vào hoạt động của ETF.

Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Nhật Bản cho thấy sản phẩm này có tác động tích cực đối với thị trường thứ cấp: đặc biệt là tăng tính hấp dẫn cho thị trường. Ngoài ra, có những tác động hữu hiệu nhất định có thể phục vụ cho các hoạt động như: xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, thậm chí dùng để ngăn ngừa khủng hoảng như một số nước đã từng sử dụng để triển khai.

Đối với xử lý nợ xấu và sở hữu chéo, vai trò của ETF là gì, thưa ông?

Theo kinh nghiệm từ Nhật Bản, Chính phủ nước này đã sử dụng quỹ ETF và quỹ REIT (quỹ đầu tư bất động sản) để xử lý nợ xấu và sở hữu chéo trong khối ngân hàng. Vào những năm 2002-2003, hệ thống các ngân hàng của Nhật Bản nắm giữ một lượng khá lớn chứng khoán: gồm các chứng khoán thuộc các công ty có liên quan của các chủ nợ (sở hữu chéo) và do thị trường chứng khoán tại Nhật bản thời điểm đó xuống, giá trị tài sản xuống thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến bản cân đối kế toán của ngân hàng (do trích lập dự phòng rủi ro thanh toán và đầu tư nhiều hơn, đồng thời giá trị tài sản/mức vốn hóa của các tổ chức này cũng giảm mạnh), làm tăng nợ xấu nói chung trong toàn bộ hệ thống.

Để xử lý tình trạng này, sản phẩm ETF và REITS là hai công cụ hỗ trợ trong nghiệp vụ chứng khoán hóa, cùng với các giải pháp định chế khác mà Chính phủ Nhật đã đưa ra. Sản phẩm ETF dựa trên cơ chế hoán đổi, chuyển toàn bộ danh mục tài sản cơ cấu từ các ngân hàng sang các quỹ ETF, đồng thời các ngân hàng đó sẽ nhận lại các lô đơn vị ETF.

Như vậy, ngân hàng đưa một danh mục có nhiều tài sản hiện có (bao gồm cả các chứng khoán của người có liên quan phát hành) chuyển vào quỹ, mà không nhất thiết phải bán toàn bộ tài sản thế chấp trên thị trường. Thay vì một danh mục đầu tư 3-5 chứng khoán, thì nay họ chỉ nắm giữ duy nhất lô chứng chỉ quỹ ETF, loại bỏ tình trạng sở hữu chéo.

Vì đây là giao dịch giữa hàng đổi hàng, nên không gây áp lực giảm giá trên thị trường chứng khoán, và cũng không gây diễn biến xấu trên thị trường chứng khoán nên cải thiện được nợ xấu.

Hơn nữa, khi tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, giá của các tài sản trên thị trường chứng khoán và các thị trường khác lên cao thì cũng góp phần giảm nợ xấu, đặc biệt tại chính các tổ chức tài chính có danh mục đó.

Việc sử dụng quỹ ETF và REIT từ đó cũng sẽ giúp sớm cải thiện hệ số an toàn tài chính của các tổ chức tài chính, bảng cân đối kế toán, làm tăng giá trị trên bản này, qua đó các hoạt động trên thị trường cũng ít bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, những hiệu ứng tích cực về xử lý nợ xấu và sở hữu chéo đã từng ghi nhận được tại thị trường chứng khoán và nền kinh tế Nhật bản chưa chắc đã lặp lại tại Việt Nam, do điều này phụ thuộc rất nhiều vào cơ cấu tài sản bảo đảm cho các khoản nợ (xấu), cũng như cổ phiếu thuộc dạng sở hữu chéo đã niêm yết chưa và có nằm trong danh mục cơ cấu hay không.

Ngoài các hiệu ứng liên quan tới các vấn đề vĩ mô nêu trên, quỹ ETF đã từng là một công cụ chính mà chính quyền Hồng Kông đã sử dụng tới và đã thành công trong việc ngăn ngừa sự lan tỏa của khủng hoảng tài chính khu vực châu Á năm 1997 (quỹ Tracker Fund TraHK).

Đây là bài học kinh nghiệm đáng quý mà nhiều nước sau đó đã nghiên cứu để sử dụng khi cần thiết.

Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của ETF đối với thị trường chứng khoán Việt Nam?

Hiện nay, đã có quỹ ETF hoạt động tại Việt Nam, nhưng do các tổ chức nước ngoài quản lý. Họ sử dụng danh mục cơ cấu của Việt Nam, nhưng xây dựng trên bộ chỉ số họ tự tính toán, chứ không theo bộ chỉ số của Việt Nam.

Khi quỹ ETF nội địa ra đời sẽ cạnh tranh tốt với các quỹ ETF nước ngoài đang hoạt động, bởi với quỹ nội địa sẽ được hưởng lợi từ khung pháp lý và hệ thống giao dịch hoán đổi có cho phép giao dịch song hành (arbitrage), mà quỹ ở nước ngoài không có cơ hội này. Vì vậy, tính hiệu quả của quỹ nội có thể sẽ cao hơn.