Bất chấp cảnh báo, cuộc đua phát hành trái phiếu lại bắt đầu

Theo Hoàng Anh/tinnhanhchungkhoan.vn

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn nở rộ trong thời gian qua. Dù có những cảnh báo, nhưng cuộc đua này lại bắt đầu, nhiều khả năng sẽ sôi động hơn ở giai đoạn cuối năm.

Bất chấp cảnh báo, cuộc đua phát hành trái phiếu lại bắt đầu.
Bất chấp cảnh báo, cuộc đua phát hành trái phiếu lại bắt đầu.

Đa dạng phương án phát hành

Sau thành công của đợt phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu trong quý II/2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) cho biết, dự kiến cuối tháng 10/2019, Công ty sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền chuyển đổi sang cổ phiếu.

Khác với đợt phát hành trái phiếu không có quyền chuyển đổi, kỳ hạn 15 tháng và lãi suất 10%/năm trước đó, ở đợt phát hành sắp tới, HDG đang đàm phán với đối tác về phương án phát hành trái phiếu linh hoạt hơn, với 3 kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng; dự kiến giá chuyển đổi sang cổ phiếu là 44.000 đồng/cổ phiếu (mức giá hiện tại của cổ phiếu HDG là hơn 36.000 đồng/cổ phiếu) và mức lãi suất trái phiếu là 6%/năm.

Việc phát hành trái phiếu trong năm 2019 của HDG có thể sẽ làm tăng chi phí tài chính, tuy nhiên, theo chia sẻ từ lãnh đạo HDG, các mảng hoạt động vẫn duy trì biên lợi nhuận gộp như trước và Công ty dự kiến đạt lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng trong năm nay.

Trong khi nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án phát hành trái phiếu tính theo lãi suất bằng VND, thì Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) lựa chọn phương án phát hành trái phiếu quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Tín, thành viên Hội đồng quản trị DIG cho biết, Tổng công ty đang thực hiện các thủ tục, cũng như đàm phán với các đối tác để phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị 100 triệu USD. Nếu suôn sẻ, việc phát hành sẽ được hoàn tất trong quý IV/2019, lượng trái phiếu này có lãi suất tối đa 5%/năm và kỳ hạn từ 3 - 5 năm.

Lãnh đạo DIG cho hay, nguồn vốn huy động từ trái phiếu quốc tế sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án như Tổ hợp du lịch DIC Star Vũng Tàu, Khu du lịch An Hải, Khu công viên văn hóa đô thị mới Bàu Trũng, Sân golf và khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm DIC.

Trả lời câu hỏi tại sao doanh nghiệp không lựa chọn phương án phát hành cổ phiếu, lãnh đạo DIG chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, nếu Tổng công ty chọn phương án huy động vốn cổ phần có thể sẽ gây áp lực cho các cổ đông.

Thay vào đó, doanh nghiệp quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính. Thực tế, tại mỗi thời điểm, doanh nghiệp cần huy động vốn từ các nguồn khác nhau, phù hợp với tình hình thị trường và nội tại doanh nghiệp.

Ở thời điểm này, DIG đang có dư nợ vay khá thấp, nên lựa chọn phương án vay thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ phù hợp hơn.

“Năm 2019, kế hoạch vốn đầu tư của DIG là 3.780 tỷ đồng. Trong đó, DIG sẽ giải ngân khoảng 1.850 tỷ đồng vào việc triển khai đầu tư, thi công hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất tại các dự án Khu đô thị du lịch Long Tân, Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu và Khu dân cư thương mại Vị Thanh, Hậu Giang”, ông Tín nói.

Tại Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG), doanh nghiệp này đang triển khai kế hoạch phát hành 900.000 trái phiếu chuyển đổi.

Theo kế hoạch, trái phiếu có mệnh giá 1 triệu đồng, kỳ hạn 3 năm, không có tài sản bảo đảm, không được mua lại trước hạn, lãi suất cố định 5%/năm.

Sau 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành, trái chủ được quyền chuyển đổi tối đa 50% số lượng trái phiếu sở hữu sang cổ phiếu và chuyển đổi 50% trái phiếu còn lại trong kỳ chuyển đổi tiếp theo (1 năm sau kỳ chuyển đổi đầu tiên). Giá chuyển đổi dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tập đoàn Vingroup cho biết, Tập đoàn sẽ thực hiện bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast) liên quan đến trái phiếu, với tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỷ đồng mà VinFast dự kiến phát hành năm 2019.

Vốn điều lệ của VinFast hiện tại là 25.155,7 tỷ đồng; trong đó, Vingroup là cổ đông lớn nhất, đồng thời là công ty mẹ sở hữu 51,15% vốn doanh nghiệp này.

Nhiều trái phiếu có lãi suất cao

Cuộc đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ trong hai năm qua, không chỉ gia tăng về quy mô những đợt phát hành, mà mức lãi suất cũng cao đột biến.

Trong khi trái phiếu do các ngân hàng phát hành có lãi suất phổ biến từ 7 - 8%/năm, thì khối doanh nghiệp bất động sản chào bán trái phiếu với lãi suất 11 - 13%/năm, thậm chí có những đợt phát hành lên đến gần 14,5%/năm, nằm trong ngưỡng cảnh báo về tính rủi ro tại thời điểm đáo hạn.

Tuy rủi ro, nhưng lãi suất cao là yếu tố cơ bản tạo nên sức hút đối với nhà đầu tư, hàng loạt doanh nghiệp thực hiện huy động vốn trái phiếu thành công trong thời gian ngắn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu.

Chẳng hạn, trong vòng chưa đầy 1 tháng sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) công bố phương án phát hành trái phiếu ra công chúng với quy mô 1.500 tỷ đồng, nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, công ty này đã huy động thành công số vốn trên vào ngày 26/9/2019.

Trái phiếu chào bán đợt này của MSN là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản, có kỳ hạn 3 năm.

Lãi suất trái phiếu là 10%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên; sau đó, lãi suất trái phiếu được tính bằng tổng của 3,2%/năm và lãi suất tham chiếu là trung bình cộng của các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng do các ngân hàng Vietcombank, BIDV và Agribank công bố.

Được biết, các nhà đầu tư trong nước tham gia đặt mua trái phiếu MSN với tổng giá trị 2.550 tỷ đồng, cao hơn 70% lượng chào bán. Kết quả, có 5 tổ chức được mua và MSN thu về 1.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ trên vốn điều lệ của Công ty sau đợt huy động vốn trái phiếu này là 26,43%.

Trước đó, Công ty cổ phần Bông Sen đã hoàn tất đợt phát hành 6.450 tỷ đồng trái phiếu cho các nhà đầu tư tổ chức.

Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, lãi suất 11%/năm, được bảo đảm bằng nhiều tài sản, bao gồm cổ phần trong Công ty cổ phần Daeha (chủ đầu tư Khách sạn Daewoo Hà Nội), Novaland và cổ phần của chính Bông Sen, cùng các tài sản là bất động sản.

Những đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhìn chung mang lại sự hài lòng cho các bên, khi doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu huy động vốn nhanh và nhiều, đơn vị tư vấn (các công ty chứng khoán trung gian) hưởng phí hoa hồng không nhỏ, còn người mua trái phiếu nhận được lãi suất cao.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB, mức lãi suất phổ biến trong những đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây là 11 - 14%/năm, cao gần gấp đôi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại. Một số doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trái phiếu với lãi suất trên 14%/năm như Công ty cổ phần Phát Đạt.

Thị trường nhìn nhận, các tổ chức tín dụng (ngân hàng) hay các doanh nghiệp sản xuất có mức độ rủi ro thấp hơn so với các doanh nghiệp bất động sản, nên mặt bằng lãi suất trái phiếu thấp hơn.

Số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt khoảng 164.414 tỷ đồng, quy mô thị trường tính đến ngày 24/9/2019 đạt 9,91% GDP năm 2018, tăng 29% so với đầu năm.

Chủ thể phát hành trái phiếu lớn nhất vẫn là các ngân hàng thương mại, với tổng giá trị 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%); tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản, phát hành 36.946 tỷ đồng (chiếm 31,5%); các doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 9.207 tỷ đồng (chiếm 7,9%); các định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 4.423 tỷ đồng (chiếm 3,8%); còn lại là các doanh nghiệp khác.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán, đại diện đơn vị tham gia tư vấn phát hành phát hành trái phiếu cho một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ, lượng trái phiếu sau khi hết thời hạn 1 năm có thể tiếp tục phân phối cho nhà đầu tư cá nhân với lãi suất thấp hơn 1 - 2%/năm so với mức lãi suất ban đầu, nhưng đây vẫn là mức lãi suất hấp dẫn khi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Với sự sôi động của thị trường tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, không ít công ty chứng khoán ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến.

Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Techcombank, hiện chiếm trên 80% thị phần môi giới trái phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2018. 6 tháng đầu năm 2019, công ty này ghi nhận hơn 750 tỷ đồng lợi nhuận, chủ yếu đến từ nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng cả về quy mô và số lượng, nhưng sự tích cực này cần gắn liền với công tác quản lý, giám sát để thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia.

Cơ quan quản lý đã cảnh báo nhà đầu tư, trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính, mục đích huy động vốn... từ đó nhận diện các rủi ro gắn liền với trái phiếu như tcó hay không có tài sản bảo đảm, có hay không có bảo lãnh thanh toán, cũng như các rủi ro mà tổ chức phát hành có thể gặp phải.

BCG đang đàm phán với đối tác nước ngoài mua trái phiếu chuyển đổi

Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG).
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG).

Nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh luôn hiện hữu đối với các doanh nghiệp và có nhiều hình thức để huy động vốn như vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu…

Trái phiếu doanh nghiệp đang là kênh huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp, sự dịch chuyển vốn huy động của doanh nghiệp từ kênh tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu góp phần phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng trong vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Đối với BCG, Công ty đang thực hiện các thủ tục để phát hành 900.000 trái phiếu có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Hiện BCG đã tìm được đối tác nước ngoài và hai bên đang tiến hành đàm phán, bước đầu có những tín hiệu khả quan, hai bên cam kết sẽ hỗ trợ nhau trong dài hạn.

Định hướng trung hạn của BCG là cấu doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2019 - 2021 sẽ phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng từ mảng bất động sản và năng lượng tái tạo. Trong đó, năm 2020, cơ cấu doanh thu dự kiến có sự chuyển dịch mạnh khi mảng bất động sản giảm dần do các dự án chính đã bước vào giai đoạn hoàn thành, trong khi doanh thu từ bán năng lượng do các trang trại năng lượng mặt trời đã phát điện thương mại chiếm tỷ trọng cao hơn.

Đa số doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công với lãi suất dưới 11%/năm

Ông Nguyễn Hữu Bình Chuyên gia chứng khoán.
Ông Nguyễn Hữu Bình Chuyên gia chứng khoán.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay một số lĩnh vực, bao gồm bất động sản, từng bước giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng, xu hướng các doanh nghiệp tìm đến kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn càng phổ biến và đang trở thành xu thế.

Hiện nay, tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất cho vay dài hạn phổ biến từ 9,5 - 11%/năm. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay từ 10 - 12%/năm, thậm chí lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể lên tới 13 - 15%/năm đối với doanh nghiệp có năng lực tài chính thấp, hoặc không có tài sản bảo đảm. Đối với lĩnh vực bất động sản, lãi vay cao hơn từ 1 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Đa số doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công với lãi suất dưới 11%/năm, nhưng cũng có những doanh nghiệp chào bán trái phiếu với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất vay vốn ngân hàng, cho thấy doanh nghiệp “khát vốn” và gặp khó khăn trong kênh huy động vốn tín dụng, đồng nghĩa với rủi ro tăng lên.

Chính vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được quản lý, giám sát chặt chẽ hơn để thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia, đặc biệt là nhà đầu tư.