Bất chợt tỏa sáng

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Một số cổ phiếu đã tăng giá mạnh trong thời gian qua. Đà đi lên bất chợt này nói lên điều gì?

Bất chợt tỏa sáng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điểm mặt cổ phiếu nóng

Tính đến cuối tháng 9/2013, chỉ số VN-Index đạt trên 492 điểm, tức tăng trên 19% so với cuối năm ngoái. Chỉ số HNX-Index tăng 6,8%, đây được đánh giá là mức tăng khá. Tuy nhiên, nếu so với sức bật của một số cổ phiếu thì đà tăng của các chỉ số này là không đáng kể.

Trong 9 tháng, cổ phiếu HTL của công ty cổ phần (CTCP) Kỹ thuật và Ô tô Trường Long đã tăng 280,9%, từ mức giá 4.200 đồng thời điểm đầu năm lên 16.000 đồng tính đến 30/9/2013. Hiện cổ phiếu HTL vẫn đứng giá ở mức 16.000 đồng (tính đến ngày 11/10/2013).

Cổ phiếu PMS của CTCP Cơ khí Xăng dầu cũng tăng ấn tượng, từ mức 6.000 đồng thời điểm đầu năm lên 17.600 đồng đến cuối tháng 9/2013. Tính ra, cổ phiếu PMS đã tăng 193,3% trong 9 tháng.

Một số cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua còn gồm cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn (tăng 213,8%), TCM của Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (tăng 178,3%), PTB của CTCP Phú Tài (tăng 165,1%), MNC của Tập đoàn Mai Linh Miền Trung (tăng 133,3%), DCL của Dược phẩm Cửu Long (tăng 132,3%), HLY của CTCP Viglacera Hạ Long 1 (tăng 117,3%), PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (tăng 109,3%).

Riêng cổ phiếu KLF của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế FLC là trường hợp đặc biệt khi tăng 60% chỉ sau 2 tuần niêm yết, từ mức giá 13.600 đồng (ngày 24/9/2013) lên 21.800 đồng/cổ phiếu (ngày 11/10).

Đối với thị trường, đây là diễn biến khá bất ngờ bởi trước đó, phần lớn các cổ phiếu này không được chú ý. Khoảng 80% số cổ phiếu tăng mạnh đều có giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm đầu năm.

Thậm chí, như HTL,VHG, MNC còn có giá rất thấp, dưới 5.000 đồng. Tuy nhiên, sau đà tăng mạnh, ngoại trừ PVT, các cổ phiếu đều đã bứt phá khỏi ngưỡng mệnh giá.

Nhưng nhà đầu tư có lý do để không mặn mà với những cổ phiếu tăng mạnh này. Xét yếu tố cơ bản, TCM, HLY, VHG đều là những cổ phiếu từng vào "danh sách đen". Cụ thể, từ 19/3/2013, TCM đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho vào diện cảnh báo với lý do thua lỗ năm 2012 hơn 20 tỷ đồng.

Cổ phiếu HLY cũng bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2012 âm. Nặng nề hơn, theo công bố của HOSE, kể từ 3/4/2013, cổ phiếu VHG bị tạm ngừng giao dịch bởi VHG thua lỗ 2 năm liên tiếp.

Tại đại hội cổ đông năm 2013, cổ đông VHG đã đồng tình với kế hoạch rời sàn vì lo ngại, với tình trạng thua lỗ triền miên, trước sau gì cổ phiếu VHG cũng bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tuy nhiên, mới đây, trong đại hội cổ đông bất thường tổ chức cuối tháng 8/2013, VHG đã khiến nhiều người bất ngờ khi đưa ra một kịch bản khác hẳn. Theo đó, cổ đông VHG quyết định tiếp tục bám sàn.

Cùng đó, thay vì không trả cổ tức và ước lỗ 20 tỷ đồng như kế hoạch cũ, VHG lên kế hoạch kinh doanh mới, với doanh thu ước đạt 695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 130 tỷ đồng, dự kiến cổ tức sẽ trả năm 2013 là 10% bằng tiền mặt.

Lãnh đạo VHG hy vọng ở những khoản nhận được từ rút vốn công ty con, VHG có cơ sở hoàn thành kế hoạch mới này. Với phương án mới, cổ phiếu VHG đã thoát "án" tạm ngừng giao dịch.

Có thể là "ngôi sao sáng"?

Các nhà đầu tư vẫn chưa thể yên tâm về nhóm cổ phiếu tăng nóng này. Đơn cử, khả năng xoay chuyển tình thế của VHG vẫn còn là ẩn số và HOSE vẫn xếp VHG vào danh sách cổ phiếu bị kiểm soát.

Hay tình trạng bị cảnh báo ở HLY vẫn nguyên hiệu lực. Quan ngại nhất với nhà đầu tư là tình trạng thiếu thanh khoản ở nhiều cổ phiếu nhóm này. Từ 24/7 đến nay, cổ phiếu HLY không có giao dịch trên sàn lẫn giao dịch thỏa thuận.

Với PMS, phiên giao dịch ngày 11/10 là phiên thứ 14 liên tiếp cổ phiếu này không có giao dịch. Hay 10 phiên gần đây, giao dịch trung bình ở HTL chỉ 25 cổ phiếu/phiên.

Trong khi có đến 49,6% cổ phiếu trên sàn giảm giá và 57% cổ phiếu có giá dưới mệnh giá tính đến cuối tháng 9, thì sự bứt phá mạnh mẽ trên 100% của nhóm cổ phiếu kể trên khiến nhà đầu tư phải thắc mắc.

Sau khi xem xét, giới chuyên gia đồng tình, các cổ phiếu này tăng giá nhờ yếu tố tâm lý nhiều hơn. Điển hình, PVT là cổ phiếu đã niêm yết từ năm 2007, có vốn điều lệ lớn với hơn 2.300 tỷ đồng nhưng 3 năm qua cứ "lèo tèo" quanh mức giá 5.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, gần đây, cổ phiếu này bỗng nhiên được chú ý khi PVT thay thế PVF (Tài chính Dầu khí) trong rổ tính chỉ số VN30 (từ 19/9). Trong vòng 20 phiên trở lại đây, PVT đã tăng mạnh từ 6.500 đồng lên 9.100 đồng/cổ phiếu, tức tăng lên đến 40%.

Ngoài thông tin này, PVT cũng bất ngờ công bố PVT đã vượt 250% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013 chỉ sau 2 quý kinh doanh đầu tiên. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2013, PVT ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 2.318 tỷ đồng, lãi thuần gần 174 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ thuần 103 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong giải trình biến động kinh doanh, phía PVT cho biết, nguyên nhân của việc tăng lợi nhuận ở PVT không đến từ gia tăng doanh thu mà nhờ chi phí chênh lệch tỷ giá chưa đến 29 tỷ đồng trong khi cùng kỳ, chênh lệch tỷ giá hạch toán là 124 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, nếu kết quả kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp tốt, cơ hội "tỏa sáng" của các cổ phiếu còn.

Như đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, mặt bằng giá cổ phiếu trên hai sàn niêm yết vẫn còn tương đối rẻ, nhà đầu tư vẫn còn cơ hội đối với nhóm cổ phiếu chưa lấy lại được mức tăng trưởng và cả nhóm cổ phiếu đang tăng trưởng. Tuy nhiên, việc chọn lựa sẽ tùy thuộc nhiều vào các điều kiện cơ bản của doanh nghiệp cùng với lợi nhuận quý III và cả năm 2013.