Biến cố biển Đông: Ngăn chặn đầu cơ trên thị trường tài chính

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Chuyên gia tư vấn chiến lược về tài chính Phạm Nam Kim cho rằng, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ thị trường không để cho lực lượng đầu cơ nhân cơ hội lũng đoạn thị trường tài chính.

Những căng thẳng xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông đã gây ra những ảnh hưởng đối với thị trường tài chính trong nước. Thị trường chứng khoán, vàng, tiền tệ đã có những phản ứng ngay lập tức với sự kiện này. Để đánh giá toàn diện hơn về những ảnh hưởng này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tư vấn chiến lược về tài chính Phạm Nam Kim.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của sự việc trên biển Đông đối với tình hình kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam?

Nam Kim
Chuyên gia Phạm Nam Kim
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Để trả lời câu hỏi này, trước tiên, cần nhìn lại những diễn biến của thị trường tài chính trong mấy ngày qua. Trong ngày 8/5, thị trường chứng khoán Việt Nam bị “bốc hơi” 3 tỷ USD do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.

Sang ngày 9/5, thị trường chứng khoán ấm trở lại với việc các nhà đầu tư quốc tế mua vào nhiều cổ phiếu Blue-chip.

Giải thích về diễn biến trái chiều này, theo tôi có thể nói là khối ngoại đánh giá biến cố tại biển Đông không nghiêm trọng như nhà đầu tư nội đánh giá, hoặc cũng có thể họ chưa thay đổi chiến thuật đầu tư ở Việt Nam nên lệnh mua tự động từ trước vẫn có hiệu lực.

Ngoài ra, trong mấy ngày qua, đồng USD tăng giá và đặc biệt, giá vàng trong nước đã tăng giá trái chiều so với giá vàng thế giới.

Qua 3 diễn biến nêu trên của thị trường tài chính Việt Nam có thể thấy biến động ở biển Đông có ảnh hưởng mạnh một cách nhất thời lên thị trường. Những biến động này lên xuống thất thường tùy theo thông tin liên quan tới tình hình hiện nay ở biển Đông.

Bên cạnh đó, về dài hạn, tác động chính của biến cố biển Đông lên thị trường tài chính Việt Nam còn là các nhà đầu tư đều sẽ phải lo bảo vệ giá trị đầu tư của mình. Theo đó, nếu tình hình tiếp tục căng thẳng hơn thì các nhà tư nước ngoài có thể xem xét rút vốn khỏi Việt Nam. Còn với các nhà đầu tư trong nước, họ sẽ chọn các kênh đầu tư chắc chắn hơn.

Ngoài ra, thị trường tài chính Việt Nam còn biến động và bị chi phối rất mạnh bởi lực lượng đầu cơ và chính họ mới là những đối tượng gây ra sự mất ổn định của thị trường.

Vậy theo ông, chúng ta nên có các giải pháp gì để hạn chế những thiệt hại đối với kinh tế và tài chính từ sự kiện này, trong ngắn hạn cũng như dài hạn?

Theo tôi, về ngắn hạn, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ thị trường không để cho lực lượng đầu cơ nhân cơ hội lũng đoạn thị trường tài chính.

Về dài hạn, nếu tình hình leo thang tại biển Đông, thì rất có thể dòng tiền sẽ dồn vào các kênh đầu tư an toàn hơn, như vàng. Chính vì thế, có thể sẽ ảnh hưởng đến những kế hoạch lớn trên thị trường tài chính như tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, cổ phần hóa doanh nghiệp.

Xét trên phương diện vĩ mô, kinh tế của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu tranh chấp tại biển Đông đưa đến những biện pháp trả đũa về kinh tế bởi hiện tại, kinh tế Việt Nam có phụ thuộc vào hoạt động thương mại với đối tác Trung Quốc.

Để hạn chế những khó khăn, rủi ro và thiệt hại cho nền kinh tế trong nước từ những tranh chấp tại biển Đông, theo tôi Chính phủ cần chuẩn bị kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế theo những điều chỉnh mới, có tính đến những đặc điểm nêu trên như: Bớt phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sản xuất trong nước theo hướng gia tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, giảm thiểu xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu thô…

Là một nền kinh tế nhỏ hơn, vậy Việt Nam có nên áp dụng các biện pháp về kinh tế đối với Trung Quốc không, thưa ông?

Nhìn chung, tất cả các cuộc xung đột hiện nay giữa các quốc gia trên trường quốc tế đều có một phần nguyên nhân là kinh tế. Và thường để giành thế thượng phong trong các cuộc đàm phán giải quyết xung đột, các bên thường sử dụng các con bài kinh tế. Tranh chấp tại biển Đông cũng không phải một ngoại lệ, Việt Nam nên gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề kinh tế, tuy nhiên, một mình Việt Nam thì hiệu quả không cao mà cần tới sự đoàn kết đồng lòng của cả khối ASEAN.

Xin cảm ơn ông!