Bổ sung, sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường

Theo Tạp chí Chứng khoán 05/2018

Các vấn đề liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán cùng các quy định về quản trị công ty (QTCT) là những nội dung dự kiến được sửa đổi, bổ sung trong Luật Chứng khoán nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng cường hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo Luật Chứng khoán hiện hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chưa có thẩm quyền đầy đủ trong thanh tra, kiểm tra, xác minh các vi phạm về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) dẫn đến tình trạng UBCKNN gặp nhiều trở ngại và hạn chế cũng như chưa bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về chứng khoán và TTCK.

Hiện nay, UBCKNN Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Do đó, UBCKN phải có trách nhiệm thực hiện một cách đầy đủ các nguyên tắc của IOSCO về cưỡng chế thực thi trong quản lý TTCK, điều này đòi hỏi UBCKNN cần được trao đầy đủ thẩm quyền trong thanh tra, giám sát, cưỡng chế thực thi.

Chính vì vậy, lần sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán này dự kiến sẽ bổ sung một số điều nhằm củng cố chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN, đảm bảo đủ thẩm quyền để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm thao túng, nội gián.

Theo đó, bên cạnh một số quy định trong Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) có sửa đổi, bổ sung thêm một số điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN như sau:

- Quản lý, giám sát hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (TCT LK&BTCK Việt Nam) và các tổ chức phụ trợ; tạm ngừng, tạm đình chỉ hoạt động giao dịch của SGDCK, hoạt động lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán của TCT LK&BTCK Việt Nam trong trường hợp có dấu hiệu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư hoặc để bảo đảm ổn định, an toàn của TTCK;

- Quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK Việt Nam;

- Thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chứng khoán và TTCK; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đối chất liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra;

- Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm quy định tại Luật này;

- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về hội thực hiện quản lý, giám sát các hội về chứng khoán và TTCK.

Thống nhất việc tổ chức thị trường giao dịch

Theo Luật Chứng khoán hiện hành, tổ chức và hoạt động của SGDCK được quy định tại Điều 34 Chương IV, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên, có Hội đồng quản trị (HĐQT), có Ban kiểm soát (BKS). Tuy nhiên, các quy định này của Luật Chứng khoán hiện hành chưa đảm bảo sự thống nhất với Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc hai SGDCK cùng tồn tại và hoạt động đã làm phát sinh một số vấn đề như sự cạnh tranh giữa các SGDCK trong việc thu hút các công ty niêm yết chứng khoán để tạo doanh thu cho SGDCK; TTCK bị chia cắt thành nhiều mảng; tăng chi ngân sách cũng như chi của SGDCK để đầu tư cho hệ thống giao dịch, nhân sự của SGDCK; hệ thống cơ sở dữ liệu khác nhau gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong công tác quản lý giám sát TTCK nói chung và SGDCK nói riêng.

Do vậy, dự kiến, Luật Chứng khoán sửa đổi lần này sẽ thay đổi quy định về mô hình tổ chức, hoạt động của SGDCK theo hướng hợp nhất hai SGDCK thành một SGDCK Việt Nam hoạt động như một doanh nghiệp đặc thù, không vì mục tiêu lợi nhuận, được thành lập theo mô hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp. Theo đó, bộ máy quản lý, điều hành của SGDCK có mô hình như sau:

- SGDCK có Hội đồng thành viên/ Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và BKS trong trường hợp SGDCK được tổ chức theo mô hình công ty TNHH.

- SGDCK có HĐQT, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và BKS trong trường hợp SGDCK được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần.

- Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của SGDCK do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê chuẩn sau khi có ý kiến của Chủ tịch UBCKNN.

- Quyền và nhiệm vụ của HĐQT hoặc Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và BKS được quy định tại Điều lệ SGDCK.

Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của SGDCK được quy định tại Điều 37 và 38 Chương IV Luật Chứng khoán hiện hành. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý, giám sát các công ty chứng khoán (CTCK) thành viên, công ty niêm yết và giám sát giao dịch chưa được quy định rõ.

Chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của thành viên giao dịch tham gia vào hoạt động giám sát giao dịch, cũng như thực thi các quyền của SGDCK trong việc yêu cầu thành viên giao dịch cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho mục đích giám sát giao dịch hoặc xử lý theo thẩm quyền của SGDCK khi phát hiện thành viên giao dịch vi phạm các quy định của pháp luật, đồng thời buộc CTCK thành viên nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong hoạt động giám sát giao dịch theo quy định.

Do vậy, dự kiến nội dung Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ bổ sung quyền và nghĩa vụ của SGDCK trong giám sát giao dịch, thực hiện các biện pháp phòng, ngừa rủi ro và xử lý khủng hoảng phát sinh trên TTCK, cụ thể:

- Tạm ngừng, đình chỉ giao dịch một phần hoặc toàn bộ TTCK trong trường hợp cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư sau khi được UBCKNN chấp thuận.

- Chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên giao dịch và giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của thành viên giao dịch tại SGDCK theo quy chế của SGDCK;

- Cung cấp dịch vụ đấu giá, đấu thầu, dịch vụ về thông tin thị trường và các thông tin liên quan đến chứng khoán niêm yết, giao dịch tại SGDCK, phát triển hạ tầng công nghệ cho TTCK và các dịch vụ liên quan theo quy định của Chính phủ;

- Kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thành viên, tổ chức niêm yết, giao dịch tại SGDCK theo Quy chế của SGDCK;

- Giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán; giám sát hoạt động công bố thông tin của thành viên giao dịch, tổ chức có chứng khoán niêm yết, giao dịch tại SGDCK và cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ;

- Xây dựng và ban hành tiêu chí giám sát giao dịch tại SGDCK; xây dựng hệ thống chỉ tiêu báo cáo giám sát giao dịch áp dụng cho thành viên giao dịch sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Luật Chứng khoán hiện hành có quy định về tổ chức giao dịch chứng khoán của các SGDCK tại Điều 33 Chương IV, tuy nhiên chưa có sự phân định các khu vực thị trường: cổ phiếu, trái phiếu, TTCK phái sinh (TTCKPS).

Dự kiến tại nội dung sửa đổi Luật lần này, các khu vực thị trường giao dịch chứng khoán sẽ được xác định rõ trong Luật, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh - CKPS và các loại chứng khoán khác đủ điều kiện).

Thống nhất việc tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán theo mô hình tập trung do SGDCK thực hiện, trên cơ sở hình thành các khu vực thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu và TTCKPS. Gắn với đó là điều kiện niêm yết theo phân khu thị trường giao dịch.

Về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán

Về cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động, hiện Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên trong khi bộ máy hoạt động của VSD theo Luật Chứng khoán lại được quy định theo mô hình công ty cổ phần (Điều 42 Luật Chứng khoán hiện hành).

Điều này đã dẫn đến khó khăn trong việc quy định về tổ chức bộ máy, thẩm quyền, nhiệm vụ của HĐQT, Ban Điều hành, BKS. Quy mô TTCK ngày càng phát triển thì tổ chức và hoạt động của VSD cũng cần phải được sửa đổi nhằm bảo đảm hoạt động thanh toán tiền, chứng khoán thông suốt, an toàn.

Theo đó, dự kiến VSD sẽ có tên gọi là TCT LK&BTCK Việt Nam, là pháp nhân được thành lập theo mô hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Luật Chứng khoán (sửa đổi) dự kiến cũng sẽ bổ sung quyền của TCT LK&BTCK Việt Nam như sau:

- Thực hiện cấp mã chứng khoán, bao gồm mã chứng khoán trong nước và mã định danh chứng khoán quốc tế (ISIN) cho các loại chứng khoán niêm yết, giao dịch tại SGDCK và chứng khoán của các công ty đại chúng (CTĐC);

- Được sử dụng các nguồn hỗ trợ thanh toán trong trường hợp thành viên mất khả năng thanh toán, áp dụng các biện pháp xử lý khi thành viên tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản theo quy định của Luật này và quy định của Chính phủ;

- Được ưu tiên phân chia tài sản đối với các khoản phải thu từ thành viên khi thành viên của TCT LK&BTCK Việt Nam bị phá sản;

Về nghĩa vụ của TCT LK&BTCK Việt Nam, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) có bổ sung một số quy định cụ thể như:

- Giám sát hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; giám sát tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại CTĐC, quỹ đại chúng theo quy định của pháp luật chứng khoán;

- Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và TTCK cho nhà đầu tư;

- Quản lý tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của TCT LK&BTCK Việt Nam; quản lý tách biệt tài sản của các quỹ hỗ trợ thanh toán, quỹ bù trừ, quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong dự kiến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán cũng sẽ bổ sung quy định về tổ chức hoạt động của tổ chức thực hiện chức năng bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.

Theo đó, bổ sung thành viên bù trừ của TCT LK&BTCK Việt Nam là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được UBCKNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán và được TCT LK&BTCK Việt Nam chấp thuận làm thành viên bù trừ.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng bổ sung thêm một số điều về đăng ký chứng khoán như:

- TCT LK&BTCK Việt Nam phải lập và lưu giữ Sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán đối với các chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty và có trách nhiệm bảo mật các thông tin liên quan đến sở hữu của khách hàng, từ chối việc phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tài sản, trích lục, sao chép thông tin sở hữu chứng khoán của khách hàng tại Sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán mà không có sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp kiểm toán viên thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của TCT LK&BTCK Việt Nam hoặc báo cáo tài chính của thành viên lưu ký;

- TCT LK&BTCK Việt Nam thực hiện lập danh sách, tính toán và phân bổ quyền cho người sở hữu chứng khoán theo tỷ lệ do tổ chức phát hành thông báo. Chỉ những người có tên trên Sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán lập tại ngày đăng ký cuối cùng theo thông báo của tổ chức phát hành mới được nhận các quyền phát sinh liên quan đến chứng khoán mà mình sở hữu.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng quy định rõ hơn về lưu ký chứng khoán, cụ thể:

- TCT LK&BTCK Việt Nam mở tài khoản lưu ký chứng khoán để quản lý chứng khoán lưu ký riêng biệt cho từng thành viên lưu ký;

- Các giao dịch liên quan đến chứng khoán lưu ký của nhà đầu tư và thành viên lưu ký được thực hiện qua TCT LK&BTCK Việt Nam;

- TCT LK&BTCK Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch thế chấp, cầm cố chứng khoán theo yêu cầu của khách hàng;

- Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về hoạt động lưu ký chứng khoán và hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm tại TCT LK&BTCK Việt Nam; việc chuyển giao chứng khoán lưu ký tại TCT LK&BTCK Việt Nam làm sơ sở cho phát hành chứng chỉ lưu ký và hoạt động niêm yết chứng khoán tại TTCK nước ngoài.

Ngoài ra, trong dự kiến nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, ban soạn thảo đã đề xuất bổ sung quy định về hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán. Theo đó, bổ sung quy định về quỹ bù trừ, xử lý trường hợp mất khả năng thanh toán của thành viên bù trừ như sau:

- Quỹ bù trừ được hình thành từ các khoản đóng góp của thành viên bù trừ với mục đích bồi thường thiệt hại và hoàn tất các giao dịch chứng khoán đứng tên thành viên bù trừ trong trường hợp thành viên bù trừ, nhà đầu tư của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán.

- Hình thức đóng góp, mức đóng góp, phương thức quản lý và sử dụng quỹ bù trừ thực hiện theo quy chế của TCT LK&BTCK Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về quản trị công ty (QTCT)

Trong Luật Chứng khoán hiện hành, nguyên tắc quản trị CTĐC được quy định bao gồm: a) Bảo đảm cơ cấu quản trị hợp lý; bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐQT, BKS; b) Bảo đảm quyền lợi của cổ đông, những người có liên quan; c) Bảo đảm đối xử công bằng giữa các cổ đông; d) Công khai, minh bạch mọi hoạt động của công ty.

Ngoài ra, quy định về QTCT cũng có trong quy định tại Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ (như quy định về Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, BKS, giao dịch với người có liên quan, báo cáo và CBTT…) và được quy định tại Nghị định số 71/2017/NĐ-CP (Nghị định 71) hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với CTĐC.

Đối với các CTĐC, tổ chức kinh doanh chứng khoán, về nguyên tắc phải thực hiện quy định về QTCT theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định 71. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo tính tuân thủ cao hơn, một số quy định cũng nên được quy định rõ trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Do vậy, dự kiến nội dung chỉnh sửa trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) về quản trị CTĐC được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định rõ nguyên tắc thực hiện quản trị CTĐC thực hiện theo quy định tại Luật này, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể, bổ sung một số điều đã được quy định tại Nghị định 71 như:

- Bổ sung quy định cổ đông lớn không được lợi dụng ưu thế của mình gây ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích của công ty và của các cổ đông khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty (Điều 5, Chương II, Nghị định 71).

- Bổ sung quy định về HĐQT và thành viên HĐQT theo hướng cơ cấu thành viên HĐQT phải bảo đảm cân đối giữa thành viên HĐQT điều hành và thành viên HĐQT không điều hành, tối thiểu một phần ba (1/3) thành viên HĐQT là thành viên không điều hành. Cơ cấu thành viên HĐQT của CTNY phải đảm bảo tối thiểu một phần ba (1/3) tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập (điều 13 Chương III Nghị định 71).

- Bổ sung quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích như: Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác phải công khai các lợi ích liên quan theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan.

Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), người quản lý khác và những người có liên quan của các thành viên này không được sử dụng các thông tin chưa được phép công bố của công ty hoặc tiết lộ cho người khác để thực hiện các giao dịch có liên quan. (Điều 24, Chương IV, Nghị định 71).