Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng. Tuy nhiên, để đối phó tốt với những diễn biến khó lường, phức tạp của khu vực, ngành chứng khoán cần phải thực hiện tốt 5 nhiệm vụ vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra tại lễ kỷ niệm 14 năm hoạt động.

 Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán
Bộ Trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán. Nguồn: internet

Thành quả ấn tượng 

Cách đây 14 năm, vào ngày 28/7/2000, phiên giao dịch đầu tiên của Thị trường Chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính thức diễn ra tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) TP. Hồ Chí Minh) chỉ với 2 cổ phiếu niêm yết và 5 công ty chứng khoán (CTCK).

Tuy thời gian giao dịch lúc đó chỉ có 1 tiếng đồng hồ và giá trị giao dịch của phiên đầu tiên này cũng chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng giá trị lớn lao của sự kiện chính là cột mốc đánh dấu sự ra đời của TTCK Việt Nam. Kể từ đó tới nay, cùng với hệ thống ngân hàng, TTCK đã chính thức trở thành một kênh huy động vốn mới cho nền kinh tế.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nêu bật tầm quan trọng, đồng thời đánh giá cao những những thành tựu mà ngành chứng khoán đạt được trong 14 năm hình thành và phát triển. Theo Bộ trưởng, những thành tựu này đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển TTCK nhằm huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển đất nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

“Chúng ta đã tạo lập được một thể chế TTCK phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và xu thế hội nhập. Cụ thể là TTCK đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ trưởng khẳng định. 

Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc TTCK đã đứng vững và tiếp tục phát triển ngay cả khi đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Quy mô và phạm vi ngày càng lớn mạnh, mở rộng hàng trăm lần so với giai đoạn ban đầu, đạt gần 700 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên TTCK và 147 DN đăng ký giao dịch trên Upcom; tăng 140 lần so với năm 2000. 

“Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu lên đến 52 tỷ USD, chiếm 32% GDP; trái phiếu chiếm gần 17% GDP. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2014, giá trị giao dịch bình quân tăng 58% so với cùng kỳ năm 2013; đã thu hút và tạo được lòng tin đối với nhà đầu tư (NĐT) trong lẫn ngoài nước với gần 1,3 triệu tài khoản, giá trị danh mục đầu tư nước ngoài lên đến 13 tỷ USD”, Bộ trưởng nói. 

Bộ trưởng cũng chúc mừng và đánh giá cao những thành quả mà HOSE đạt được. Theo Bộ trưởng, với vị thế là sở GDCK ra đời đầu tiên và được đặt ở một trung tâm kinh tế lớn của đất nước, HOSE đã có những nỗ lực lớn và đóng góp rất quan trọng vào những thành tựu trên.

"HOSE chú trọng trong đổi mới cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm mới, nghiệp vụ mới, xây dựng thành công một thị trường tập trung công bằng, công khai, minh bạch", Bộ trưởng nói.

5 nhiệm vụ trọng tâm 

Trong bối cảnh khu vực còn những diễn biến khó lường, phức tạp, tác động đến nhiều mặt kinh tế-xã hội, nhiệm vụ cho những tháng cuối năm nay và những năm tới đối với ngành chứng khoán là rất nặng nề.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở GDCK và các thành viên thị trường cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm với nỗ lực cao nhất để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó cần tập trung vào 5 nhiệm vụ và giải pháp chính.

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo, điều hành, chủ động nắm tình hình và chuẩn bị tốt phương án ứng phó với diễn biến tình hình; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm phát triển bền vững TTCK, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. 

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về TTCK để tiếp tục từng bước nâng cao vai trò, vị trí của TTCK, phấn đấu đến năm 2020 đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế. 

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc TTCK nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa cơ sở hàng hóa; nâng cao chất lượng cơ sở NĐT, trong đó chú trọng phát triển các loại hình NĐT tổ chức; cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng theo mô hình hiện đại; tái cơ cấu tổ chức TTCK theo hướng hợp nhất nhằm nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh và tăng cường khả năng hội nhập khu vực, quốc tế. 

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và khẩn trương xử lý các vấn đề còn vướng mắc nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu DN Nhà nước, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác CPH, thoái vốn. 

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, chú trọng tăng cường tính công khai, minh bạch của TTCK; chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; đồng thời nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. 

“Hoàn thành các nhiệm vụ trên đòi hỏi sự quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, sự chung tay góp sức từ các thành viên thị trường. Bộ Tài chính đã và sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện cũng như luôn đồng hành cùng TTCK để tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.