Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Năm 2013, tiến hành đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán

Theo Chứng khoán Việt Nam

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2012 gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Tài chính vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các phương diện, trong đó có công tác chỉ đạo, điều hành thị trường chứng khoán (TTCK) vượt qua một năm nhiều sóng gió và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhân dịp năm mới, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn GS., TS. Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ Tài chính về một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành TTCK.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Năm 2013, tiến hành đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
Thưa Bộ trưởng, có quan điểm cho rằng TTCK như tấm gương phản ảnh sức khỏe của nền kinh tế. Năm 2012, kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn nên TTCK diễn biến trong xu hướng không thuận lợi. Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Tài chính, chính sách điều hành vĩ mô năm 2013 cần chú trọng vào những vấn đề gì?

TTCK là tấm gương phản chiếu kinh tế vĩ mô, tất nhiên có những lúc nó đi trước kinh tế vĩ mô một bước. Nghĩa là ngoài phản chiếu hiện trạng kinh tế vĩ mô, TTCK còn có tính dự báo chiều hướng kinh tế vĩ mô.

Tôi cho rằng TTCK thể hiện được cả hai mặt như vậy.

Từ tình hình kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư dài hạn thường nhìn thấy rõ tương lai cũng như dự đoán được xu hướng và triển vọng của thị trường trong dài hạn. Chẳng hạn như ở thời điểm này, nhiều nhà đầu tư dài hạn đã dự đoán trước triển vọng thị trường trong 1-2 năm tới sẽ như thế nào. Đó là lý do giải thích vì sao có những lúc TTCK rất khó khăn nhưng nhà đầu tư dài hạn vẫn đẩy mạnh hoạt động mua vào với khối lượng lớn chứng khoán, nhưng cũng có khi TTCK đang rất hứng khởi mà họ lại bán ra.

Trở lại với kinh tế vĩ mô, 2012 là một năm nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn. Trên thế giới, tình trạng nợ công châu Âu diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tăng trưởng của các nền kinh tế đầu tàu giảm tốc... Trong nước, kinh tế vĩ mô đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế đầu năm là 6,6% nhưng thực tế cả năm chỉ đạt 5,03%, lạm phát dự kiến 9 - 10% nhưng cả năm chỉ 6,81%. Nền kinh tế vẫn tồn tại những vấn đề lớn như hàng tồn kho tăng cao, nợ xấu ngân hàng, bất động sản (BĐS) trầm lắng, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn... sẽ tiếp tục là những trở ngại cần phải được giải quyết. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong năm qua, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ thực hiện việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế tính đến hết tháng 11 là hơn 19.000 tỷ đồng nhằm kích thích sản xuất kinh doanh phát triển đồng thời nỗ lực chống thất thu đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu chi ngân sách đặt ra. Đây là một thắng lợi kép trong cân đối thu chi ngân sách năm 2012, đảm bảo cho cân đối vĩ mô.

Năm 2013, Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, đồng thời tiếp tục kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt ra cho năm 2013, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía. Để đạt được điều này, ngoài các nhóm giải pháp, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự chủ động và linh hoạt của các bộ, ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, cần giải quyết triệt để hai vấn đề lớn nhất hiện nay là hàng tồn kho và nợ xấu ngân hàng, BĐS, nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết trong năm 2013 là tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo 3 trụ cột, trong đó triển khai Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh cho DNNN, đồng thời phục vụ và hỗ trợ cho nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, tái cơ cấu DNNN còn góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách đang tồn tại của nền kinh tế như hàng tồn kho và xử lý nợ xấu. Do đó, tiếp tục đổi mới và sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước đối với DNNN. Tái cơ cấu DNNN phải được thực hiện một cách vững chắc với lộ trình phù hợp và đồng bộ với tái cấu trúc  thị trường tài chính nhằm lành mạnh hóa tình trạng tài chính, năng lực, cải thiện mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) và ổn định thị trường tài chính, cũng như tái cấu trúc đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển. Cùng với đó là việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, gắn kết chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ (CSTT) theo mục tiêu tăng cường ổn định vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng hợp lý.

Không thể phủ nhận nhũng nỗ lực của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới cho TTCK năm 2012. Tuy nhiên, TTCK dường như chưa hấp thụ được hết các chính sách đó. Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có những chính sách, giải pháp gì để hỗ trợ TTCK?

Đối với lĩnh vực chứng khoán trong năm 2012, có thể nói đây là một năm có sự đổi mới rất mạnh về cơ chế giao dịch và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường. 2012 cũng là năm TTCK khởi động mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc thị trường. Đặc biệt, trên nền tảng thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu có những bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng lên tới 150% trong năm 2012. Đây là một trọng điểm và cũng là thành công của Bộ Tài chính trong năm 2012.

Đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang khó khăn như thời gian qua đã bộc lộ ra một số vấn đề yêu cầu cơ quan quản lý cần lưu tâm:

Một là, sự khẩn thiết phải hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường, đòi hỏi Chính phủ, Bộ Tài chính phải tạo điều kiện cho UBCKNN tập trung để làm những việc này. Do đó, năm qua, cơ quan quản lý thị trường đã tập trung rất nhiều nỗ lực cho các hoạt động hoàn thiện chiến lược phát triển TTCK, Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm tạo cơ chế và điều kiện để triển khai các giải pháp tái cấu trúc thành viên thị trường, hàng hóa cho thị trường và cơ sở nhà đầu tư. Trong lúc thi trường đang đi ngang hoặc có khó khăn như vậy vừa là thực tế bắt buộc nhưng cũng vừa là tạo cơ hội cho UBCKNN tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý. Có thể nói, thời gian qua sự trầm lắng của TTCK cũng chính là khoảng thời gian phẳng lặng nhất để cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách có dịp nhìn lại chính sách, đánh giá chính sách, xem xét quá trình phát triển của thị trường từ quá khứ, hiện tại và dự cảm tương lai...

Hai là, 2012 cũng là năm có rất nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường, nhằm giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho thị trường, đáp ứng các yêu cầu hội nhập.

Tại thời điểm tháng cuối cùng của năm 2012 và đầu năm 2013, TTCK bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc khi đón nhận thông tin tích cực về một số giải pháp, chính sách kinh tế, nhất là chính sách hỗ trợ thị trường BĐS năm sau. Nhiều khả năng TTCK năm 2013 sẽ khởi sắc hơn so với năm 2012. Để TTCK phát triển ổn định trong thời gian tới, đồng thời đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một hệ thống gồm 21 giải pháp về tài chính và tài khóa. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất giãn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở rộng thêm đối với doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, để tăng tổng cầu, Bộ Tài chính đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sẽ tăng tổng mức đầu tư về tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn TTCK Việt Nam gặp nhiều khó khăn thì đã xảy ra những “cú sốc" lớn mà điển hình là sự kiện ngày 21/8. Là vị thuyền trưởng cùng anh em vững tay chèo lái con thuyền chúng khoán vượt qua những ngày tháng cam go đó, Bộ trưởng có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình chỉ đạo, điều hành TTCK thời điểm đó?

Năm 2012 là một năm nhiều sóng gió đối với TTCK Việt Nam, nhưng quan trọng là chúng ta đã giữ được thị trường không bị đổ vỡ. Trong năm qua, bản thân tôi cũng như anh Trần Xuân Hà (Thứ trưởng Bộ Tài chính), anh Vũ Bằng (Chủ tịch UBCKNN) đã tập trung rất nhiều công sức cho lĩnh vực này, kể cả những lúc thị trường khó khăn nhất như thời điểm ngày 21/8 khi cựu lãnh đạo của một ngân hàng thương mại bị bắt đã làm rúng động toàn thị trường, gây tâm lý hoang mang trong giới đầu tư, thậm chí có dư luận cho rằng nên đóng cửa thị trường... Vào thời điểm đó, chúng tôi vừa phải ứng phó với những tình huống khẩn cấp như thế nhưng vẫn phải đọc cả những bản đề cương về Chiến lược phát triển thị trường, tái cấu trúc thị trường, phát triển sản phẩm mới... tức là phải xem xét cả những vấn đề của 5 năm, 10 năm sau của TTCK.

Nhớ lại những ngày đó, trong bối cảnh nhà đầu tư không tránh khỏi lo lắng nhưng bên cạnh đó vẫn có những người lợi dụng tình thế đó của thị trường để làm giá, kéo chứng khoán xuống để thâu tóm, trục lợi nên họ vẫn phao tin đóng cửa thị trường. Mà kinh nghiệm quốc tế cho thấy đã có trường hợp khi đã đóng cửa thị trường thì có thể đến 10 năm sau mới mở lại được. Vì vậy, chúng tôi đã cử đồng chí Vũ Bằng xuất hiện trên truyền hình để công bố không có chuyện đóng cửa thị trường, mà chỉ đình chỉ giao dịch những mã chứng khoán nào có giao dịch bị giảm quá mức quy định. Những phiên giao dịch sau đó, tâm lý thị trường đã ổn định trở lại, các chỉ số chứng khoán chủ chốt chỉ giằng co đi ngang chứ không còn giảm mạnh. Trong những tháng cuối năm 2012, có những sự kiện tương tự xảy  ảnh hưởng không tốt đến thị trường nhưng đã không còn những phản ứng thái quá như ngày 21/8 vì nhà đầu tư đã yên tâm hơn và tin tưởng hơn vào cách điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBCKNN. Có thể nói, việc đối phó với những sự kiện đó trên TTCK năm 2012 như một điểm sáng trong những kỳ tích của công tác điều hành thị trường năm qua.

Nhân dp Năm mi, Bộ trưởng chia sẻ gửi gm  gì tới nhà đầu tư?

Với các nhà đầu tư, tôi muốn nhắn nhủ rằng: Chính phủ, Bộ Tài chính luôn khẳng định TTCK không phải là cái chợ đơn thuần, mà đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Theo đó, đòi hỏi cơ quan quản lý phải củng cố, tái cấu trúc lại thị trường nhằm san sẻ bớt gánh nặng cho kênh tín dụng. Do đó, chắc chắn rằng Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tập trung lo cho sự phát triển của TTCK về lâu dài. Theo tôi, những nhà đầu tư tổ chức, đầu tư nghiêm tức trên thị trường đều nhìn thấy điều đó. Đó là điều then chốt nhất. Tôi đã nói vấn đề này nhiều lần và Chính phủ cũng nói nhiều lần. Thậm chí vừa rồi nhiều địa phương còn đề xuất phải chứng khoán hóa BĐS, nếu được như vậy thì đó sẽ là kênh huy động vốn rất là tốt cho nền kinh tế.

TTCK là thị trường cấp cao, do đó chúng ta phải chuẩn bị các hành lang tốt nhất để cho TTCK vận hành đúng với bản chất của thị trường cao cấp, đáp ứng nhu cầu của thành viên thị trường và nhà đầu tư.

 Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!